Bé lớp 5 một mình chăm bà ngoại già yếu cùng mẹ và hai bác ngẩn ngơ
3 đứa con ngẩn ngơ,đi gần hết quãng đời bà Hằng vẫn không khỏi xót xa khi nghĩ về chúng. Nhưng nỗi lo lắng lớn nhất của bà đó là một mai không còn nữa, thằng cháu ngoại duy nhất nay mới lên 10 sẽ xoay sở ra sao với 3 con người không bình thường ấy.
Đó là câu chuyện của gia đình bà Hoàng Thị Hằng (xóm Vườn Thông, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) mà tôi cứ nhớ mãi trong lần đến thăm ấy. Bà không còn khỏe nữa, 70 tuổi nhưng mang đủ các bệnh của người già cộng thêm nỗi đau đớn, khổ tâm khi sinh ra cả 3 người con ngớ ngẩn nên trông bà càng yếu và kiệt quệ. Trên chiếc giường đơn đã cũ mọt, trong cả những tiếng húng hắng ho bà trải lòng câu chuyện về cuộc đời mình.
“Chồng bà đi bộ đội về thì mắc bệnh ung thư nên qua đời lâu rồi, để lại 3 đứa con đều ngẩn ngơ như nhau. Thằng lớn là Bế Văn Cường, sinh năm 1972, suốt ngày nó đi lang thang, ai hỏi nó cũng bảo là “lên tỉnh”, thỉnh thoảng trái gió trở trời là nó lại đập phá bể cả tường nhà. Đứa thứ hai là Bế Thị Hồng, sinh năm 1982, không biết gì cả, cũng không đi đâu cả, nó chỉ ngồi ở trước nhà rồi run lên bần bật như cháu thấy kìa. Còn đứa thứ ba là Bế Thị Duyên, nó sinh năm 1986, câm điếc không biết gì cả, cũng không biết làm gì…”
Nói đến đây thì bà khóc, nỗi đau vỡ òa khi nhắc đến cậu bé Duy: “Cái Duyên nó bị người ta hãm hiếp rồi sinh ra thằng cháu Duy. Mẹ nó thì như vậy nhưng cháu lại khỏe mạnh, ngoan ngoãn và chăm chỉ học tập lắm…”
Dứt lời bà chỉ lên khoảng tường đã bợt vỡ, cáu bẩn và cũ kĩ nhưng được treo ngăn ngắn, thẳng hàng những tờ giấy khen và cháu ngoan Bác Hồ của bé Duy cho tôi xem. Lúc ấy tôi đã nhớ, ánh mắt bà vui lắm, có lẽ đó là giây phút hiếm hoi bà có thể cười được trong suốt cả cuộc đời mình.
Câu chuyện đang dang dở thì cậu bé Duy đi học về. Ngoan ngoãn, lễ phép em chào khách rồi vội vã ra vườn hái rau nấu bữa cơm tối. Loay hoay mãi vẫn chưa sắp được nồi mang vào bếp đun, ngại ngùng khi có người lạ ở trong nhà nên em cứ định nói với bà điều gì đó nhưng lại thôi. Biết ý của cháu, bà Hằng lật đật trở dậy ra xem mới giật mình nhà hết gạo, bà kể: “Mỗi tháng bà được nhà chùa cho 20kg gạo cháu ạ. Bình thường với số gạo ấy cả nhà ăn là đủ nhưng tháng này bọn trẻ ăn khỏe quá nên thành ra thiếu…”
Không hiểu gì về câu chuyện của mẹ nói, cũng không biết đến việc “nhà hết gạo”, cả anh Cường, chị Hồng và chị Duyên chỉ ngước ánh mắt vô hồn lên nhìn rồi lại mải mê với những “công việc riêng” của mình. Chị Hồng thì run lên bần bật, đầu lắc lư, vừa run vừa ậm ự những điều không ai hiểu. Chị Duyên, anh Cường thì ra vườn nhặt nhạnh mấy que củi khô mang vào bếp cho bé Duy nấu nướng. Mấy người con của bà cứ thế, hết năm này qua năm khác... Và chắn chắn một điều sẽ không bao giờ khác được.
Thương bà, cậu bé Duy hàng ngày cứ sau giờ lên lớp là trở về nhà ngay để giúp bà mọi công việc. Đánh giá về cậu học trò này, cô giáo Ma Thị Kim Phụng (chủ nhiệm lớp 5A, trường Tiểu học Dương Tự Minh, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) không khỏi chạnh lòng: “Ở lớp em là một học sinh rất ngoan ngoãn, lễ phép, gương mẫu và có lực học giỏi. Tuy nhiên xét về hoàn cảnh của em thì chúng tôi ai cũng thấy lo lắng, hiện tại bà của em còn sống, đó là chỗ dựa duy nhất cho em, tuy nhiên nếu một ngày bà không còn nữa, không biết cuộc sống của em sẽ ra sao với mẹ và hai bác không được bình thường của em?”.
Về hoàn cảnh của gia đình bà Hằng, ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó CT hội da cam xã Động Đạt cho hay: “Về phía chính quyền địa phương, các cấp, các ngành cũng đã có sự hỗ trợ, tuy nhiên gia đình vẫn gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Mà điều lo lắng nhất là thằng cháu Duy, nếu bà Hằng không còn nữa thì sẽ có rất nhiều vấn đề hệ lụy sau đó”.
Thương bà, thương mẹ, thương cả hai bác, Duy đã ghé tai tôi nói: “Cháu thích được đến trường, thích được đi học lắm nhưng nếu không có ai nuôi mẹ, nuôi hai bác thì cháu sẽ đi làm cô ạ. Nhưng mà cháu cũng không biết là cháu sẽ làm gì ạ vì bây giờ cháu chỉ biết quét nhà và nấu cơm thôi”.
Nghe lời tâm sự ngây ngô nhưng rất thật của em, bản thân tôi cũng thấy vô cùng lo lắng. Nhìn gương mặt ngây thơ, trong sáng của em, tôi đã mường tượng được ra tương lai phía trước khi một mai bà nằm xuống. Sẽ là một cậu bé buộc phải nghỉ học để sớm lao vào gánh nặng cơm áo cho mẹ và hai bác nếu như không có bàn tay ai giúp đỡ?
Mọi đóng góp ủng hộ của các nhà hảo tâm xin gửi về: 1. Mã số 1643: Bà Hoàng Thị Hằng (xóm Vườn Thông, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) Số ĐT: 0169.576.6390 2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí. Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490 Email:quynhanai@dantri.com.vn Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau: * Tài khoản VNĐ tại VietComBank: * Tài khoản USD tại VietComBank: Account Number: 045 137 195 6482 Swift Code: BFTVVNVX Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank) * Tài khoản VNĐ tại VietinBank: * Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội * Tài khoảnUSD tại Ngân hàng Quân đội (MB) Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí Swift Code: MSCBVNVX Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam) 3. Văn phòng đại diện của báo: VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122 VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725 VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885 VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269 |