Đời nghèo, ngõ cụt
(Tuổi Trẻ) - Vì cướp 50.000 đồng để lấy tiền vào thăm con đang nằm trong bệnh viện mà bị cáo phải lãnh án đến 7 năm tù.
Có người nói bản án quá nghiêm khắc, nhưng người thực thi pháp luật lại cho rằng luật pháp phải nghiêm. Thế nhưng ẩn sau câu chuyện ấy, phận đời của bị cáo là một góc khuất khác.
Ấy là cái nghèo. Cái nghèo cùng nhận thức nông nổi đã kéo quỵ những người vốn hiền lành, tốt bụng vào lối mòn bế tắc. Chẳng ai ngờ người thanh niên 12 năm liền là học sinh khá giỏi giờ đây tại vướng vào vòng lao lý, bỏ lại sau lưng cả một gia đình với cha mẹ già, vợ và con thơ.
Thương tâm
Trời kéo mây vần vũ rồi trút mưa vội vã, bà Trần Thị Ngơ che vội chiếc nón lá rách bươm cho cháu rồi đạp xe ra điểm trường ngoài thị trấn Lai Vung (Đồng Tháp) cho kịp giờ học. Dưới cơn mưa nặng hạt, bóng hai bà cháu liêu xiêu rồi mất hút dần sau con đường đầy sỏi đá.
Tranh thủ chút thời gian, bà Ngơ tạt ngang chợ mua mớ tép đất cùng vài lạng đậu đũa để chuẩn bị bữa cơm gửi vào trại giam cho con.
“Thằng Tấn khoái tép đất với đậu đũa nhất, mọi ngày có hai món này nó ăn ít nhất phải nửa nồi cơm” - vừa nói bà vừa quay lưng đi giấu những giọt nước mắt chảy dài.
Từ ngày con trai Nguyễn Văn Tấn (25 tuổi, ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung) bị công an bắt giữ vì tội cướp tài sản, bà Ngơ thay thế luôn vai trò của một người cha trong gia đình khi hằng ngày hai buổi đưa cháu nội đến trường.
Từ ngày Tấn đi cải tạo, vì kế sinh nhai, người vợ cũng xin phép mẹ chồng đưa con về nhà mẹ đẻ sinh sống để bóc hạt điều. Bé M.T. - con Tấn - ngày ngày được bà nội đưa đón đi học rồi tối lại về bên ngoại ở với mẹ.
Chuyện Tấn dùng dao uy hiếp người đi đường xin tiền xôn xao khắp đầu trên xóm dưới. Nhiều người cho rằng bản án quá nặng nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng phải xử như vậy mới đủ tính răn đe.
Bảy năm tù cho việc cướp 50.000 đồng là cái giá phải trả cho những hành động nông nổi, bột phát. Giờ đây cứ mỗi khi thấy bà Ngơ đi qua, hàng xóm lại chặc lưỡi bảo: “Nhà nghèo. Con ruột, con rể đi tù. Khổ đến thế là cùng”.
Bà Ngơ còn nhớ như in sự việc diễn ra hôm đó. Vợ Tấn gọi điện bảo con bệnh đang nằm bệnh viện và hối Tấn đi thăm nhưng trong túi Tấn chỉ còn 190.000 đồng. Túng quẫn, Tấn xách dao tự chế ra con lộ nhỏ đầu nhà để xin tiền.
“Dù tui đã cố gắng hết sức nhưng nó mạnh quá nên tui đành bất lực đứng nhìn. Thằng Tấn thường ngày hiền lành, được bà con xóm giềng yêu quý nhưng không hiểu vì lý do gì mà hôm đó lại hành xử nông nổi như thế” - nước mắt người mẹ lại chảy dài, tiếng nói xen cùng tiếng nấc.
Hôm Tấn bị xét xử lưu động, bà Ngơ có mặt tại phiên tòa từ sáng sớm. Nhìn thấy hình ảnh con tra tay vào còng số 8, tim người mẹ như muốn nhảy ngược ra ngoài. Tranh thủ giờ tòa nghị án, bà gắng gượng bước lại gần bên con rồi hai mẹ con ôm nhau khóc.
“Nó nhắn tui nhớ giữ gìn sức khỏe, nó hứa sẽ cải tạo tốt để về với tui cùng vợ con của nó”, câu nói ấy của Tấn được bà Ngơ nhắc đi nhắc lại suốt buổi nói chuyện giữa chúng tôi.
Những ai dự phiên tòa hôm ấy đều không cầm được nước mắt khi bé M.T. mới 4 tuổi hôn cha rồi hồn nhiên nói: “Cha đi gì mà đi hoài à, mau về chơi với con nha”.
Dang dở giấc mơ giảng đường
Từ ngày Tấn bị công an bắt giữ, căn nhà ván lợp fibro ximăng lọt thỏm giữa những ruộng lúa, vuông tôm càng thêm quạnh quẽ. Ông Nguyễn Văn Tuấn, cha Tấn, bị tai biến nên không giúp được gì nhiều, mọi gánh nặng dường như đổ lên vai bà Ngơ.
Bữa cơm của gia đình dung dị khiến chúng tôi không khỏi xót lòng. Đó là mớ rau cù nèo hái ở ao nước trước nhà và nồi ốc bươu vàng kho mặn mà bà Ngơ tranh thủ bắt được lúc cắt cỏ khi sáng. Hít hà khói bếp, tôi nghe vị mặn chát trong khoang miệng.
Vừa dứt bữa cơm, bà Ngơ sang nhà hàng xóm xin cắt cỏ về cho bò ăn. Hồi Tấn mới bị tạm giam, bà xin tiền của những người con gái mua hai con nghé về thả nuôi để đến khi lớn thì bán đi đặng chuộc lại hai công đất đã cầm cố cho người khác ba năm trước. Chẳng may cái nghèo cứ đeo đẳng mãi, tháng rồi một con nghé bệnh chết, bà Ngơ thiệt hại gần 15 triệu đồng.
“Nếu không đủ tiền chuộc lại miếng đất thì cũng có chút đỉnh lo cho mấy đứa cháu đi học. Con thằng Tấn 4 tuổi rồi, chẳng mấy chốc phải lo cho nó ăn học đến nơi đến chốn. Ba nó đã thế, chẳng lẽ nó cũng...”, bỏ lửng câu nói bà Ngơ ngó lơ ra cửa.
Rồi bà lại quày quả bước vào căn buồng, mang ra một đống giấy tờ dày cộp. Những tấm giấy khen, bằng tốt nghiệp, giấy báo trúng tuyển đại học tuy đã cũ kỹ nhưng vẫn còn rất thẳng thớm. 12 năm liền Tấn là học sinh khá giỏi, đặc biệt điểm tổng kết những năm học cấp II của Tấn luôn trên 9,0.
Lấy giấy báo nhập học của một trường đại học tại TP.HCM ra, bà Ngơ ràn rụa nước mắt: “Hồi đó nó đậu đại học mà gia đình nghèo quá nên không thể nào lo cho nó đi học được. Nó tỏ ra cứng cỏi nhưng tui biết lúc đó trong lòng nó buồn lắm”.
Rồi bà Ngơ kể chuyện Tấn đi đăng ký tham gia học trung cấp nghề nhưng vì sĩ số học quá ít nên trường không mở lớp. Việc học cũng chấm dứt từ đó. Những tháng ngày sau đó Tấn đi làm khuân vác cho xí nghiệp gạo, đi phụ hồ hoặc nhận chăm sóc vườn cho những hộ gia đình gần đó.
Câu chuyện Tấn học hành dang dở được bà Ngơ kể mải miết. Giọng kể như hờn trách bản thân vì không lo được cho Tấn học hành đến nơi đến chốn.
“Nếu ngày đó tui cho nó học hành đến nơi đến chốn thì...”. Câu nói văng vẳng sau lưng lúc bà tiễn chúng tôi ra về như khiến không gian đặc quánh lại.
Cướp 50.000 đồng, lãnh án 7 năm tù Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, do không có tiền thăm con đang nằm tại bệnh viện nên sáng 2-6-2014, Tấn mang dao tự chế ra đường, chờ người qua lại xin tiền mặc dù đã được mẹ ruột ngăn cản. Khi đứng chờ trên đường, thấy anh Lâm Văn Út chạy xe tới, Tấn yêu cầu dừng lại rồi kề dao lên vai anh Út, một tay móc túi quần anh Út lấy 20.000 đồng. Xong việc, Tấn cho anh Út chạy đi. Cũng hành vi này, Tấn tiếp tục khống chế một người đi đường khoảng 35 tuổi, lấy thêm 30.000 đồng. Mẹ bị cáo chứng kiến và kéo con về nhà. Đến 15g cùng ngày, Tấn bị cơ quan điều tra Công an huyện Lai Vung bắt. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 7 năm tù giam về tội “cướp tài sản”. THÀNH NHƠN |