Hoàn cảnh
Gặp lại cậu bé vé số tật nguyền từng bị cướp giật
Trung đã khóc tức tưởi khi toàn bộ vé số bị kẻ gian lấy mất hồi tháng 11 năm ngoái, nhưng em bé khuyết tật đã đưa ra một quyết định đáng khâm phục và kết quả em nhận được ở hiện tại là một điều không thể ngờ.
Em Nguyễn Thanh Trung, 18 tuổi, quê Châu Đốc, tỉnh An Giang, bị khuyết tật, không thể đi lại bằng đôi chân như người thường, phải xỏ đôi dép vào 2 tay để di chuyển từng bước chậm chạp bằng tay. Dù khuyết tật nhưng em vẫn cố gắng “tự lực cánh sinh” bằng nghề bán vé số dạo để kiếm sống, chứ không đi ăn xin. Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, cha mẹ rất nghèo đều phải đi bán vé số để kiếm sống qua ngày.
Thuật lại câu chuyện
Thanh Trung là nạn nhân bị cướp mất 108 tờ vé số tại cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa ngày 23/11/2015. Trung cho biết, em từ Tiền Giang lên Long An bán vé số. Em vừa xuống xe tại khu vực chợ Cầu Voi, có hai thanh niên đi xe máy dừng lại hỏi mua vé số, sau khi đưa toàn bộ xấp vé 108 tờ (10.000 đồng/tờ), người ngồi sau giả vờ lật chọn số, cùng lúc người cầm lái nổ máy phóng nhanh về hướng TP Tân An (Long An) mất hút.
Nghe tiếng em Trung tri hô, một số tài xế xe ôm chạy đuổi theo nhưng không kịp. Do mới bán được 1 tờ, Trung thẫn thờ bật khóc và bò từng bước đến bến xe buýt về Tiền Giang.
Nhiều người thấy vậy, thương em đã hỗ trợ từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng, số tiền nếu gom lại trong vòng 1 giờ có thể lên tới vài triệu đồng. Thế nhưng, với lòng tự trọng, Trung từ chối không nhận và cám ơn, tìm bến xe buýt về nhà trọ. Trung cho biết đi bán vé số kiếm tiền lời chứ không phải lợi dụng tật nguyền, nói dối bị giật vé số để mọi người “bố thí.”
Khi đó, hành động và cách cư xử đầy lòng tự trọng, “đói cho sạch, rách cho thơm” của em bé bán vé số tật nguyền lan truyền rất nhanh trên mạng đã làm mọi người phải nể phục, trân trọng và tự soi lại chính mình xem có tự mình giữ được phẩm chất đạo đức chưa? Tiền mất nhưng lòng tự trọng của một con người thì không mất và đó là vô giá!
Gặp lại cậu bé bán vé số tật nguyền bị cướp
Ngày 14/2, gần Bưu điện tỉnh Long An, TP. Tân An, nhiều người thấy cậu bé tật nguyền di chuyển đến khu vực chờ xe buýt cách đó chừng 200 m. Không ít người dừng xe thăm hỏi và sẵn sàng chở đi nhưng cậu lắc đầu cảm ơn, khi nhiều người muốn mua giúp vé số, Thanh Trung cũng từ chối bởi vé bán hết từ sớm. “Lấy 400 tờ bán 6 giờ sáng tới gần 10 giờ là hết rồi!” – Trung vui vẻ kể. Chính nhờ vào tai nạn được đưa lên mạng, lan truyền rất nhanh lần trước nên mọi người đã cảm kích và mua ủng hộ vé số của em nhiều hơn.
Điều đáng suy ngẫm
Một em bé khuyết tật, tự lực đi lại mặc dù đi rất khó khăn, nhưng em vẫn tự đi, không muốn nhờ vả người khác khi họ muốn chở em. Em tự đi bán vé số để kiếm sống, không sống dựa vào xã hội, không ăn bám xã hội, không ăn xin, không lợi dụng lòng tốt của mọi người để lấy tiền. Khi bị cướp mất vé số, mọi người thương cảm góp chút tiền nhỏ cho em, nhưng em chỉ cảm ơn không nhận. Thật là đáng trân trọng biết bao.
Trong khi đạo đức xã hội xuống cấp, có người chỉ vì tiền mà không việc gì không dám làm, họ kinh doanh cả thuốc phiện đầu độc thanh thiếu niên làm hại cả một thế hệ trẻ. Họ làm cả những nghề bất chính như buôn người, buôn bán trẻ em, buôn bán phụ nữ; buôn bán nội tạng người, tiếp tay cho những hành động giết người, mổ cướp nội tạng người ở Trung Quốc đang bị cả thế giới căm phẫn phản đối.
Còn có nhiều người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu tràn lan, làm hàng giả, hàng nhái, hàng bẩn, thức ăn bẩn độc hại đang đầu độc người dân và đầu độc cả dân tộc. Tôi tự hỏi những người này có nghĩ đến người khác khi hành động hay không?
Bên cạnh đó còn có những người lành lặn, có sức khỏe mà vẫn giả làm người tàn tật để đi ăn xin, sống nhờ vào những đồng tiền bố thí của người khác.
Còn có những người tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức quyền để thu lợi cho cá nhân; những người chuyên làm giàu trên sự đói khổ của người khác; những người mua rẻ, bán đắt, thậm chí cướp đất của nông dân để làm giàu; những cán bộ đưa “nhầm” dê, bò của người nghèo vào chuồng nhà mình… Họ có chút gì áy náy hay cắn rứt lương tâm khi lấy những đồng tiền bất chính đó không?
Qua hành động của em Trung, chúng ta nhận thấy, dù có nghèo đi chăng nữa thì hãy kiếm sống bằng chính sức lao động của mình, hãy làm ăn chân chính, và nhận những gì mình xứng đáng được hưởng! Rồi sau này, chúng ta sẽ nhận được kết quả tốt đẹp giống như em Trung. Hiện tại, em cũng đã bán vé số đắc hơn nhờ câu chuyện và hơn hết chính là từ quyết định đáng ngưỡng mộ của mình.