Hoạt động

Công tác tặng sách giáo khoa cho con em bà cụ bị tàn tật do chiến tranh

thành viên Mái Ấm Giữa Đời quay trở lại tìm bà cụ Đỗ Kim Xuyến - bị mất 1 tay và 1 chân do di chứng chiến tranh để lại, nhân vật này đã được quý ông bà anh chị em biết tới qua bài viết “Tiếng khóc thầm của những phận người đau khổ”.

Tiếng khóc thầm của những phận người khốn khó

Giữ lời hứa về việc sẽ tiếp tục trợ giúp việc học hành của 3 đứa cháu đang được người bà tật nguyền cưu mang. Thành viên Mái Ấm Giữa Đời lại tiếp tục cuộc hành trình trở lại những nhân vật đã từng được yêu thương bởi bàn tay Thiên Chúa nhân lành, để tiếp tục nâng bước những mầm non trong cơn giông bão của khó nghèo và lao nhọc.

Ngày trước khi lần đầu ghé thăm, người thiện nguyện viên vô cùng vui mừng khi thấy trong gian nhà nhỏ có bàn thờ Chúa được trang hoàng rất tươm tất. Lại càng mừng hơn khi nghe bà nói gia đình luôn được bao bọc trong tình Chúa thương xót qua các câu chuyện, sứ điệp trong đĩa CD bài giảng lòng Thương xót Chúa. 

Lúc ấy thành viên Mái Ấm Giữa Đời đã trao cho cụ một phần quà là tiền mặt, và nhu yếu phẩm cần thiết với lời dặn dò, khi các cháu qua năm học mới, nhất định chúng con sẽ quay lại lo cho các cháu có sách vở đến trường.

Nay quay lại mới thấy, những vật lộn trong cuộc sống thường ngày vẫn luôn là nỗi ám ảnh của những phận người nghèo, người khổ. Ngày qua ngày, bốn bà cháu sống dựa vào những đồng trợ cấp còm cõi và sự yêu thương của hàng xóm láng giềng, nay người này cho ít gạo, mai người kia cho chục mỳ. Gặp lại bà cụ Xuyến, chỉ chưa đầy nửa năm mà dung mạo đã tiều tụy khác trước nhiều. Cụ nói sức khỏe đi xuống nhiều, thời tiết thay đổi là những chỗ thương tật trên người lại đau nhức kinh khủng. 

Lại rùng mình trước hậu quả thảm khốc của những cuộc chiến tranh vô nghĩa. Có Thiên Chúa nào xúi con người ta đi đánh giết lẫn nhau đâu, tự loài người lao vào những cuộc chiến vô nghĩa. Chiến tranh qua đi, nỗi đau ở lại. Thiên Chúa giàu lòng thương xót thở dài nhìn những con cái mình vật lộn với nỗi đau khôn nguôi. Cũng là những phận người sinh ra lành lặn, dân thường đâu biết gì đến những tính toán trên bàn cờ chiến trường, sơ ý dẵm phải bom mìn, thế là tan nát. Như cụ Xuyến, quả bom đã thổi bay một chân, và một tay cũng không còn ra hình dạng, may thời ấy có bác sĩ tận tâm cứu chữa, nhưng bàn tay cũng không cử động gì được nữa. Cụ Xuyến mang tấm thân tàn tạ ấy qua bốn mươi năm ròng, rồi lại thêm một nách ba đứa cháu tuổi ăn tuổi lớn, mồ côi mẹ, còn ba của mấy đứa nhỏ - con trai của bà Xuyến - ốm đau thần kinh không ổn định, cũng là một gánh nặng không nhỏ…

Người thiện nguyện viên nắm lấy bàn tay méo mó của bà Xuyến, hỏi han về mấy đứa nhỏ. Bà thật thà kể đứa cháu gái lớn nhất do học lực yếu nên quyết định học xong lớp 9 thì nghỉ, hiện đang làm hồ sơ xin việc. Hai đứa nhỏ thì vẫn học hành được và học rất ngoan. Cuối tuần các em vẫn đi lễ và cầu nguyện chăm chỉ. Thôi thì cháu lớn có ý như vậy cũng mừng, phụ với bà lo cho hai em ăn học đến nơi đến chốn.

Người thiện nguyện viên trầm tư trong khoảnh khắc. Liệu có phải sự em nghỉ học sớm là một sai lầm? Trong cái xã hội trọng bằng cấp và chữ nghĩa như hiện nay, nếu không hoàn thành nốt 3 năm cuối cấp, liệu em có cơ hội vươn lên trong xã hội này? Ngước mắt nhìn lên tượng Chúa thương xót, người thiện nguyện khẩn khoản xin câu trả lời từ Thiên Chúa từ nhân.

“Hãy tín thác, phó thác và trông cậy vào Thiên Chúa” – Thông điệp đó vang lên trong tâm trí người thiện nguyện. Đúng vậy, trong thời buổi khó khăn này, không có lao động nào là vô nghĩa, nếu thực sự theo đuổi việc học là quá khó khăn, thì việc chọn điểm dừng hợp lý và đi làm, kiếm tiền phụ gia đình cũng là một phương cách đúng đắn. Phải chăng thời nay cũng có quá nhiều cử nhân học xong mà vẫn thất nghiệp đó thôi, nhiều người học cao hiểu rộng, lên chức bậc giáo sư này tiến sĩ nọ, mà cái tâm không sáng, chỉ nghĩ đến việc luồn cúi chạy chọt, há chẳng bằng một cô công nhân lao động chân chính đó sao.

Vậy thì cháu gái, hãy vui lên vì mình đã biết lao động, hãy tự hào vì từ nay mình sẽ bắt đầu công cuộc chia sẻ với bà mình chăm các em. Những đồng tiền chân chính bao giờ cũng quý báu. Mẹ của các em nơi nước Thiên Đàng vinh phúc hẳn cũng sẽ tự hào khi thấy các con mình đã dám dấn thân, dám hy sinh vì gia đình, chị em mình. Những đứa em của cháu cũng sẽ tự hào lắm khi có một người chị thương yêu em mình như thế.

Thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời tâm sự với bà cụ, rằng việc cháu gái lớn nghỉ học đi làm cũng không phải là điều gì đó quá tồi tệ. Mỗi hoàn cảnh con người sẽ tự thích nghi, quan trọng là hai đứa cháu còn lại học lực vẫn tốt thì hãy cố gắng để hai cháu có sự học vẹn tròn.

 

Nhận từ tay thiện nguyện viên phần quà để mua bộ sách giáo khoa và chục tập vở cho hai cháu nhỏ, người bà tật nguyền tay run run. Bà cảm ơn nhiều lắm, lần trước khi gặp, những giọt nước mắt đã rơi khi người đàn bà già nua kể lại câu chuyện cuộc đời đầy bi kịch của mình. Những giọt nước mắt lặng thầm ngót nghét 40 năm…Vậy đó, nay thì một cháu đã lớn khôn, đã biết đi làm nuôi em, nuôi bà. Mất tay, mất chân, tưởng như những khuyết thiếu ấy sẽ xô ngã bà trong vực thẳm cuộc đời. 

Nhưng hóa ra, với lòng cậy trông vô bờ bến vào Thiên Chúa đấng giàu lòng thương xót, những khuyết thiếu cơ thể đã biến thành những trụ cột vững chắc, vực dậy chính cuộc đời bà Xuyến, và vực dậy cho cả những đứa cháu thiếu vắng tình thương của mẹ và sự chăm sóc của người cha. Người phụ nữ run run trên cây nạng gỗ đó đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Và nay thì quả ngọt sắp đến lúc thu về, người cháu gái của bà cũng đã thành một chỗ dựa mới. Mấy bà cháu nương tựa vào nhau qua những ngày tháng gian khó. Để ước mơ một tương lai sáng sủa cho mấy đứa cháu gái nhỏ của mình.

Mỗi câu chuyện thành viên Mái Ấm Giữa Đời tìm đến, đều ẩn chứa trong đó màu nhiệm của Đấng giàu lòng thương xót là Chúa Giêsu Kitô. Bằng cách này hay cách khác, ngài luôn ban bình an đến những phận người khốn khó. Và những câu chuyện đẹp như thế sẽ theo những bài giảng, những hình ảnh, những lời kể mà lan tỏa khắp mọi nơi, làm chứng cho sự màu nhiệm của đức tin. Hãy tin, hãy thành viên Mái Ấm Giữa Đời và sống hết lòng trông cậy.

TRUYỀN THÔNG MÁI ẤM GIỮA ĐỜI


Có thể bạn quan tâm