Hoạt động

Những “ngôi thánh đường” bỏ túi

Trong hành trang của thành viên Mái Ấm Giữa Đời ngoài những phần quà vật chất mang đến người nghèo, lại có những món quà tưởng chẳng liên quan đến công cuộc bác ái. Đấy là những chiếc cát-xét nhỏ xinh. Vậy có gì trong những chiếc máy của thời công nghệ hôm nay? Mời quý ông bà anh chị em lắng nghe câu chuyện của những người nhận được chúng.

LỜI CHÚA XUA TAN THÙ HẬN

Anh Q. vốn là một tay chơi có hạng của xứ vùng ven. Anh giàu – đó là điều hiển nhiên – thành quả sau gần nửa đời người đàn ông làm ngạch địa ốc sành sỏi là hàng dãy nhà xếp cạnh nhau thẳng tắp mà anh sở hữu. Vợ đẹp, con khôn, gia tài đầy đủ, những tưởng trong cuộc đời anh chẳng cần biết gì đến Thiên Chúa nữa, vì cuộc sống trần gian cũng quá đủ đầy. Và thực sự thì anh cũng không thích đến nhà thờ, anh nhắc đến những vị linh mục với giọng hằn học, rằng “những ông đó” chỉ biết cuộc sống an nhàn trong 4 bức tường tu viện, “chảnh” thế làm sao mà biết rằng để có được địa vị của cải thì phải ăn thua đủ như anh ta bây giờ.

Một ngày nọ anh này lên cơn đau tim sau đêm dài chén tạc chén thù cùng đối tác. Cơn đau đánh gục anh, thổi bay cả nhà cửa gia tài của anh cùng những ngày tháng nằm trong bệnh viện. Hết tiền, công việc làm ăn lụn bại, người vợ phải dắt đứa con thơ về bên ngoại mưu sinh. Anh nằm đó trong một góc phòng bệnh chỏng chơ không người chăm sóc. Bác sĩ bảo chỉ một vài ngày tới anh sẽ phải lên bàn mổ để cứu mạng mình.

Đêm dài, người đàn ông nay tóc gần bạc vì đau bệnh chảy 2 dòng nước mắt từ khóe mắt khô cằn. Q. lập bập lôi ra cái máy nghe, bỏ vào đó một cái đĩa nhạc trong mớ nhạc Vàng mà anh vẫn thích nghe lúc còn sung túc. Lạ chưa, cái máy hát không chạy những lời ca sến sẩm, mà đều đều cất lên tiếng của một vị linh mục. Ông giảng về Lòng Chúa thương xót. Ông giảng về tình thương bao la của Thiên Chúa dành cho những kẻ tội lỗi. Xen kẽ là những bài nhạc thánh nhẹ nhàng. Thì ra như một phép lạ, chiếc đĩa chứa Lời Chúa đó đã lọt vào xấp băng nhạc sến súa. Và đêm nay Q. được nghe, anh dành trọn đêm đó để nghe hết chiếc đĩa.

Sáng hôm sau anh lén bác sĩ giựt hết ống ôxi lẫn ống truyền, liều mình bắt 1 chuyến xe ôm đến nhà thờ nào mà “có ông cha đang giảng Lòng thương xót” chỉ để “thỏa nỗi muốn xin lỗi Chúa”. Sau một ngày anh ở nhà thờ Chí Hòa nghe giảng, tối đó anh về lại bệnh viện để chuẩn mổ. Xuất viện anh về nhà tá túc tạm trong căn chòi lá là tài sản cuối cùng. Chiếc đĩa vẫn ở bên anh, soi sáng cho người đàn ông bệnh tật sống nốt những tháng ngày âm thầm của một cuộc đời đã từng rất ngang tàng.

Một ngày nọ thành viên Mái Ấm Giữa Đời đến thăm và hỗ trợ anh sửa lại nóc nhà dột nát, anh cho biết rất muốn nghe lời Chúa Thương Xót nhưng sau thời gian cả máy hát lẫn đĩa đều hỏng hết, người thiện nguyện viên gửi lại anh một chiếc catxet có bài giảng và dặn dò, anh hãy dùng chiếc máy này để tiếp tục được nghe lời Chúa.

NHỮNG ĐÊM TRƯỜNG CÓ CHÚA BÊN TA

Chiếc cát xét đầu tiên đã đến tay một người từng là tay chơi có hạng. Thì câu chuyện của chiếc cát xét thứ hai lại có vẻ êm hả ơn nhiều. Đó là người bảo vệ già nhận nhiệm vụ gác đêm cho một quán cà phê nổi tiếng. Mà sự thật thì thức xuyên đêm để trực rất mệt, chắc hẳn chúng ta ít ai quên cảm giác mất ngủ một đêm mệt đến như nào. Vậy mà công việc của ông cũng kéo dài qua chục năm.

Nhóm thanh niên nhập cư cùng vợ con vui mừng với máy catxet có bài giảng Lòng thương xót Chúa

Ông kể công việc cứ nay chỗ gác này, mai chỗ gác khác. Thành ra việc đạo nghĩa cũng khó vuông tròn. Đêm đêm người bảo vệ già cứ than thở, bảo Chúa ơi con làm cái nghề này riết rồi cũng thành vô cảm, đêm trắng nhìn lên chỉ dám cầu nguyện với Chúa cách âm thầm. Lâu lắm chẳng biết lễ lạt là gì, lần cuối rước mình thánh chúa cũng đã lâu lắm. May mà bây giờ có cát xét của thành viên Mái Ấm Giữa Đời đưa cho, đêm đêm không chỉ được nghe cha giảng Lời Chúa, thôi thì cũng xem là có cái thánh lễ nho nhỏ trong tâm hồn mỗi đêm. Mà đâu phải chỉ mình nghe một mình, mấy cô, mấy bà làm lao công quanh đó, đêm đêm lại tụ tập quanh cái cục be bé biết phát nhạc, phát Lời giảng. Cứ thế, lời Chúa len lỏi vào mỗi tâm hồn, sưởi ấm những trái tim khô lạnh vì khó ngặt mà phải tạm quên đời sống Đức tin.

TÂM HỒN CỦA ANH BÁN DƯA HỘ PHÁP

Gặp lại thành viên Mái Ấm Giữa Đời chị bảo: “Chồng em từ ngày được thành viên Mái Ấm Giữa Đời tặng cho cái radio Bài giảng Lòng Chúa thương xót, em lại cứ thấy ổng dễ thương thế nào ấy! Anh mở một sạp bán trái cây nhỏ ngay hông nhà thờ. Khổ vậy, ngay sát thánh đường đấy mà chẳng có dự lễ được buổi nào, đi rồi thì hàng quán bỏ đó ai trông được. Nhiều khi cứ bảo là con người ngày nay vì đồng tiền mà quên Chúa mất rồi. Thật ra người nghèo họ vẫn nhớ đến Chúa, vẫn cần lắm lời Chúa mỗi ngày đấy chứ! Chỉ là vì những sự kiếm ăn ngặt nghèo, vì miếng cơm manh áo của cả gia đình, mới có những sự éo le như anh bán dưa ở cạnh nhà thờ mà không đi lễ nổi ngày nào là vậy.

Cách đây mấy ngày anh chở một xe dưa cho thành viên Mái Ấm Giữa Đời để thiện nguyện tổ chức chương trình tặng dưa cho đám trẻ giáo xứ. Lúc xong hết thiện nguyện viên mới tặng anh 1 cái cát xét thay quà kỷ niệm. Chẳng ngờ món quà nhỏ ấy lại mang ý nghĩa lớn lao quá! Người thanh niên bán dưa tướng tá to như trâu rừng, dáng có vẻ dữ tợn, xách bịch dưa nửa tạ nhẹ như chúng ta xách con cá mớ rau. Người ngoài nhìn vào bảo có tướng giang hồ chắc cũng ít có sai. Vậy mà trong cái dáng hình to khổ đó lại là một tâm hồn nhạy cảm khó ngờ. Và chiếc cát xét đã chạm đến đáy lòng chàng trai trẻ. Chị vợ kể tối đầu tiên nghe cái máy radio phát bài giảng Lòng Chúa xót thương, anh khóc huhu. Anh bảo mừng lắm, nghe lời Chúa cũng giúp nỗi lòng vơi bớt nỗi sầu muộn vì không thể đến nhà Chúa như người ta.

CHÀNG THỢ ĐIỆN LẠI SỢ ĐỘ CAO

Có ai ngờ người mắc bệnh sợ độ cao lại dính vào nghiệp làm thợ điện. Vậy mà một anh chàng xứ Đắk Lắk núi rừng lại là nhân vật chính của câu chuyện “thợ điện sợ leo cột”. Anh thành thật đúng như con người Tây Nguyên vậy, trèo cột sợ lắm, trèo lên phải hi hí con mắt. Nhìn xuống thì chóng mặt sợ đến té lộn cổ, Giàng đến rước nhanh thôi! Cũng thật may, Chúa che chở anh nên cũng chưa xảy ra điều gì đáng tiếc.

Một hôm thủ trưởng của anh từ miền Nam lên công trường anh đang làm việc. Ông vô tình kể việc mình cũng muốn tham gia những hoạt động thành viên Mái Ấm Giữa Đời đang tổ chức ở Sài Gòn. Ông rút từ cái balo ra cái đài cát xét nho nhỏ và bảo: “Anh cũng nghe lời Chúa, dù mình bên lương thật đấy. Nhưng những cái gì hay đẹp của tôn giáo, thì mình nên nghe để tâm hồn thêm phong phú sống động. Người thanh niên trẻ nghe chiếc radio một hồi lâu thì xem chừng thần thái hạnh phúc lắm. Anh khẩn khoản xin người thủ trưởng lần tới nếu về lại công trường hãy xin cho anh một chiếc giống thế, nhất là phải có bài giảng Lòng Chúa trong đó mới được.

Một tháng sau người thủ trưởng giữ đúng lời hứa mang cho anh cái radio “đầy đủ bài giảng đấy nhé”. Từ đó, đồng nghiệp quen dần với hình ảnh một anh thợ điện vừa leo cột vừa dắt cái radio lủng lẳng bên hông, hát nghêu ngao và đầy tự tin trong công việc. Có Chúa hiển hiện bảo vệ anh qua những lời giảng sâu sắc, anh sợ gì chuyện phải leo cao nữa.

VÀ ƯỚC MƠ VỀ NHỮNG NGÔI NHÀ THỜ “BỎ TÚI”

Vậy đó, hằng ngày những chiếc radio lại từ tay thiện nguyện đi khắp muôn phương. Ít ai biết, người nghĩ ra sáng kiến tặng radio này là một vị linh mục đang mang trọng bệnh. Bản thân ông cũng đang phải ở nhà nghỉ dưỡng. Tự thấy từ bản thân mình ốm bệnh một chút thôi là việc lễ nguyện đã ảnh hưởng, thì những người nghèo, người khổ, họ đã vừa đói lương thực trần gian, lại càng đói tiếng Chúa bấy nhiêu! Nhà thờ, nguyện lễ với người nghèo còn xa xỉ lắm. Nên ông thu những bài giảng vào radio, và gửi thành viên Mái Ấm Giữa Đời mang đi muôn nơi. Những chiếc hộp be bé xinh xinh đều đều có một giọng thuyết giảng nhẹ nhàng, đem lại cho người nghèo lương thực tâm hồn dồi dào, đó là Lòng thương xót của Chúa. Những câu chuyện, những chứng nhân từ bài giảng bước ra đời thực đầy sống động, thúc hối những Kitô hữu tìm về Lòng Chúa bao la, thay đổi cuộc đời nghèo khó cả về xác lẫn hồn. Những ngôi nhà thờ “bỏ túi” đó ngày ngày đem lòng Chúa đến những mảnh đời nghèo khó, những phận người ốm đau tù túng, thật kỳ diệu biết bao.

THIỆN NGUYỆN TÍN THÁC

Có thể bạn quan tâm