Hoạt động

Dương Minh - chuyến xe bão táo và lớp học ấm ân tình

Theo lịch trình công tác điểm cuối chuyến công tác tại Tây Ninh, thành viên Mái Ấm Giữa Đời còn một trách nhiệm yêu thương để tới đó là nhà thờ Dương Minh - thuộc huyện Dương Minh Châu.

Qua các phương tiện chúng tôi cũng biết Dương Minh Châu là cực Tây phía Nam giáp nước bạn Campuchia. Song không lường được hành trình lại trắc trở đến vậy, càng đi đường càng xấu ổ gà ổ voi, và càng đi càng hun hút vô định, chẳng có bóng người, chỉ thấy miệt mài tay trái là bờ hồ Dầu Tiếng, tay phải là rừng cao su hun hút. Đón chào chúng tôi chỉ có những bầy trâu vừa đằm mình ở lòng hồ, thành thơi rủ nhau qua đường lộ...và biến mất sau rừng cao su ngút ngàn. 

Càng đi càng hun hút, và hoàng hôn thì bắt đầu buông bằng những ráng mây chiều đỏ quạch. Bạn bè bắt đầu lo lắng...hay lạc đường. Liên lạc với một hoa tiêu, mới biết là...lạc đường thật. 

Chúng tôi vòng ngược xe và rẽ vào biển chỉ đường hướng về mạn biên giới Tân Biên, biển hướng dẫn cho biết nơi này cách nước bạn tám cây số, vậy là nhà thờ Dương Minh là một điểm coi như cặp mạn biên viễn Tây Nam, hoang vắng là phải. 

Cha sở và đồng bào đã tề tựu đợi chúng tôi, để đảm bảo lịch trình và không ảnh hưởng tới giờ lễ chiều cuối ngày chủ nhật rất quí báu của bà con. thành viên Mái Ấm Giữa Đời triển khai tác chiến thật vắn gọn.

 

 

 

Đại diện đoàn báo cáo vắn tắt mục đích chuyến đi là tấm lòng của cha linh hướng và anh em thiện nguyện dành cho bà con miền biên viễn. Là linh đạo lòng Chúa xót thương, linh đạo, sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình thiện nguyện. Chúng tôi trao tặng bà con món quà tinh thần Chúa tất cả tâm huyết của đoàn. Và quà vật chất là tình yêu, sự góp nhặt của nhiều đồng bào xa gần dồn lại. Cho tới khi tới Dương Minh và dành riêng cho nơi này 90 phần. Thì tổng số quà chúng tôi trao tại Tây Ninh là 280 phần. 

thành viên Mái Ấm Giữa Đời cũng nhận được tình thương yêu của đồng bào và cha sở tại. Khi phần quà cuối cùng tới tay bà con, là lúc tiếng chuông ngân vang, người mục tử vội lật đật mặc áo lễ lo giờ lễ tối và vòng xe thiện nguyện cũng chuẩn bị lăn bánh rời khỏi Dương Minh.

VÀ BẤT NGỜ PHÚT CUỐI - MỘT LỚP HỌC CỦA YÊU THƯƠNG

Có một thiện nguyện viên, như là Chúa muốn níu chân đứng lại giữa vườn cao su hoang vu quanh nhà thờ Dương Minh, nơi có một mái lá nhỏ và dăm mười dãy ghế đơn sơ.

- Không lẽ lớp học ngoài trời, nếu vậy thì thật tuyệt - thiện nguyện viên nghĩ thầm - Nhưng ở đây ai học nhỉ.

Cả vườn cây chỉ nghe tiếng lá xào xạc trả lời thiện nguyện viên quyết định quan sát, khả dĩ có ai mà níu hỏi.

Thật bất ngờ, quá đối bất ngờ, như trong cổ tích, có một mái đầu bạc phơ đang lom khom bên cái xe đạp cũ mèm cách đó một đỗi.

Bà đang vất vả xoay trở với phần quà vừa nhận. Phụ bà cột lại phần quà, và hỏi thăm, thiện nguyện viên sững sờ khi bà xác nhận:

- Đúng là có lớp học đó con, bảy mươi đứa và đã tám năm nay.

Bà ngước mắt lên nhìn trời chầm chậm kể từng lời, khơi mở những màu sắc thú vị phác họa về một lớp học tràn đầy yêu thương, được khởi sự từ yêu thương và sẽ luôn được duy trì bởi yêu thương, chỉ từ một lý do đơn giản nhất: vì lũ trẻ.

Trong gió mát lạnh giữa khu vườn cao su, người đàn bà có mái tóc bạc phơ kể lại câu chuyện về một cuộc thương yêu bỗng đâu lôi kéo bà suốt tám nay dành linh hồn và thể xác mình dâng tặng cho Thiên Chúa, trở thành người cấp dưỡng không công cho bầy trẻ .

 Kể câu chuyện về lớp học, đôi lúc bà lại mỉm cười chăm chú nhìn lũ trẻ, đứa chơi lò cò, đứa lại chăm chúi vào cuốn sách trên tay, mấy bé nhỏ líu xíu thì cùng nhau chơi trượt bắt. 

thành viên Mái Ấm Giữa Đời đã trò chuyện cùng bà, để cảm thấy mình có may mắn được hạnh ngộ một câu chuyện đẹp, một tâm tình đơn sơ mà đã phải đánh đổi bằng biết bao công sức để gầy dựng và duy trì lớp học được đến bây giờ.

 

Bà cụ dành 8 năm trời để nấu cơm nuôi các em nhỏ tại lớp học tình thương dưới tán cao su ở Dương Minh

Tâm tình cụ già trải về lý do thành lập lớp rất đơn sơ: Các em đều có ba mẹ đi làm ăn xa, một số làm ăn tận bên kia biên giới, có người thì lại xách tay nải lên khu vực hồ Dầu Tiếng mưu sinh. 

Có khi đi sáng sớm đến tối mịt mới về, hoặc vài ba ngày mới về nhà một lần. Người lớn bận mưu sinh, trẻ con để lại lớn lên như những chú nai nhỏ, hoang dã, nheo nhóc chẳng ai trông nom, đứa nào đứa nấy mặt mũi tèm nhem. Cha sỡ thương mới bàn với các Xơ dòng nữ tử bác ái mở một lớp học nhỏ để các em dành thời gian học hành, được cha và các xơ bảo ban chăm sóc, không phải để ra nông nỗi không biết đến con chữ.

Ban đầu cũng chỉ là mở lớp để dạy chữ cho các cháu nhỏ, dần về sau xơ thấy nhiều em ba mẹ đi cả ngày, cơm nước ăn bờ ngủ bụi, thế là lại thương, lại xót (thật đúng cho cụm từ “thương xót”!). Xơ lại dành tâm sức mình ra mở thêm bếp ăn cho đám nhỏ. Thế là người nữ tu giờ lại thêm công việc, là nuôi ăn cho lớp học mà ban đầu chỉ vài cháu, giờ đã là 70 đứa trẻ. Lo ăn một ngày 2 bữa đủ chất, đủ lượng cho 70 sinh linh bé nhỏ, thật quả là một đại công việc dồn lên tấm vai gầy của các xơ.

Cha mẹ các em ai cũng nghèo, thấy con mình có nơi trông nom, lại được cho ăn thì mừng lắm. Chiều tối các anh, các chị đến đón con thấy con mình đứa nào đứa nấy tóc tai sạch sẽ thơm lừng, vừa được con chữ trong đầu lại vừa có 2 bữa cơm chắc bụng. Ít ai biết, đằng sau đó là biết bao mồ hôi, công sức và tâm huyết của những con người đang duy trì lớp học yêu thương này.

Nuôi dưỡng những tâm hồn thơ trẻ, 8 năm quả là một hành trình dài, nhiều em đã lớn, đã bắt đầu trưởng thành và đi làm, lớn khôn, lớn khôn từ những tháng năm học ở lớp học tình thương này, lớn khôn từ những bữa ăn tận tâm bà cụ già đã đặt cả trái tim và tình thương vào công việc nấu nướng.

Thế hệ tiếp nối thế hệ, những đứa trẻ nhỏ lít nhít khác lại sà vào vòng tay xơ, để những lúc ba mẹ xa nhà, chúng đã có một mái lá dưới rừng cao su, đơn sơ mà ấm áp, yêu thương bảo bọc chúng khỏi biết bao sự nguy hại bủa vây nơi xứ nghèo.

Tìm gặp các xơ , khiêm nhu và dịu dàng vị sơ về lớp học nơi Dương Minh này: “Quan trọng nhất là nuôi dưỡng trẻ thơ toàn diện cả phần xác và phần hồn, chăm lo các em thay một phần cha mẹ…”

Bóng mặt trời lặn khuất, đám trẻ đứng líu ríu nơi sân trường chờ người lớn đón về. Người xơ già không quên gọi từng em lại, xoa đầu vuốt tóc, dặn dò giữ vệ sinh thật tốt, nhớ học bài, cha mẹ nói nhớ vâng dạ lễ phép… Những mái đầu xanh vùi vào bờ vai vững vàng, là điểm tựa cho cuộc đời ấu thơ trót mang phận nghèo, phận khổ. Nhưng sẽ không nghèo, không khổ trong tâm hồn. Ít nhất là như thế.

Yêu thương không cần nhiều định nghĩa hoa mỹ, Lòng thương xót Chúa không cần những định nghĩa thâm sâu. Tình yêu thương hiện diện bóng hình Thiên Chúa , đã được giải nghĩa đầy đủ khi nhìn vào lớp học đơn sơ với dăm mười dãy ghế, khuất khuất dưới tán rừng cao su xào xạc êm đềm lúc trời nhập nhoạng tối.

Bảy mươi đứa trẻ cứ thế băng rừng, lội qua những con đường ngoằn nghèo để đến lớp học tìm con chữ, tìm hy vọng có tri thức để vượt qua cái nghèo, cái khổ nơi huyện miền biên giới, nhờ tình yêu thương của Xơ, của cộng đồng, của biết bao người. Nhìn những mái đầu tóc cháy vàng xơ xác vì nắng nóng, những bước chân trần chi chít sẹo vì dẵm mảnh gai khi đi học của các em, sẽ biết khao khát được hiểu biết, được kết nối với cộng đồng, được chở che an ủi trong vòng tay Thiên Chúa của các em lớn biết bao.

Thương lắm, những người thiện nguyện nói với nhau phải làm điều gì đó để con đường đến trường của các em bớt được phần cơ cực.

Thế là thành viên Mái Ấm Giữa Đời thiện nguyện chẳng ngại ngần đã dành ngay một phần quà là một chút vật chất hỗ trợ để Xơ mua gạo nấu cơm cho mấy chục em nhỏ, thành viên Mái Ấm Giữa Đời lại góp thêm một cơ số mũ vải, chính là số mũ mà chúng tôi đang đội trên đường đến đây. Tất cả chúng tôi dồn mũ vải và những tấm áo mưa chuẩn bị cho chuyến công tác để lại cho các bé. Một chút nắng nôi với thành viên Mái Ấm Giữa Đời có là bao, trong khi có chiếc mũ vải, những mái đầu nhỏ xíu không còn phải chịu cảnh đầu trần đội nắng đội mưa đi học! Thiện nguyện cũng góp thêm một cơ số áo mưa để các em nhỏ đi học trời mưa không còn là nỗi đe dọa đến sức khỏe các em khi đi đường trời mưa gió.

Một doanh nhân đi cùng đoàn thành viên Mái Ấm Giữa Đời cũng nhã ý muốn góp gạo hàng tháng để cùng Xơ nuôi mấy cháu, thật là niềm vui nối tiếp niềm vui. Hy vọng doanh nghiệp này Chúa thương ăn ra làm nên để có điều kiện thực hiện ý tốt này.

Hòa nhịp yêu thương, Lòng thương Xót Chúa đã kết nối tất cả mọi người để cùng hướng về một niềm tin, một tình yêu duy nhất: yêu người, yêu tha nhân, yêu người xa lạ như yêu anh em mình. LTXC đã đưa những đứa trẻ đến vòng tay của Xơ để được chăm sóc bảo ban, LTXC đã đưa chúng tôi đến lớp học nhỏ này, và LTXC sẽ còn kết nối nhiều tấm lòng thiện hảo khác để nuôi một ước mơ gieo tri thức, gieo điều tốt đẹp vào tâm hồn những đứa trẻ non nớt. Thành viên Mái Ấm Giữa Đời càng đi, càng biết, lại càng hiểu và trân trọng sứ mạng mà LTXC đã đặt lên vai mình: loan truyền Tin Mừng, loan truyền LTXC và loan truyền những điều kỳ diệu đến khắp nơi nơi.

Để biết thêm về lơp học giáo lý đặc biệt này, xin liên hệ:

MÁI ẤM GIỮA ĐỜI

Có thể bạn quan tâm