Những bước chân reo vui nơi miền trái ngọt
Một xứ sở từng là “vùng trắng” về tôn giáo, đã từng có quãng thời gian suốt ba bốn chục năm dài không có bóng dáng người giáo dân nào. Vậy mà, chỉ từ bóng hình của tấm ảnh Lòng Chúa thương xót bạc phếch nơi góc bếp nhà thờ tàn tro, người này nhìn, người kia ngắm. Rồi cứ người nọ bảo người kia, dắt díu nhau về tề tịu dưới chân Chúa, lần hồi gần chục năm rồi cũng dần hồi sinh một xứ đạo nơi miền sông nước.
XỨ SỞ CỦA “NGÔ VÀ “CẬY”
Giáo xứ Cai Quá thành lập từ những thế kỷ 19, trải qua nhiều năm sinh hoạt cầm chừng vì những trận bom rơi đạn lạc oanh tạc thời chiến tranh, đến những thập niên 50 của thế kỷ 20, do quá sợ hãi chiến tranh và tang tóc, người dân xứ Cai Quá bỏ đi hết, nhất là những người dân đạo do lo sợ những vấn đề về cấm đạo hay bắt đạo vẫn thường diễn ra trong thời chiến. Xứ Cai Quá như tên gọi của mình, đã “ngã ngựa” thực sự, suốt nhiều chục năm ròng không có bóng dáng giáo dân, ngôi thánh đường cũng theo đó mà tàn tạ.
Buồn lắm, buồn vì những quá khứ tang tóc để lại vết sẹo quá sâu nơi vùng đất một thời là miền trái ngọt của Lòng thương xót. Mãi cho đến 10 năm trước, khi cha quản xứ tiên khởi được bổ nhiệm về đây, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ của mình dưới bàn tay quan phóng dìu dắt của Thiên Chúa. Những người dân có đạo bắt đầu đổ về sinh sống làm ăn, rồi những gia đình đã tha phương cầu thực từ vài chục năm trước, cũng lục tục theo tiếng gọi Đức Tin mà quây quần về xóm đạo này. Bức ảnh Lòng Thương Xót bạc phếch nằm nơi cửa bếp giáo xứ như một nhân chứng vĩnh hằng của thời gian, chứng kiến bao biến động, bao đổi thay của một vùng đất, từ lúc từng là một xứ đạo trù phú, rồi bị chiến tranh tàn phá, rồi lại dần hồi sinh. Như những mầm non hé trở lại trên một gốc đại thụ tưởng đã khô cằn.
Xứ Ngã Cậy gần xứ Cai Quá và cũng được chăn dắt bời cùng một chủ chăn, người linh mục một lúc quản hai xứ, cứ lúc này chạy qua “Quá” thì lúc kia lại đã có mặt ở “Cậy” để lo lắng cho giáo dân của mình. Xứ Ngã Cậy tuy không bị một thời hoang vắng như Cai Quá, nhưng cũng tiêu điều xác xơ bởi cái nghèo. Sau chiến tranh, nhà thờ được nhà nước cấp lại cho hơn 1000 mét vuông đất để xây Nhà Chúa, mà nghèo quá mãi chẳng thể dựng đắp cho tươm tất, khi thành viên Mái Ấm Giữa Đời đến. Ngôi thánh đường nhìn y như một cái nhà kho, sập xệ. Vậy mà trong cái không gian “nhà kho” ấy lại tràn ngập cực thánh màu nhiệm, đã là nơi linh đạo Lòng Chúa Xót thương được truyền bá rộng rãi nhiều năm qua.
Cái nghèo làm cho cuộc sống người giáo dân nơi đây, mà chúng tôi xin được trích lời Đức Giám Quản GP Vĩnh Long, đấy là “lều phều”. Quả là thế, lều phểu bấp bênh như cọng lục bình trôi ngoài sông ngoài rạch. Được mùa, được đất thì có ăn có mặc, mất mùa đói kém thì nửa chén gạo nấu cháo có khi cũng phải đi xin. Cuộc sống người dân cứ “lều phều” như thế, chìm nổi phụ thuộc vào thiên nhiên, vào con nước. Đất đai thì không có nhiều, lại phần lớn là đồng chua phèn mặn, dân tình mưu sinh chủ yếu bằng những nghề “lụm”,”nhặt” từ thiên nhiên: mò cua, bắt ốc, kéo đăng đó kiếm con tôm, con cá, hái rau dại sống đắp đổi qua ngày. Thanh niên không chịu được cái nghèo phần nhiều bỏ lên thành phố, vùng quê chỉ còn lại lác đác người già, phụ nữ, trẻ em. Thật là một bức tranh vẫn còn ần lắm những bàn tay nhân ái còn để tô thắm màu hạnh phúc.
CẦN LẮM NHỮNG SỰ ĐỒNG CẢM
Đấy, kể lại một chút về sự tích của hai xứ mà Thiện Nguyện chúng tôi đã ghé qua như thế. Để độc giả và anh chị em thấy và hiểu cho những khó khăn mà đời sống đức tin nơi đây còn đang phải đối mặt, từ những sự chia cắt thời chiến tranh mà ngày nay để lại nhiều hệ lụy, xin được kể lại như một nốt trầm buồn khi nhắc về xứ Đạo.
Lòng Chúa bao la nhưng lòng người còn lắm những nhỏ hẹp nghi kị, mà dù sống với nhau một thời gian lâu vẫn chưa thể mở lòng. Buồn lắm chứ, buồn lắm khi mạch đạo nghĩa ở đời nó cứ bị ngắt quãng vì những sự u tối như thế. Cai Quá và Ngã Cậy do đã có thời gian dài không sinh hoạt Công Giáo do chiến tranh loạn lạc, nên khi người dân Công Giáo lánh đi trong thời chiến, thì những tôn giáo khác lại phát triển nơi đây: Hòa Hảo, Phật Giáo, Cao Đài, những người bên lương,…
Duy có điều là khi người Công Giáo bắt đầu trở về nơi đây để gầy dựng lại Giáo xứ, thì những người giáo dân và những người ở tôn giáo bạn ở xen kẽ lẫn nhau, rồi có cả người chưa vào đạo nữa. Không hẳn là xung đột, nhưng cũng đã có những sự ngăn cách, ngăn trở nhất định.
Những sự ngăn trở ấy làm bà con giáo dân khi tham gia sinh hoạt Đức tin cũng có chút e ngại và lo sợ. E ngại vì sợ bị tách biệt khỏi làng xóm, lo sợ vì một số ít người không tôn trọng và đố kỵ về Tôn giáo của mình. Những buổi thánh lễ có chút gì đó buồn bã, thầm lặng.. Hoạt động phụng vụ không có nhiều âm sắc. Hóa ra, nốt buồn không đến từ quá khứ bi thương bởi chiến tranh bom đạn, mà lại chính từ thực tại đầy chông gai.
Điều này làm cha sở rất buồn và trăn trở. Đã rất nhiều lần khi tổ chức sinh hoạt Tôn giáo, tổ chức phụng vụ…Ngài đã phải mời cả Đại diện chính quyền và cả đại diện những tôn giáo khác tham dự, để thấy lòng thành của mình, để mọi người hiểu rõ hơn về Đức tin Công Giáo, về niềm tin nơi Chúa Giêsu. Để xóa bớt những khoảng cách, để xóa nhòa những nghi ngờ, những nghi kỵ lẫn nhau. Nhờ đó, thiện cảm mà người dân nơi đây dành cho bà con Công Giáo Cai Quá và Ngã Cậy, cũng đã được cải thiện đôi chút.
TRÁI TIM REO VUI NƠI MIỀN ĐẤT LÒNG THƯƠNG XÓT
thành viên Mái Ấm Giữa Đời về nơi đây trong một sáng Chúa Nhật trời có vài hạt mưa lất phất. Chúng tôi biết rằng người dân nơi đây còn nghèo lắm, và những nỗ lực mà thành viên Mái Ấm Giữa Đời bỏ ra trong chuyến công tác này thật khó để cải thiện cuộc sống Giáo dân nơi đây trong một sớm một chiều. Chúng tôi chỉ tâm niệm rằng theo tiếng gọi Lòng Chúa thương xót, tìm đến đây như một cuộc gặp gỡ thân tình với bà con nơi đây, như là một sự sẻ chia nho nhỏ.
Đường đi vào giáo xứ sao mà trắc trở mà như lời cha sở đã tâm tình với chúng tôi, là nắng quá cũng không vào được, mà mưa quá thì lại càng không thể ghé thăm. Con đường đất nhỏ xíu quanh co đi chỉ vừa một xe máy, hai bên là ruộng sâu hun hút. Những ngày này trời mưa đất nhão ra, đường lộ chẳng thể vào được nữa. Cả đoàn đành chọn cách là đi bằng xuồng máy.
Trời đổ cơn mưa nặng hạt, nhóm thiện nguyện nháo nhác chẳng biết núp vào đâu trên chiếc cano máy trống trơn, thì may quá bác tài đưa cho mấy cái bao tải vốn dùng đựng…bèo, cỏ để che tạm. Có sao đâu! Có khó khăn, có vất vả, có dơ bẩn lấm lem. Đấy mới chính là tinh thần thành viên Mái Ấm Giữa Đời. Những người thiện nguyện cười tủm tỉm bảo nhau, đợt này đi công tác về tốn xà bông phải biết.
Con người ta vốn bình thường sợ dơ, lại sợ vất vả. Nghĩ đến chuyện đội bao bạt lên đầu che mưa nắng, hẳn nhiều người phải ngán ngẩm. Nhưng nghĩ lại sâu xa thì, chẳng phải những cái bao hôi hám đó đang giúp con người ta tránh mưa tránh gió đó sao? Và hơn nữa lại giúp những người thiện nguyện qua được cơn mưa mà đến với anh chị em mình còn nghèo khó đơn côi.
Há chẳng phải là nhìn qua thì tưởng là tầm thường, lại hóa ra những nhân tố góp phần vào công việc đáng quý là vậy! Nên xin những ai đã và đang dần thân vào đời bác ái, đừng ngại dơ, đừng ngại khổ. Đã dấn thân là một bước mạnh mẽ, quyết noi gương Thầy Giêsu. Ngày xưa hai ngàn năm trước thầy Giêsu không ngại ngần chạm tay vào người phong cùi mà chữa bệnh, thì nay những thành viên Mái Ấm Giữa Đời đội mưa đội gió, lướt qua dòng sông êm đềm mát rượi mùi nước mưa mà đến với anh em Công Giáo còn khó khăn ở xứ Cai Quá, xứ Ngã Cậy. Xin Chúa Thương Xót tiếp thêm niềm tin và nghị lực nơi những người thiện nguyện nhỏ bé chúng con, để chúng con mạnh mẽ gạt bỏ mọi sợ hãi, tiếp tục con đường thiện nguyện bác ái đầy gian khó.
Bóng dáng bà con đợi chờ thành viên Mái Ấm Giữa Đời từ sáng sớm thúc giục những bóng dáng áo đỏ phải guồng vòng tay nhanh hơn, nhanh chóng trao gửi những món quà từ Cộng đoàn LTXC nơi thành phố đã nâng niu gói ghém từng món để gửi về nơi đây. Nhận thức được rằng của ăn vật chất chỉ là phần nhỏ, thành viên Mái Ấm Giữa Đời còn gửi gắm cho bà con nơi đây những của ăn tinh thần đầy ắp no đủ. Là băng đĩa, sách ảnh Lòng Thương Xót Chúa. Mong lắm tình yêu Chúa sẽ đầy tràn trong đời sống đức tin nơi đây.
Hình ảnh một bà cụ già làm nghề móc cua khi nhận quà từ thiện nguyện làm chúng tôi ám ảnh khôn nguôi. Mười đầu ngón tay chai sần, nát bét chi chít những vết sẹo bởi cua kẹp và mảnh kính cắt ngang cắt dọc. Bà cụ thật thà kể ngày nào Chúa thương lắm thì cho móc được hai ký cua, bán được năm chục ngàn. Mà sức già cạn kiệt, làm được ba ngày thì ốm,nghỉ mất bảy ngày…
Mãi nhìn theo bóng bà cụ loạng choạng khuất dần trong đám đông. Thành viên Mái Ấm Giữa Đời càng thấm thía hơn sức nặng mà thánh giá mình đang vác trên vai. Thánh giá ấy hoàn toàn không đến từ sự vất vả trong mỗi chuyến công tác, mà sức nặng thánh giá ấy đến từ những hoàn cảnh khổ đau thiếu thốn vẫn còn hiện hữu đầy nơi đời sống này.
TRUYỀN THÔNG MÁI ẤM GIỮA ĐỜI