Hoạt động

thành viên Mái Ấm Giữa Đời và hoạt động ngăn dòng bỏ học

TRƯỚC KHI RA ĐI, CHÚNG TÔI TỰ ĐỘNG VIÊN MÌNH BẰNG LỜI CHÚA HẰNG MONG MỎI : HÃY ĐỂ TRẺ EM ĐẾN VỚI THẦY...

Trong mọi thương yêu đổ tràn xuống trần gian, Đấng Toàn Yêu và Toàn Thương luôn dành một vị trí đặc biệt cho trẻ thơ, và lời căn dặn không được quên những linh hồn thơ ấu của đức Ki tô, giờ đã trở thành một nhiệm vụ, một nhu cầu tự thân của các mục tử, cũng như mỗi cá nhân có vinh dự là Ki tô hữu. Bởi vậy ghi nhớ huấn lệnh của Đấng Từ Trời, triển khai công cuộc loan truyền lòng Chúa xót thương, thành viên Mái Ấm Giữa Đời thiện nguyện luôn nhắc nhở và đặt trong chương trình hành động của mình các hoạt động chăm lo quan tâm thiết thức tới trẻ em, nhất là trẻ em có gia cảnh khó khăn nhập cư từ các tỉnh tới mưu sinh ở TP.

1- Xóm của trẻ con chơi với trẻ con, chúng nắm tay nhau ngóng ra đường chờ cha mẹ

Cũng phải cảm ơn nhiều tấm lòng đồng bào hỗ trợ công cuộc ra đi của thành viên Mái Ấm Giữa Đời bằng nhiều cách, nếu không tự thân chúng tôi sẽ rất loay hoay. Còn nhớ hồi năm ngoái khi chúng tôi được giới thiệu tới thăm, trợ vốn cho một chị bán bánh tráng trộn từ Quảng Ngãi vào thành phố mưu sinh nuôi hai con ăn học. Chính từ sự việc này, chị bán bánh tráng sau khi vượt qua khúc ngoặt khó khăn, lại thỏ thẻ ĐT với thiện nguyện viên : nếu được các anh chị quay lại xóm em, nơi đó đông trẻ con, đứa nào cũng khổ hung, nhưng chúng thèm học dễ sợ.

Nghe cái cụm từ thèm học nằng nặng tiếng Quảng mà chúng tôi cũng thấy nặng triũ trái tim mình, và bước chân thiện nguyện quay lại khu vực khu phố 14 - phường 12 quận Gò Vấp, hình ảnh nhiều nhất mà chúng tôi gặp ở đây lúc xế buổi chiều, là những ánh mắt trẻ thơ con chị nắm tay con em thò cổ ra ô cửa nhà trọ ngóng cha, ngóng mẹ. Có đứa lớn nhắc đứa bé học bài, có đứa em líu ríu sụt sùi, đợi mẹ về nấu cơm ăn, rồi sẽ học...Thấy nao lòng....

Tại đây qua khảo sát, tiếp xúc với và con, chúng tôi được nghe những chia sẻ rất thân tình : dân cư gốc tại địa phương thì nói chung ổn định con cái học hành là sự bình thường, khó khăn rơi vào nhóm trẻ em con em các gia đình tạm cư ở trong những ô nhà ở trọ ở thuê, để gói ghém chuyện tiền nhà tiền ăn là đã mệt mỏi gian nan, lo thêm cho con cái học hành thì quá nhiều hoàn cảnh quả thật là chật vật.

Những buổi khảo sát được thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời triển khai, bỏ qua sự phồn hoa hào nhoáng phía ngoài con đường Tân Sơn, luồn vào trong các hẻm ngõ sâu nơi có các nhà trọ của đủ khắp bà con từ Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Ngãi vô, mới thấy có một cuộc sống khác hoàn toàn với những xanh đỏ, phồn hoa phố thị.

Ví như xóm gia đình người Vĩnh Phúc họ chọn nghề mưu sinh là bán chuối, bán rau. Sáng sớm tờ mờ là đi ra chợ đầu mối mua hàng rồi tầm tã luồn lọt giữa phố phường bán buôn. Con cái ở nhà tự bảo nhau, đứa lớn ngó đứa bé. Đứa lớn đi học chế tô mỳ tôm đậy vung nồi để đó cho đứa em, đứa em trưa ăn tô mỳ nở bung, rồi nghi ngóp đợi học lớp ban chiều. Tối mờ khuya cha mẹ con cái mới thấy nhau, sờ đầu con hỏi được dăm câu ba điều, là tranh thủ chợp mắt để sang mai còn cày tiếp....

Hay một số bà các em người Nam Định thì lại chọn nghề may, làm ở các công ty. Làm tăng ca triền miên, nhiều cặp vợ chồng sợ chuyện sanh con, ráng sanh một đứa mà chạy hộc cơm tiền bạc đã đành chuyện đưa đón con thật là khốn khổ.

- Ở thành phố đúng là đủ nỗi sợ, em đi làm cũng lo thót cả tim. Con em học lớp năm, đành cho đi bộ cho chắc ăn, trưa gửi cơm hàng xóm và cho cháu ngủ nhờ, không có đâu mà đi học thêm học nếm - Chị Hà một thợ may cho biết như vậy.

2- Của một đồng, công một nén - hãy cho nhau cái sức mạnh tinh thần.

Khi thành viên Mái Ấm Giữa Đời trình bày về khu xóm nhập cư Tân Sơn, người linh mục đã rất suy tư, ông cho các học trò một số ý kiến để củng thảo luận :

- Với đặc thù một xóm như thế, việc đói khát cơm gạo là không mấy khi xảy ra. Mà ở đây là đói khát túng quẩn tinh thần. Một cuộc sống quá loay hoay với cơm áo gạo tiền, và thiệt nhất là trẻ con. Chúng không cói tuổi thơ vui vẻ, không gian thảnh thơi, nói đúng ra tuổi thơ của chúng bị lão hóa già nua mỏi mòn theo người lớn ! Và điều ấy hẳn làm Thiên Chúa quặn lòng. Hẳn ngài sẽ khổ tâm khi biết những bé thơ, những công dân được yêu nhất của nước trời lại bị "lão hóa cuộc đời" vì cái nghèo của cha mẹ.

Vậy chúng ta phải làm gì đây ?

Bàn bạc và nghe tâm tư của một số phụ huynh, phần lớn đều nói nôm na rằng : đời chúng em lưu lạc đã khổ rồi, mình khổ đã đành, con cái cũng vì gia cảnh khổ theo. Bởi thế chỉ mong sao chúng được học hành, sau này may ra khá hơn đời cha mẹ.

Thành viên Mái Ấm Giữa Đời đã bắt tay triển khai một chương trình nhỏ mà thiết thực góp phần ngăn dòng bỏ học của trẻ em bởi gia cảnh khó khăn, tiếp sức cho ước mơ chân chính của các phụ huynh. Chúng tôi đầu tư sách giáo khoa cho các em, phụ tiền học cho hoàn cảnh quá ngặt nghèo, công việc triển khai ngay từ ngày nghỉ hè đầu tiên. Không đợi ngày khai giảng mới tặng quà rình rang, ngay từ buổi kết thúc năm học cũ và bước vào hè, chúng tôi tới từng gia đình, nắm bắt từng hoàn cảnh để không em nào muốn đi học mà lại không có sách vở, hay phải bỏ học non vì thiếu học phí…

Và từng bước chân thiện nguyện đã tới từng ô nhà trọ không tên trao sách cho từng em, nghe từng ước mơ thổn thức. Nghe từng chia sẻ thầm thì. Chúng tôi đi, không có hào quang hay tôn vinh, không có tự hào kể lể công lênh. Chỉ là tin rằng, ra đi như thế là hợp với mong mỏi của Thiên Chúa tình yêu. Là giúp thêm nhiều trẻ không dừng bước dở dang giữa con đường học vấn, và như thế chúng tôi cũng gặt hái bao la niềm vui.

Thiện nguyện viên đã nảy ra sáng kiến tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ quy tụ các em về để vừa dành niềm vui bất ngờ đến cho các em, vừa có thêm cơ hội nói cho các em hiểu về tầm quan trọng của việc học hành, trò chuyện thêm với các em về những điều hay ý tốt trên đời. Nhưng rất tiếc với đặc thù là khu dân cư lao động, trời nhá nhem tối, các thiện nguyện viên cứ mò mẫm tìm hết gia đình này đến gia đình khác, hỏi han rồi trao sách. Nên ước mong làm cho các em một bữa tiệc đã không thành hiện thực. Nhưng điều đó không làm giảm đi niềm vui, niềm hạnh phúc của thiện nguyện viên khi nghĩ đến con đường giáo dục trước mắt của con em của những người lao động nghèo nay đã sáng hơn một chút. Những bậc phụ huynh nhìn thấy con cái mình có những sự trợ giúp thiết thực như thế, họ cũng sẽ có thêm động lực để quan tâm hơn đến sự học hành của con em mình. Thay vì buổi tối đi làm về vì mệt mỏi mà vùi mình vào giấc ngủ, họ sẽ hy sinh thêm một chút, ngồi lại và hỏi han trò chuyện thêm với các em. Đúng như tinh thần Chúa Giêsu đã dạy: “Trẻ em phải là đối tượng được  thương yêu và quan tâm hơn cả”.

Chị Thu nhắn lại bác chủ nhà : Con em học lớp 11 rồi, xin để lại sách cho cháu ở nhà bác chủ nhà, em không dám khai gian đâu, mong các anh chị cầu nguyện sang năm cháu đậu đại học.

Bé Su ngồi trong ô nhà trọ và thò cổ ra : “Anh con học lớp 9, anh con đi bán chuối với ba, cô cho sách con cất đi cho anh, tối anh về anh sẽ học chứ không lười đâu ạ.”

Những lời con trẻ thơ ngây đã là động lực to lớn để những người thành viên Mái Ấm Giữa Đời tiếp tục dấn thân vào con đường bác ái. Trẻ em sẽ luôn được Thiên Chúa đón nhận vào Nước Trời, chúng ta hãy dành cho các em những điều tốt đẹp nhất!

 

THIỆN NGUYỆN TÍN THÁC

GÒ VẤP

07-06-2015

Có thể bạn quan tâm