Bố mẹ khóc cạn nước mắt khi 2 con cùng mắc bệnh tan máu bẩm sinh
Vợ chồng chị Hiệp sinh được hai đứa con thì cả hai đều mắc bệnh Thalassemia (còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh), phải điều trị suốt đời. Ngày biết tin dữ, chị như gã gục, chỉ muốn chết đi để đổi cho con cuộc sống khỏe mạnh, bình thường như những đứa trẻ khác.
Nhìn hai đứa con chơi đùa với nhau, cười vang nhà, lòng chị như xát muối. Chỉ trước đó ít ngày, hai đứa thay nhau lên cơn sốt vì anh chị chưa chuẩn bị đủ tiền để đưa con đi truyền máu, lọc thải sắt và lấy thuốc điều trị.
Rơm rớm nước mắt, chị Hồ Thị Hiệp (SN 1983, trú xóm 7, xã Thái Sơn, Đô Lương, Nghệ An) nói: “Khi biết cả hai con đều mắc căn bệnh quái ác này, chỉ khóc hết nước mắt. Bác sỹ nói nguyên nhân là do bố mẹ trùng gen với nhau. Bệnh này không chữa được mà phải truyền máu, uống thuốc suốt đời. Khi đó chị nghĩ nếu mình chết đi mà con khỏe mạnh chị cũng sẵn sàng chết cho con được sống”.
Chị Hiệp quê Anh Sơn, đi làm công nhân ở miền Nam gặp anh Nguyễn Cao Ánh (SN 1977, quê Đô Lương) rồi bén duyên nhau. Năm 2006, cháu Nguyễn Cao Nhật ra đời. Vừa lọt lòng mẹ, Nhật đã ốm yếu, đi viện như cơm bữa. Kinh tế khó khăn quá nên cai sữa con xong thì vợ chồng anh Ánh gửi Nhật về nhờ ông bà nội chăm sóc. Năm 2010, cháu Nguyễn Thị Lan Anh ra đời, tình trạng sức khỏe cũng không khá hơn anh trai là mấy nên anh chị quyết định chuyển về quê nhà sinh sống.
Năm 2012, Nhật càng xanh xao, ốm yếu, gầy gò, bụng chướng, tẩm bổ thế nào cũng không khá hơn. Đi Hà Nội kiểm tra, mọi người choáng váng khi bác sỹ thông báo. Trong nỗi lo sợ, anh Ánh đưa thêm Lan Anh đi kiểm tra. Điều hi vọng đã không xảy ra khi Lan Anh chung căn bệnh với anh trai mình. Sau thời gian suy sụp tinh thần, anh chị tự động viên mình phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con.
Theo chỉ định của bác sỹ, đúng 2 tháng 1 lần, Nhật và Lan Anh phải ra Trung tâm huyết học và truyền máu Trung ương để lọc máu và lấy thuốc hỗ trợ. Mỗi lần đưa con đi viện anh chị cũng phải cầm trong tay 5-7 triệu đồng vừa thuốc thang, vừa chi phí ăn ở.
“Có lần chưa chuẩn bị được tiền, hai vợ chồng đưa con ra muộn. Kiểm tra các chỉ số máu xong, các bác sỹ mắng cho 1 trận vì bệnh nhân cần được truyền máu thường xuyên, đúng thời hạn để duy trì cuộc sống, tránh cho tim không bị suy, tủy xương không phải hoạt động quá mức, thải sắt ứ nhằm không ảnh hưởng tới chức năng của tim, phổi và các cơ quan nội tạng”, chị Hiệp cho biết thêm.
Nếu truyền máu đúng thời gian thì hai cháu chỉ phải nằm viện truyền máu vài ba ngày, nếu bệnh tình nặng hơn thì phải mất cả tuần truyền máu. Nhiều khi không chuẩn bị được tiền, anh chị chỉ dám lấy 1 phần thuốc điều trị để giúp các con cầm cự và thu xếp tiền mua bổ sung sau.
Hai con mắc trọng bệnh, ruộng chỉ được 2 sào ruộng, đến nhà cũng phải đang ở nhờ bố mẹ nên cuộc sống của vợ chồng anh Ánh lâm vào khó khăn. Hai anh chị không có nghề nghiệp ổn định nên quyết định sang xã Nhân Sơn (Đô Lương) thuê ốt kiếm sống. Hằng ngày chị Hiệp buôn bán lặt vặt, anh Ánh làm gò hàn hoặc đi xây.
“Quần quật cả ngày cũng không lo đủ tiền thuốc cho các con. May còn ông bà, hai bên nội ngoại giúp đỡ thêm. Các cháu sống nhờ thuốc, ăn uống cũng phải kiêng cữ ngặt nghèo lắm. Có đêm cả hai đứa lên cơn sốt, kêu nhức mỏi xương, bố mẹ gần như phải thức suốt đêm để thay nhau xoa bóp cho con. Thương con, khó khăn cực khổ mấy hai vợ chồng cũng sẽ cố nhưng cứ nghĩ tới sau này mình già đi, không lo được cho con nữa, liệu có ai dám gắn bó cả đời để thay mình chăm con không thì nước mắt lại trào ra”, chị Hiệp thổn thức.
Căn nhà anh chị sống nhờ bố mẹ chồng cũng rệu rã lắm rồi nhưng xoay xở chóng cả mặt cũng không đủ tiền điều trị cho con nên đành phải tặc lưỡi để đó. Ông Nguyễn Cao Quế (SN 1948) – ông nội của Nhật và Lan Anh buồn bã: “Thương con, thương cháu lắm nhưng hai thân già như chúng tôi không biết làm cách gì mà giúp. Ông trời sao nỡ ác với cả hai đứa cháu của tôi? Chúng còn bé quá…”.
Nhật và Lan Anh da xanh tái, môi nhợt nhạt ngồi chơi trò giàu – nghèo với nhau. Với chúng, được tham gia các trò chơi bình thường như các bạn là điều quá xa vời bởi chỉ cần vận động mạnh, các em sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao cho sức khỏe. Hai anh em chơi rồi cười khanh khách, dường như chúng còn quá nhỏ để hiểu nỗi lo âu hiện rõ trên mắt mẹ và tiếng thở dài bất lực của bố khi hạn truyền máu đã đến gần…
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
1. Mã số 2390: Anh Nguyễn Cao Ánh, chị Hồ Thị Hiệp (SN 1983, trú xóm 7, xã Thái Sơn, Đô Lương, Nghệ An)
ĐT: 0169 45 88 017