Dạt dìu thân phận bèo trôi
Đời là một chuỗi dài những sự bi tráng bất tận, rồi đến khi “sống gởi thác về”. Những anh chị em có hoàn cảnh nghèo khó mà thành viên Mái Ấm Giữa Đời đã và đang tìm đến, luôn nặng gánh trên mình nỗi đau triền miên không chỉ thể xác mà cả phần hồn cũng nặng trĩu những âu lo – lo cho cái xác thân hư nát và lo cho cả phần hồn đơn côi. Cho đến một ngày cái xác thân bụi đất kia không còn chịu đựng nổi bệnh tật đớn đau, những linh hồn yếu đuối lại chợt suy nghĩ nhiều về cuộc đời mình, về người thân của mình, về con cháu mình sẽ ra sao khi mình không còn tồn tại trên trần gian này nữa. Chính lúc này, những bàn chân thành viên Mái Ấm Giữa Đời lại càng phải mạnh dạn hơn, tìm lại những đồng bào nghèo khó mình đã từng giúp đỡ, để tiếp tục nâng bước gia đình, những thế hệ sau của người đã khuất.
1. NHỮNG SỰ RA ĐI LẶNG THẦM
Gia đình chị vốn không phải xếp vào loại bình dân tầm thường. Nói về gốc gác, Út Hà – người phụ nữ có cái tên nghe mà nhẹ tựa dòng sông - chị sinh ra trong một gia đình rất gia thế khu Xóm Thuốc.
Thế thời cũng có lúc phải qua, những huy hoàng bỗng một ngày bay biến. Như một ngày tận thế được báo trước, “cỏ lùng rồi Chúa sẽ gặt bay”. Sau nhiều thăng trầm, chị Út cùng gia đình phiêu dạt về cái xứ bãi rác mồ côi này. Gạt bỏ quá khứ, gạt bỏ thân phận cỏ lùng nay đã gãy dập, gia đình chị trở về một gia đình theo đạo bằng an, sống cuộc đời tằn tiện với bà con thôn xóm.
Những bước chân thành viên Mái Ấm Giữa Đời tìm đến với chị đã nhiều lắm, sau khi chị chẳng còn gia thế sang giàu. thương nhau, chia sẻ với nhau vì tình người, tình anh em cùng là con cái Chúa dù trú ngụ trong cái thân xác trần thế chật chội lại lắm những vết thương. Sống ở cái xứ ô nhiễm này bệnh tật triền miên, thành viên Mái Ấm Giữa Đời theo tiếng gọi Chúa xót thương khi chạy đến giúp chị lo cho mấy đứa cháu nhỏ của chị đi học, khi lại phụ cho ít hiện kim góp phần nhỏ cho chị chạy chữa những lúc ốm đau bệnh hiếm.
Không lẽ cứ là người có quá khứ rắc rối thì ta lại không giúp đỡ? Có khi nào chúng ta thờ ơ trước người từng sung sướng nay bỗng đau nghèo khổ tồi tàn, không, với thành viên Mái Ấm Giữa Đời không bao giờ là vậy.
Nghèo đã khổ, nhưng nỗi đau bất ngờ giáng xuống còn đau khổ hơn chữ nghèo. Chị Út Hà có một người chị tên là chị Lý, tự nhiên một ngày cổ của chị Lý phồng to ra, tằn tiện lại không dám đi bác sĩ sớm, chỉ mấy tháng sau đi khám bác sĩ bảo: ung thư, rồi một thời gian ngắn nữa thì chị Lý qua đời. Qua cái họa sạt nghiệp thì lại đến cái họa tang ma. Gia đình chị Út Hà rơi vào cảnh túng quẫn tột cùng. thành viên Mái Ấm Giữa Đời tìm đến, lại là những sẻ chia nho nhỏ theo lời yêu cầu của Cha Lãng tử sau khi biết câu chuyện. Còn khổ là còn giúp – đó là phương châm của thành viên Mái Ấm Giữa Đời muôn đời chẳng đổi dời.
Chiều nay cùng với cô nhà báo phụ nữ triển khai một hoạt động nho nhỏ liên quan tới trẻ em, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ lúc nào cũng đóng kín cửa. Người đàn bà đó đã khóc, khi bất ngờ gặp lại chúng tôi. Chị khóc nhiều lắm, vì sự bất hạnh vẫn chưa buông tha chị. Chị kể cho chúng tôi biết bản thân chị cũng vừa qua cơn đột quị thoát chết trong gang tấc, nó rút sức sống của người đàn bà một thời rất xuân sắc. Để rồi giờ đây chị lê lết tấm thân dặt dẹo. Người anh trai ruột từng một thời lừng lẫy kinh doanh xăng dầu cũng dập dụi qua một cơn đột quỵ nặng nề. Tài sản tiêu tan theo bệnh tật nhanh và cũng bất ngờ không kém. Bóng dáng vợ con chẳng thấy đâu, chắc cũng xa khuất sau những đồng tiền đổ ra để chăm anh khi đổ ốm. Anh cũng về cái xứ này để có em gái mình chăm sóc những ngày cuối đời.
Người đàn bà đạo hạnh ấy cứ mải miết dành cả cuộc đời chăm sóc những người thân: chăm sóc chị mình từ lúc ốm đau đến tận lúc lâm chung, rồi chăm sóc cháu nhỏ, rồi bây giờ lại đằng đẵng những tháng ngày chăm anh đau bệnh. Chị quên luôn bản thân mình, quên đi sự yếu đuối mà bản thân chị đang bị bệnh tật dày vò.
Ngàn lẻ câu chuyện tốt ghi trong sách vở chắc cũng chưa sống động bằng khoảnh khắc thành viên Mái Ấm Giữa Đời chứng kiến chị Út dìu anh trai mình từ nhà tắm bước ra. Người đàn ông với bộ dạng dặt dẹo, gương mặt vô hồn cứ đổ vào người phụ nữ bé nhỏ, bước chân tập tễnh. Có bài học nào về tình thương lại sống động và nhiều cảm xúc như những gì chúng tôi vừa nhìn thấy?
Chăm cháu thơ dại, chăm anh bệnh tật. Lại thêm gánh nợ tang ma chị mình. Chắc chẳng thể nào có câu chuyện bi thương hơn thế. Chiều nay, thành viên Mái Ấm Giữa Đời tiếp tục trao tận tay chị món quà nhỏ từ tay cha Lãng Tử. Cầm phần quà từ cộng đoàn Lòng thương xót Chúa – thành viên Mái Ấm Giữa Đời, anh của chị Út Hà - người đàn ông mang di chứng đột quỵ cứng đơ cả người nhưng mặt vẫn thể hiện nét xúc động vô ngần, khuôn mặt anh từ từ đỏ hồng lên và khóc nấc như một đứa trẻ. Người đàn bà có đức tin vào Chúa Giêsu đã không thể ngăn những giọt nước mắt rơi không ngừng vì cảm động. Cảm động lắm chứ, khi biết câu chuyện của mình đã không bị quên lãng, Cha Lãng tử và cộng đoàn luôn nhớ đến và cầu nguyện cho gia đình chị, và luôn dành những sự giúp đỡ thiết thực nhất, lo lắng trọn vẹn cho cả một số phận.
2. VÀ NHỮNG SỰ RA ĐI SAO MÀ ĐỘT NGỘT
Mẹ anh Ba Đợi gặp chúng tôi cũng…nước mắt lưng tròng. Bà đã hơn một lần gõ cửa thành viên Mái Ấm Giữa Đời để cầu xin đường sống cho con trai mình. Người mẹ già hơn tám mươi tuổi ấy bán từng gói sữa chua vài trăm đồng một bịch, nghĩ đủ mọi phương thế để cứu người con trai đầu bạc hai thứ tóc, cuối đời bỗng phát căn bệnh hiểm nghèo và không hy vọng chữa khỏi. Khi thành viên Mái Ấm Giữa Đời nhận lời và đến thăm, nhìn bác Ba tiều tụy lắm, nhưng mắt vẫn còn sáng và trong veo. Bác mơ ngày bác khỏi bệnh, bác có cơ hội được chứng kiến con gái mình tốt nghiệp CĐ, rồi mặc áo cử nhân…rồi bác mơ ngày nhìn con gái bác đi làm, trưởng thành như bao ông bố khác gửi ước mô của mình vào cô con gái rượu...
Bác Ba phát bệnh ung thư ruột mới có mấy tháng mà chi phí chữa bệnh đã lên đến mấy chục triệu. thành viên Mái Ấm Giữa Đời ngay lập tức đã trợ giúp cho một phần tiền để giúp anh qua được một đợt hóa trị. Tưởng là qua được bạo bệnh. Tưởng là với sự yêu thương cầu nguyện của cộng đoàn lòng Chúa xót thương, tình yêu của người mẹ già, nghị lực tìm đường sống của người đàn ông bước qua lứa tuổi sáu mươi, bệnh tật sẽ được đẩy lùi. Ai cũng mong một cái kết có hậu.
Ngờ đâu bệnh ung thư nó lan nhanh, anh chống chọi được với nó thêm một hai tháng nữa thì mất. Nhưng trong cái rủi có cái mừng, những sự bác ái của thành viên Mái Ấm Giữa Đời mang lại cho người đàn ông bệnh tật đó những niềm an ủi vô bờ. Bà Sáu kể lại lúc ra đi anh rất thanh thản và nhẹ nhàng, trong cái suy nghĩ đơn sơ của người đàn bà theo đạo Phật đó, chắc là anh đã được về nơi tươi đẹp và an lành lắm.
Có là đạo Phật hay đạo Công Giáo, mỗi đạo lại gọi chốn thiên đàng một cách khác nhau, một cách hiểu khác nhau. Nhưng chung quy cũng chỉ có một cõi mà thôi. Cõi đấy vô cùng đẹp và tuyệt vời, luôn có chỗ cho những linh hồn nghèo khó đơn côi. Và mỗi lời cầu nguyện, dù là lời kinh kệ của Phật Giáo, hay lời kinh nguyện cầu chết lành của Công Giáo, thì luôn là những con đò chắc chắn và vững chãi, dẫn lối an ủi linh hồn người đã khuất đến chốn Bình an vĩnh hằng…
Nhận quà từ tay nữ thiện nguyện viên, bà Sáu cứ luôn miệng cảm ơn thành viên Mái Ấm Giữa Đời, cảm ơn cha Lãng Tử. Bà nói: “Cảm ơn cha Lãng tử quan tâm đến con tôi nhiều quá, quan tâm từ lúc anh còn trên dương thế, đến khi thác về “cõi trên” vẫn còn được quan tâm thế này. Nhờ có sự quan tâm của những tấm lòng, lúc anh Ba ra đi rất nhẹ nhàng thanh thản. Cảm ơn cha, cảm ơn cộng đoàn rất nhiều!.”
Mỗi việc làm của thành viên Mái Ấm Giữa Đời không chỉ mong đem lại niềm vui cho những phận người thiệt thòi trong cuộc sống trần gian. Mỗi việc thành viên Mái Ấm Giữa Đời làm còn mong mang lại phần bình yên cho người còn sống và cả những người sắp thác về Nước Trời. Những việc tốt nhỏ bé đó mà mỗi thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời đã tâm nguyện sẽ làm hết sức mình, hy vọng sẽ là nấc thang để Thiên Đường rộng mở đón những linh hồn rời bỏ thân xác ốm đau mà về trong vòng tay che chở của Chúa thương xót.
3. TRẢ GÓP…TIỀN ĐỂ ĐƯỢC CHẾT
Chị Út Hà kể lại câu chuyện mà chúng tôi phải giật mình suy nghĩ. Chị bảo, để có tiền lo đám ma cho chị Lý khi lâm chung. Chị phải…vay bạc góp, vay góp tiền làm đám ma! Và trả góp kèm lãi cao. Nghe mà xa lạ, có ai đời nghe khái niệm: “vay góp đám ma” bao giờ. Vậy mà ở xứ nghèo này, chuyện đó lại là chuyện bình thường, là cuộc kỳ kèo của những tay cò trên người chết.
Người giàu đã quen với chữ trả góp, trả góp nhà, trả góp ô tô, trả góp những dàn máy xa xỉ hàng mấy chục, mấy trăm triệu. Đối với họ, bạc góp là chuyện hết sức bình thường. Vung tiền ra mấy chục ngàn đô một tháng để góp cho những món hàng xa xỉ, chẳng để làm gì.
Người nghèo hơn một chút thì vay bạc góp để mua xe đi làm, hay chỉ là để đóng học cho con…Hai chữ bạc góp đối với người nghèo thường đi kèm với chữ lãi cao. Cũng là một gánh nặng. Và ở tầng lớp nghèo mạt tận ở những vùng ngoại ô nghèo, có thêm khái niệm vay bạc góp để lo đám ma. Không lẽ để người nhà ra đi mà không có nổi một manh áo quan, một ô đất mà chôn nữa. Đau lòng lắm! Nên những người còn sống phải bấm bụng, cắn răng vay bạc góp để có tiền làm ma cho người thân cho xứng, kẻo người qua đời đã buồn vì cảnh nghèo khi còn sống, lại thêm buồn vì lúc chết đi cũng không có nổi một cỗ hòm cho ra hồn.
Cái nghèo, cái khổ xui dụi con người ta vào nỗi đau khổ cùng quẫn không bao giờ dứt. Khổ vì bệnh tật, khổ vì nghèo đói, đến lúc chết vẫn chưa hết khổ. Khổ vì chính những con người cho là mình là “bề trên”, dùng tiền làm quyền lực, cho vay lãi nặng, lại tiếp tục đẩy những phận “bèo trôi” vào vũng bùn của sự tăm tối.