Hoạt động

Thăm hỏi & chia sẻ nỗi đau với bệnh nhân ở bệnh viện Nhiệt Đới TPHCM

"Ở đây đa số bệnh nhân các tỉnh dồn về, gánh nặng khó khăn cần phải được sẻ chia thì mới nhẹ".

Đó là lời tâm huyết bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng đại điện lãnh đạo bệnh viện Nhiệt Đới Sài Gòn chia sẻ với chúng tôi, khi đại diện thành viên Mái Ấm Giữa Đời đặt vấn đề được vô thăm hỏi tặng quà động viên bệnh nhân nặng, và khó khăn.

Là một bệnh viện đầu ngành của phía nam bệnh viện Nhiệt Đới chuyên trách chữa trị các bệnh nhiễm trùng, bệnh truyền nhiễm đặc thù của miền nhiệt đới, đó là các chủng bệnh mang tính lây nhiễm cao, có khả năng bùng phát thành dịch, thậm chí là đại dịch : viêm gan siêu vi B, sốt xuất huyết, HIV, cúm A/H5N1...vì tính cách lây nhiễm, nên bệnh viên và bệnh nhân cũng thiệt thòi vì rất ít các nhóm mạnh thường quân tới thăm, vị bác sĩ đáng kính cười thật hiền, cho biết : mọi qui tắc cách ly là chống nhiễm trùng lây lan là vô cùng cẩn trọng.

Được sự giúp đỡ của bệnh viện, dù không tới thăm hỏi bệnh nhân từng khoa, chúng tôi được tạo điều kiện tập kết quà và đón bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân tới lĩnh thay ở khoa dinh dưỡng.

An toàn thực phẩm là cần thiết sữa Ensure chúng tôi đặt từ công ty, date an toàn tới mấy tháng sau này, kể từ khi tặng quà tới bệnh nhân, và cũng có một phần tiền mặt.

Riêng bệnh nhân nhi, còn có thêm một trái bóng bay, cho trẻ nó vui, niềm vui bao giờ cũng là một phần của quà tặng thành viên Mái Ấm Giữa Đời.

Vì tính cẩn trọng cần thiết đối với bệnh nhân, mọi công tác chuẩn bị danh sách thành viên Mái Ấm Giữa Đời đều cậy nhờ nơi các y bác sĩ. Các anh chị cũng đã nhiệt tình kỹ càng phân tách danh sách tới từng khoa, lựa địa điểm, râm mát thoáng đãng để chúng tôi trao quà và kịp thăm hỏi người bệnh.

Trong chuyến công tác này thành viên Mái Ấm Giữa Đời ghi nhận một điểm son về tâm tình, đạo đức cao quí nơi các lương y. Một môi trường gian khổ, bệnh nhân nặng, đa số xa quê, bệnh thì toàn những chủng lây nhiệm qua mọi con đường, hô hấp, chất dịch, máu...nhưng các anh chị đã gắn bó bằng cả trái tim, như chị Thu Anh từ một điều dưỡng phòng cấp cứu dần dần đi lên gắn bó và là điều dưỡng trưởng. Chị đã giúp chúng tôi rất nhiệt tình trong chuyến thiện nguyện này.

Hay như chị Lệ Hồng, hộ lý khoa D, một con người coi bệnh viện là gia đình, bệnh nhân là người thân. Chị đã được thành phố vinh danh là một nhân viên y tế gương mẫu và tận tụy.

Khi gặp lại, thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời không khỏi xúc động nhắc lại kỷ niệm của sáu năm trước : một bệnh nhân HIV là nữ được mang tới cấp cứu từ trại Mai Hòa, cô bị tụt hồng cầu và chạm cửa tử nếu không được truyền máu.

Ngay lập tức các bác sĩ đã ra y lệnh truyền máu tức thời mọi hồ sơ giấy tờ bổ sung sau, kể cả viện phí cũng xét sau, cứu người là cần thiết. Ngày đó một thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời được chúng kiến và nhớ mãi. Còn vị bác sĩ hiền từ lại mỉm cười : cứu người là việc làm mỗi ngày và ông không thể nào nhớ hết. Bác sỹ Nguyễn Quốc Dũng cũng là một người có tâm thiện, ông thường cùng bạn bè mình ở một số viện như 175, thỉnh thoảng tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo miễn phí. Xin cảm ơn các lương y - thiên thần áo trắng!.

Quay lại với các bệnh nhân và người nhà của họ, trong lúc chuẩn bị đợt trao quà chúng tôi gặp chị Bùi Thị Hoa 57 tuổi ở Bà Rịa, lên chăm cha là cụ Nguyễn Đình Hòe, cụ Hòe bị nhiễm trùng uốn ván đã phải nhập viện và trong phòng cấp cứu cách ly đặc biệt suốt hai tháng nay. Hai tháng, người con gái ngồi ngoài cửa ngóng tin cha, đến giờ thăm nuôi chị được bác sĩ hướng dẫn mặc đồ cách ly, nhìn thấy cha qua lần kính. Hai tháng là hồi hộp lo sợ, hao bạc tổn tiền, mà cha chị vẫn bằn bặt giấc vàng chưa một lần mở mắt nhìn con. Gặp chúng tôi chị vừa tủi vừa mừng khi chúng tôi nắm tay chị âm thầm hướng vào cửa phồng cấp cứu đóng chặt và cùng nhau cầu nguyện thì thầm : Lạy Chúa Giê su, con tín thác vào Chúa…

Một hình ảnh rất thương tâm : một nữ bệnh nhân hổn hển tới nhận quà, chỉ vừa kịp đưa tay nhận phần sữa Ensure, chị bỗng ngồi thụp xuống, nét mặt xanh dờn vì đau. Chị là Nguyễn Thị Thu Hồng 52 tuổi quê Bình Dương, chị nhiễm siêu vi gan, vì nghèo, vì thiếu hiểu biết để bệnh phũ ra thành xơ gan, nhập viện là đã quá trễ tràng song y bác sĩ cũng hết sức cố gắng mà cứu chị. Thiện nguyện viên đã chẳng nề hà dìu chị về phòng. Gửi chị tràng chuỗi mân côi, thôi thì những lúc đớn đau, chị ráng lần chuỗi nhờ Mẹ cầu bầu cùng Thiên Chúa.

Thời gian và điều kiện của bệnh viện nghiêm ngặt không cho phép chúng tôi trao đổi nhiều với bệnh nhân, song qua chút đổi trao cũng hiểu rằng đã tới đây là các bệnh nhân đều thập tử nhất sinh, vốn đã nghèo, bệnh ngặt sẽ khiến cho gia cảnh thành ra mạt. Nên sự sớt chia đối với họ là cần thiết vô cùng, Hi vọng sẽ có nhiều tấm lòng, vượt qua nỗi sợ lây nhiễm tới đây, sẽ chia nỗi khó khăn với họ.

Thật là Chúa thương xót, để trong khuân viên bệnh viện này có một đài Đức Mẹ khoan nhân, để các bệnh nhân đạo Công Giáo và kể cả ngoại giáo có nơi gửi gắm nỗi đau buồn, nỗi tuyệt vọng về cái ngặt nghèo đang gánh chịu.

Chia tay bệnh nhân và y bác sĩ nơi này, thiện nguyện viên chúng tôi cùng nhau quây quần dưới tượng đài, dâng lên Mẹ lời ca, chuỗi kinh Tin Kính của chúng tôi, xin Mẹ thương cầu bầu cùng Thiên Chúa phò trợ bệnh nhân, và cũng phò trợ cho thiện nguyện viên trên con đường dài đến với anh em cùng khổ.

Hi vọng xã hội ngày càng cởi mởi mở hiểu, đồng cảm và ủng hộ những bước chân đi, đem tình yêu của Chúa đến cho nhau, và đem tình người đến với người, để những nỗi đau được dịu bớt. Hi vọng là như vậy!

Có thể bạn quan tâm