Chuyện về người mẹ với gánh bún đêm bên lề công viên 2-4 Nha Trang
0 giờ sáng. Đường 2-4 giáp công viên cùng tên của thành phố Nha Trang đỏ quạch ánh đèn, vắng hắt hiu. Lâu lâu rú lên tiếng nẹt pô của một vài anh hùng cắc ké sau cữ thuốc phê cuối ngày tỏ ra anh hùng xa lộ...với chính mình. Sự ấy chẳng ảnh hưởng tới người đàn bà với gánh bún cá đêm ngay đầu con hẻm 78. Chị thiu thiu ngủ dưới vành nón lá. Hẳn là chị mệt lắm.
Chị ấy mệt thật, bởi một người đàn bà nhỏ nhắn như chị, mà thức đêm này qua đêm khác trường kỳ, thì kiếm một chút ngủ lén giữa đêm khuya cũng là cách bổ dưỡng cho sức khỏe bản thân dường như muốn kiệt quệ cùng...gánh bún cá.
Chị Hương là dân trong con hẻm ngách 78 này, một nách ba con thơ, muốn nuôi chúng nó ngoan ngoãn, không bị nuốt chửng bởi cái công viên 2-4 sầm uất rộn ràng mà đầy nguy cơ kia, người mẹ nghèo nghĩ ra cách bán bún cá đêm cũng rất độc.
Đường phố 2-4 tráng lệ và mắc mỏ ban ngày không có chỗ cho người bán buôn nghèo. Chị thương lượng với chủ một cửa hàng bán các mặt hàng điện tử chị thuê lại tí vỉa hè lúc đêm về, cam kết rất rõ ràng : khi chủ đóng cửa ra về chị mới được gọn gánh bún ra, và khi sáng lên chị và gánh bún phải biến mất như chưa hề hiện hữu. Mọi cái phải trở về trạng thái sạch sẽ gọn gàng, ánh sáng vỉa hè ban ngày tuyệt đối không dành cho chị bún gánh.
Và thế là chị Hương thành chủ lãnh địa một đoạn vỉa hè ngắn vào ban đêm, bám ánh đèn, bám vào những bước chân ban đêm lê gót trên vỉa hè giáp công viên 2-4 Nha Trang, với đủ mọi cung bậc hỉ nộ ái ố đời, kiếm bạc cắc nuôi con, và để chắt chiu cho du khách đêm nay ghé Nha Trang một câu chuyện cuộc đời thật đẹp.
Mang tâm sự muốn tìm tòi đến với anh chị em mình tại khu vực Nha Trang, một lần nữa thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời lại xuống đường, lần này đi cùng thiện nguyện đến từ Sài Gòn, thật may còn có một thành viên cầu nguyện LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA tại Nha Trang. Bốn năm trước anh từng gặp cha Lãng Tử và các thiện nguyện viên ở Cam Ranh, lòng anh hằng khắc sâu những lời giảng về linh đạo lòng Chúa xót thương. Và giờ đây anh vẫn tích cực tham gia cầu nguyện, tham gia các sinh hoạt vì đồng bào nghèo, anh tình nguyện đưa thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời từ Sài Gòn xuống phố trong đêm vắng.
Và những nhân duyên kết nối từ ý Chúa, cho chúng tôi gặp nhau đêm nay, troing caiú lạnh se sắt, ánh đèn đêm vàng vọt, và những gương mặt người trong đêm Nha Trang, rất ấn tượng.
Nhìn theo hai cô gái áo hai dây cũn cỡn, quần cụt bó sát người rời quán sau tiếng líu ríu chào má thiệt dễ thương, chị Hương thở dài :
- Cũng tội, chắc đêm nay lại ế “khách” rồi, thân đàn bà, đến là khổ....
Câu chuyện hướng về số phận các em trẻ quanh công viên, và chúng tôi gặp nhau ở nỗi lo lắng cho các nữ sinh viên trẻ...
- Ở đây có đến mấy cái trường đại học, dân các tỉnh đổ về, các trẻ khu miền Trung học ở đây là đông nhất. - chị Hương cho hay.
- Xanh xanh đỏ đỏ vậy thôi, chứ cũng phận người, để mà thành nhân sao mà khó.
Đôi mắt chị Hương bỗng chợt buồn, và chị buột miệng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một cô bé....
- Khổ lắm cô chú ạ, tôi ngồi bán đêm ở đây thấy đủ điều, nhiều khi thấy cái sự đau mà thắt cả ruột.
.... Đêm ấy chị bán bún đã thấy một cuộc ẩu đả. Một đứa con trai to khỏe mà đấm đá, tống một cô gái trông có vẻ con nhà lành ra công viên. Thương lắm mà chẳng dám can. Chị Hương co dúm mình theo tiếng xịt bộp của trận đòn. Đời thằng con trai bỏ đi chị mới dám lò dò ngoắc đứa con gái đang rấm rứt khóc lại gần gánh bún.
- À, nó là sinh viên đấy, đâu phải gái làng chơi. Cuộc đời nghèo khiến xui xô nó rời ký túc xá góp củi lửa với thằng này. Giờ thằng này quen con khác, mới đuổi nó ra đường như thế.
Thì cũng chút xót thương như tình mẹ, cho con nhỏ mượn cái khăn, rửa cái mặt sưng vù. Múc cho tô bún ăn ấm lòng, và đôi lời khuyên răn, thôi quay lại trường, lo mà học....
Nhưng sự đời vốn không là đường thẳng, con bé lại nhủi đầu vào thằng kia, và một lần nữa chị thấy con nhỏ lại rũ rượi ra công viên lúc đêm âm u. Biển ngoài kia gào thét, và ánh đèn đường vàng vọt như nuốt chửng cái bóng liêu xiêu của con bé.
Không ổn rồi, có cái gì thúc bách chị bán bún gánh vỉa hè phải đứng lên thôi. Nó cũng nhỏ nhoi như con mình.... Đêm tối của cái công viên phù hoa này mà nuốt thì có trời mới cứu ra, có ra khỏi đêm thì cũng tàn đời...nó như con mình ấy mà. Chị bán bún gánh thổn thức.
Và người phụ nữ chẳng học nhiều, chẳng mấy khi được nghe giảng thuyết, chỉ với mong manh một xót thương bản năng, đã quyết định vùng chạy theo cái bóng nhỏ liêu xiêu trong công viên đêm, quyết định giữ nó đứng lại.
- Tội nghiệp. Không phải nó hư đâu, nhà nó nghèo, tấp vào thằng kia, nghĩ là cũng có cái chỗ tựa mà ăn học.... Nó học giáo viên. Cũng đã nửa chặng đường...Mẹ nó ở quê nếu mà thấy nó ra nông nỗi này, chắc bả chết.
Một thương xót rất rõ ràng, một thương xót đứa trẻ như con mình, và một thương xót một bà mẹ quê mùa nào đó đang tin vào tương lai đứa con khiến chị đàn bà nghèo đưa ra một quyết định nhẹ bông, nhẹ nơi tấm lòng nhưng sẽ khiến chị oằn vai lo lắng.
- Thôi con đừng có khóc nữa, phụ cô xếp đồ, về nhà cô ở.
Như chết đuối giữa biển khơi, vớ được cọng rều cũng níu lấy cho thật chặt, con bé líu ríu theo chân chị về nhà.
...Cả con hẻm nhỏ không ai đồng ý, những bạn hàng nghèo trong xóm bảo chị điên. Một bầy con, cái chỗ bán cũng không yên, phải dấm dúi bán đêm, con lớn cũng phải rẽ ngang đi làm phụ kiếm cơm vậy mà lại nuôi con thiên hạ học đại học, mà chả cần biết nó là ai, nó từ đâu đến....
Ngay cả thiện nguyện viên chúng tôi cũng tự cho mình một chút...bất bình của người thế gian, ngắt ngang câu chuyện mới nói với chị rằng :
- Chị à, cho nó ăn, cho nó ở chùa, cho nó học hành trong khi mình và cả con mình phải lăn ra mà làm, sự ấy phi lý quá chăng. Phải bắt con bé thức đêm mà phụ chị bán chớ.
Chị Hương nhìn ra xa xăm công viên, nơi có những bóng cây đen ngòm như nuốt chửng những phận người mong manh thở ra nhè nhẹ:
- Đừng có nghĩ nạnh hẹ thế mà chi, con mình nó lao động quen từ bé rồi. Mà lao động ở đây còn dễ hơn ở mấy miệt quê. Con người ta, nơi xứ xa đó chắc khó làm khó ăn, mới có mà cho học để được thoát li. Nay nó gặp cái hạn, giúp nó mà bắt nó dở dang học hành, làm phụ với mình thì còn chi mà nói.
Thở nhẹ ra vì cái lý sự rất nhân văn của chị lại ngạc nhiên hơn khi chị thỏ thẻ bảo rằng :
- Con mình lao động mệt chân mệt tay mà về còn ngủ lăn ngủ lóc, nó đi học làm cô giáo, hẳn mệt cái đầu, mệt cái đầu còn cực hơn mệt tay chân, để nó ngủ, mai nó còn đặng lên lớp.
Vâng chỉ với lý sự đơn giản như vậy, người đàn bà bán bún gánh lề đường ban đêm đã nuôi con người dưng qua cả gần một năm học. Thêm một miệng ăn là thêm một lao nhọc. Khi mà sau khi sống cùng nhau, mới biết cô sinh viên kia quê ở tận Đắk Nông, gia cảnh khó nghèo, bà mẹ dù thương con nhưng đau bệnh, cả năm cũng chỉ bòn vét gửi cho con vài trăm ngàn. Bà vẫn tin tưởng con bà đi học đi dạy kèm nuôi thân, cho đến giờ này bà ấy không hay con gái bà đã được cưu mang để tiếp tục tới giảng đường bởi một chị bán bún gánh vỉa hè giàu lòng nhân và khiêm tốn.
Câu chuyện rẽ sang vu vơ chuyện đời chuyện người. Lao xao trời sắp sáng, con hẻm 78 cũng loẹt quẹt tiếng bước chân của những người lao động buôn gánh bán bưng, chị Hương chuẩn bị thu xếp gánh hàng, thì cũng là lúc hai cô gái ra phụ mẹ, một cô con ruột và một cô sinh viên con người dưng...
Lúc này thiện nguyện viên mới khai thật sứ mạng của mình : chúng tôi là con cái của cộng đoàn lòng Chúa xót thương, mang tâm huyết của người linh mục lãng tử muốn âm thầm đồng cam cộng khổ với anh em mình, được sớt chia nhọc nhằn chung tay với chị hành thiện mà không mong màng ai biết tới. Chúng tôi cũng động viên em sinh viên cố gắng, trước lo cho bản thân sau là không phụ tấm lòng cao trọng của người mẹ lề đường. Người mẹ đã sớt sức khỏe, cái nghèo khó, cái lao nhọc cưu mang em. Tất cả cùng lặng đi, rưng rưng khi bên vỉa hè đêm dâng lời kinh dâng Đức Mẹ. Người linh mục qua tay chúng tôi xin được tiếp sức với chị phần vốn để chị bán gánh bún đêm, đã bị vơi hụt do chị mở lòng cưu mang thêm một số phận.
Và chúng tôi cũng xin trân trọng đề nghị của chị không nêu danh tính cô sinh viên, em còn học, còn trở về quê hương làm một giáo viên, nỗi đau, sự dại dột tuổi trẻ xin để lại sau lưng. Chỉ biết giờ đây em đã có thể bình yên tới giảng đường. Biình yên sống nương nhờ trong ô nhà nhỏ của chị bán bún gánh trên hè phố.
Anh Phêrô Danh, một thành viên nhóm Cộng đoàn LTXC ở Nha Trang đồng thời là thành viên ban quản lý ký túc xá đại học Nha Trang đã thay mặt cha lãng tử, cộng đoàn và thành viên Mái Ấm Giữa Đời gửi tới chị chút vốn để chị tiếp tục mưu sinh và làm việc nghĩa.
Xin cảm ơn chị đã góp phần làm giàu hành trang đời thiện nguyện của chúng tôi.
Cảm tạ Thiên Chúa cho chúng ta gặp nhau đêm nay bên lề công viên với những câu chuyện cuộc đời để tất cả chúng ta cùng tin, tình yêu, lòng xót thương và bao dung luôn là rất cần, rất quí giá.
Và cảm ơn những gặp gỡ giữa đời để chúng ta cảm nhận Đức Mẹ, Thiên Chúa luôn hiện diện quanh chúng ta, nơi mỗi con người rất cụ thể rất đơn sơ, chỉ cần chúng ta dám ra đi, dám tìm đến bên nhau là sẽ gặp gỡ những màu nhiệm.
TRUYỀN THÔNG MÁI ẤM GIỮA ĐỜI