Hoạt động

Giáng sinh đang đến bên thềm

Vui đón Giáng Sinh Cùng Đồng Bào Khơme và Stiêng tỉnh Bình Phước CN 14-12-2014 - Nhóm Thiện Nguyện thành viên Mái Ấm Giữa Đời Thành Phố.

• Khởi Đi Từ Một Bức Thư

Giáp lễ Giáng Sinh, chúng tôi nhận điện thoại từ người linh mục thân thương: “Sao rồi, thế Giáng sinh các con có mua sắm gì chưa ?”

Đám học trò ríu rít khoe, nào ở phố nọ thấy mũ giáng sinh xinh quá chừng; nào ở phố kia quần áo model đẹp sao là đẹp...

Người mục tử hỏi: “Vậy các con có khi nào nghĩ tới những người cả đời chẳng biết tới Giáng Sinh, cả đời chẳng một lần được đặt bước chân về nơi phố thị không?”

Rồi người mục tử lặng lẽ chuyển cho chúng tôi một lá thư kể về nơi heo hút với gương mặt thơ dại trong xóm nghèo của những trẻ thơ dân tộc Stiêng, Chăm và Khơmer từ một vùng xa xôi tỉnh Bình Phước, với lời động viên: “Giáng Sinh đang đến bên thềm. Đi chứ, các bạn trẻ thiện nguyện! Lên đường đón một Giáng Sinh sớm không phải nơi phố thị nào!”

• Chuyến Xe Bão Táp

Sáng sớm Chúa Nhật 14-12-2014, khi chuông nhà thờ đổ hồi báo thánh lễ 5 giờ sáng, nhóm thiện nguyện hào hứng chuyển hàng lên xe và bắt đầu một chuyến đi. Dọc theo quốc lộ 13, hành trình cứ dài mãi khi phố thị và làng mạc sầm uất bỏ lại sau lưng. Chúng tôi như chìm vào lớp bụi đặc sệt đỏ lừ khi xe vô dần tới địa bàn Bình Phước.

Qua bạt ngàn cao su, và luồn qua những khu vực toàn những loại cây không tên rậm rạp, ngồi trên xe người nào người nấy mỏi nhừ vì suốt năm tiếng đồng hồ lắc lư trong “chuyến xe bão táp” vượt qua “con đường đau khổ” chỉ mong tới được nơi cần tới. Ngồi trên xe, sau khi lần chuỗi Lòng Thương Xót và Chuỗi Mân Côi là những lời kinh không thể thiếu được trong những chuyến công tác, có bạn ước ao xe dừng lại là sẽ ghé nhà dân kiếm võng ngủ một giấc cho ngay lưng, có bạn mong xe tắp ngay vào một tiệm cơm tấm sườn bì thì mới sướng làm sao. Lúc đó mới nhớ rằng suốt năm tiếng đồng hồ ăn bụi đỏ, uống gió xào xạc qua lá khô, bụng người nào người nấy réo lên òng ọc...

Cuối cùng nhóm thiện nguyện cũng tới được nơi cần tới. Đó là giáo xứ Lộc Quang, thuộc giáo phận Phú Cường, tỉnh Bình Phước. Nơi đây, chẳng có võng đung đưa, và cũng lại càng hoang đường khi mơ về quán cơm tấm thơm lừng ở vỉa hè Sài Gòn. Trên sân đất lầm bụi đỏ au, dưới cái nắng cháy da, trẻ con cũng như người lớn đều háo hức mong đợi nhóm thiện nguyện đến chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với họ. Đồng bào đa số là người dân tộc Khmer và Stiêng.

Cụ Thạch Sinh cười móm mém, giơ tấm phiếu nhận quà trong tay: “Già lội từ trong sóc ra đây từ sáng sớm. Vui quá đi! Mừng quá đi! Già dắt thằng cháu trai ra đây, vừa nhận quà, vừa cho cháu nó ngắm cái người thành phố xinh đẹp. Nó cả đời cũng chẳng có dịp nào về thành phố!...”

Quên cả mệt nhọc, cô thiện nguyện viên bước nhanh lại trao trái bóng lớn đẹp cho cậu bé tóc cháy khét, cứ xấu hổ bám chân ông nội, và di miết đôi chân trần xuồng nền bụi đỏ.

Từng trái bóng bay rực rỡ được trao tận tay các em thơ. Mắt các em xoe tròn và sáng rỡ lên. Chúng rất khoái món quà đẹp đẽ mê ly này. Bỏ mặc người lớn với mì gạo đường cát thơm, chúng chạy ào ra một khoảng trống và tụm lại bên nhau hào hừng tung tăng với món quà đẹp, lạ mắt, chưa bao giờ ở miền quê nghèo này có được...

• Nơi Nào Để Chúa Giáng Sinh

Trong mỗi chuyến công tác bác ái, ngoài nhu yếu phẩm là gạo, mì, dầu ăn, nước mắm, muối… còn có món quà tinh thần không thể thiếu được khiến bà con rất vui mừng đón nhận, đó là các CD Bài Giảng, sách, ảnh lòng Chúa xót thương. Đặc biệt là những tràng Chuỗi Mân Côi, Chuỗi Lòng Thương Xót do bàn tay của anh chị em khuyết tật cặm cụi ngồi một chỗ kết thật là xinh. Nơi xa xôi hẻo lánh này, những món quà ấy thật quí xiết bao, vì giá trị tinh thần không thể cân đo đong đếm được. Quà vật chất rồi cũng hết, nhưng quà tinh thần sẽ nuôi dưỡng đời sống tâm linh của họ mãi mãi, vì “Con người sống đâu chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ…”

Mải trò chuyện chia sẻ cùng bà con, thiện nguyện viên quên đi cơn đói bụng mềm cả bàn chân. Đúng lúc đó, một dáng người mảnh khảnh vượt dốc băng về phía cộng đoàn. Bà con tíu tít reo: “Cha sở....”

Người mục tử lễ mễ với hai giỏ lớn, cười hì hì: “Biết các con về, xứ nghèo, chẳng có chi. Cha vào sóc đặt thứ cao lương này làm quà đãi khách thành phố!”

Quả là cao lương thật, hai giỏ khoai luộc chẳng mấy chốc hết vèo. Khoai chấm muối mè, đã lâu rồi chúng tôi mới được thưởng thức món quà quê tinh tế và đậm tình đậm nghĩa.

Sau khi trao tận tay 140 phần quà cho bà con xứ Lộc Quang, theo hướng dẫn của “hoa tiêu địa phương”, chúng tôi “hành quân” vào sóc Chằng Hai.

Chằng Hai là một sóc nhỏ của đồng bào Stiêng. Thiện nguyện phải lặn lội vào tận nơi, vì đây là một giáo điểm truyền giáo. Đồng bào nơi đây có cuộc sống độc canh độc cư, đời sống tâm linh còn nghèo nàn đơn sơ. Đến với bà con vùng sâu vùng xa, đem niềm vui Giáng Sinh, trao tặng món quà với cả tấm lòng, đó là cách giới thiệu với bà con về Thiên Chúa Đấng Giầu Lòng Thương Xót.

Nắng vẫn gay gắt nhưng không vì thế chùn bước chân thiện nguyện viên. Đúng 12 giờ trưa, nhóm đến được sóc Bù Tam. Nơi đây, đồng bào Stiêng, Chăm ở xen kẽ với nhau. Nắng, gió, cát, bụi, nghèo, đói, bệnh… là bạn đồng hành với mấy chục hộ đồng bào dân tộc ở vùng heo hút náy. Xót xa lắm! Lần đầu tiên họ được nhận quà Giáng Sinh. Lần đầu tiên họ biết đến Giáng Sinh là gì.

Có lẽ Đêm Giáng Sinh năm nay, đứng trước hang Belem, hát bài “Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa…” chúng tôi mới thấm thía cảnh khó nghèo của Giêsu ngày xưa là như thế nào. Ngày nay vẫn còn biết bao Giêsu bị bỏ rơi, bị bỏ quên, còn nghèo khổ, đói khát nơi rừng sâu núi thẳm. Họ chỉ mong có miếng cơm manh áo sống qua ngày đoạn tháng. Ấy thế mà nhiều nơi người ta vẫn đặt Chúa Hài Đồng nằm trong những hang đá hiện đại đèn sao lấp lánh, trang trí lộng lẫy xa hoa tốn kém hàng trăm triệu đồng và những buổi trình diễn thánh ca Giáng Sinh tốn cả bạc tỉ. Nếu biết tiết kiệm lại, có thể cứu đói cho cả trăm hộ. Không biết Chúa có vui lòng không nhỉ? Chúa chọn “máng cỏ bò lừa hôi tanh mùi bùn” không nơi tựa đầu, hay chốn phồn hoa đô hội tiền rừng bạc bể chỉ dành cho người lắm của nhiều tiền?

Mồ hôi nhễ nhãi, nhưng thấy lành lạnh rùng mình khi những ý nghĩ trên thoáng trong đầu. Nuốt cục đắng, nghẹn ngào chia tay những “Giêsu giáng trần” tại các sóc dân tộc, chúng tôi phải lên đường đi tiếp đến giáo xứ Phước An khi trời đã quá trưa,

Được sự giúp đỡ tận tình của người mục tử trẻ phụ trách giáo xứ Phước An, những thiện nguyện viên vui vẻ đến giao lưu và chia sẻ 110 phần quà Noel với bà con trong giáo xứ. Trong rực rỡ bóng bay, niềm vui như dâng lên với lời kinh ngợi ca Lòng Thương Xót Chúa.

Chia tay giáo xứ, lần theo con đường bụi mờ, chúng tôi vào thăm Sóc 23 Lớn. Sóc nằm lọt trong lô cao su. Thật rộn ràng khi gặp nhau. Năm mươi hộ gia đình bà con dân tộc Stiêng sau lúc nhận quà cùng hòa tiếng hát điệu múa với thiện nguyện viên. Dù cho ngôn ngữ bất đồng, song có Chúa ở cùng bà con và các thiện nguyện viên, cho nên vẫn hiểu nhau và tràn đầy thân ái. Phải quả cảm, tràn đầy tình yêu và ơn Chúa, người mục tử trẻ mới có thể trụ nơi thâm sơn cùng cốc với đồng bào, để cùng sống, cùng nghèo, cùng khổ với họ. Đó mới chính là những mục tử như lòng Chúa mong ước. Có được bao nhiêu mục tử “cùng sống nghèo sống khổ” với con chiên của mình như thế nhỉ?

Rời Sóc 23 Lớn, nhóm thiện nguyện cố gắng tới điểm cuối cuộc hành trình. Đó là Sóc 23 Nhỏ với những phần quà Giáng Sinh đến 40 hộ dân nghèo người Chăm, Hơ-Mông. Dù thời gian quá xít sao, song niềm vui không vì thế mà không dâng tràn. Dù phải chạy đua với thời gian song thiện nguyện viên vẫn kịp nắm chặt tay đồng bào, cùng nhau dâng chuỗi kinh lòng thương xót với trọn niềm tín thác.

•  Như Một Phép Nhiệm Mầu

Chúng tôi ra về khi trời xế chiều và đường lộ mỗi lúc một vắng hơn. Bỗng đâu sự cố xảy ra mà nếu không có ơn từ lòng Chúa thương xót thì chúng tôi không biết cách nào về được đến nhà. Cả nhóm rất bối rối lo lắng, vì chiếc xe chở chúng tôi chạy suốt ngày trên quãng đường quá dài, quá xấu cho nên động cơ xe quá nóng, không chạy được nữa, có nguy cơ...phát hỏa!

Bây giờ mà không có nước để hạ nhiệt máy xe thì quả là nguy to. Mà lấy đâu ra nước giữa vùng núi đồi sỏi đá khô cằn, không bóng người, không mái nhà. Anh tài xế rên hừ hừ. Một vài chị thở dài não ruột. Mấy bạn nam lo lắng nhìn dáo dác mong tìm được giếng nước. Thất vọng! Chỉ còn chắp tay ngửa mặt lên trời và “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa…” với chuỗi kinh lòng thương xót, và để Chúa ra tay khi con người bó tay!

Kìa mờ xa, có một nóc nhà nhỏ. Nhà ấy là của một đồng bào dân tộc Stiêng. Cả nhà kéo vô nương thu hái, nhà bỏ không. Theo phong tục và niềm tin của đồng bào Stiêng, mọi sự cứ để không vậy, nhưng được coi sóc, được cất giữ bởi chữ tín rồi, không ai tự nhiên mà lấy, mà sờ vào đồ đạc của chủ nhà được.

Chúng tôi cầu nguyện xin ý Chúa trong trường hợp này. Một anh trong đoàn bảo: Thôi xin phép chủ nhà vắng mặt để tìm phương tiện nào đó cấp cứu trong lúc ngặt nghèo này. Chúng ta lên đây cũng vì chữ thương yêu, mong đồng bào xá lỗi.

Mon men tới gần két trữ nước, két cũng nóng ran, dòm lom thấy vũng nước con con đáy bình, cả bọn ngao ngán.

- Ôi ! Bây giờ có cái giếng thì sướng biết bao! Một bạn lầu bầu thế.

- Có giếng nè! Một bạn nữ reo lên.

Quả là nhiệm mầu! Ở nhà này, không những có giếng, mà có cả cầu dao điện đàng hoàng, lại có cả khoanh ống nước máng ngay bên cạnh. Tạ ơn Chúa!... Dòng nước giúp hạ hỏa động cơ xe nóng bỏng, còn giúp chúng tôi rửa ráy chân tay mặt mũi sạch bớt bụi đường xa.

Mừng và xúc động! Cả nhóm như cảm thấy có Chúa hiển hiện trong lúc bế tắc cùng đường. Quyền năng của lòng thương xót Chúa đang tỏ hiện rạng ngời. Những đứa con khốn khó thấy tràn ngập thương yêu vui mừng.

Xe công tác về tới thành phố cũng đã hơn mười giờ khuya. Sài Gòn rạng rỡ đèn hoa tiễn từng tình nguyện viên về với mái gia đình. Khởi đi từ sáng sớm, về khi trời tối mịt, ai cũng thấm mệt, song nghĩ đến nơi các phum sóc ở Bình Phước xa xôi, đám trẻ con mơ những giấc mơ ngũ sắc rợp bóng bay, má Khmer bên ảnh Chúa xót thương lần hạt tín thác vào Thiên Chúa, em gái Stiêng cườm tay căng tròn tràng chuỗi mân côi, hơn bốn trăm bếp lửa đồng bào dân tộc mùa Giáng Sinh này ăm ắp gạo thơm, mì, đường... thì cái mệt bỗng nhiên tan biến, nhường chỗ cho niềm vui rất thanh, rất dịu.

Và như thế Giáng Sinh đang đến bên thềm...


 


 

 

Có thể bạn quan tâm