Hoàn cảnh

Gieo yêu thương, diệt oán thù

Người phụ nữ ấy rụt rè đi chiếc xe đạp cà khổ, sau lưng là hai đứa trẻ lúi húi tìm đến điểm hẹn thành viên Mái Ấm Giữa Đời. Với giọng nói không thể nhỏ bé hơn, từng câu chữ của chị kể về cuộc đời mình làm những người thành viên Mái Ấm Giữa Đời đau đớn mà phải bật lên lời: Chúa ơi, sao thế gian vẫn còn những con người với nhau mà đối xử sao quá tàn nhẫn!

THÓI ĐỜI VẮT CHANH BỎ VỎ

Chị Nguyễn Thị Kim Cúc vốn sinh ra đã mang phận mồ côi. Những ngày đầu nhìn thấy ánh sáng cuộc đời, trong mắt chị đã chẳng bao giờ tồn tại hình bóng mẹ cha bao giờ. Những ngày sau đó, cô bé Kim Cúc dù vẫn còn nằm ngửa trên cũi, cũng đã phải nếm trải dần mùi đời của thân phận “mồ côi mồ cút”. Ít thời gian sau, một đôi vợ chồng đã đón chị từ bệnh viện về làm con nuôi. Những tưởng đó sẽ là kết thúc đẹp cho cô bé mà số phận vốn đã thiệt thòi từ tấm bé. 

Đôi vợ chồng ấy vốn hiếm muộn mười mấy năm, một ngày nọ đi xem tướng số gì đó, thầy bói phán rằng: muốn sinh con thì phải nhận một đứa con về nuôi, mà nếu co tật thì càng tốt, thế mới có thể có con. Nên họ lật đật đi tìm một đứa trẻ, và đó là chị Cúc, đứa trẻ mồ côi bị bỏ ngay tại viện lúc vừa sinh, và dị tật cái chân ngay sau khi vừa rời lòng mẹ.

Họ thương yêu chị Cúc hết mực như đã hứa với ông thầy, để đẻ được con. Ông thày cũng cao mưu phán phải làm mọi sự y như con đẻ. Vì thế họ cũng ra chính quyền làm giấy tờ nhận con đâu ra đấy. Mấy năm sau đó họ cũng được một mụn con đẻ đích thực. Ôi trời, kể sao cho xiết nỗi mừng vui. Kể sao cho xiết niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng son sẻ, đã không tiếc yêu thương mà nuôi một mầm sống chẳng phải máu mủ gì đúng như cam kết với thần với thánh, nên chắc “trời” giữ lời, ban cho đứa con ruột rà làm quà trả lễ!

Chẳng ngờ lòng người đã ngắn còn nhiều khúc quanh, trả xong “cam kết” với thánh thần, kể từ đó cuộc đời chị Cúc bỗng lại thành thảm họa, cuộc sống không còn đứng ở bậc con cái, mà đã thành người hầu kẻ hạ lúc nào không hay. Những trận đòn, những trận chửi cứ thế thường xuyên hơn, đỉnh điểm đến một ngày đôi vợ chồng “trước tưởng là tốt ấy” đánh chị một trận đòn thừa sống thiếu chết rồi đuổi chị ra khỏi nhà mà trước đây đã tưởng là chốn yêu thương dành cho chị. 

CUỘC SỐNG NGHIỆT NGÃ

Tự nhiên đang có một gia đình rồi lại trở về phận côi cút, làm sao không khỏi choáng váng với cô bé Kim Cúc mới mười mấy tuổi? Vậy mà Cúc cũng tự sinh tồn lớn lên được, lấy được tấm chồng, lại có thêm hai đứa con. 

Nhưng những sự bất hạnh vẫn chưa buông tha chị, người chồng áp lực trước cách đối xử của nhà vợ, thấy rõ mình chẳng được lợi gì khi thấy gia đình vợ đối xử lạnh nhạt với chị Cúc, nửa lời hỏi thăm chẳng có, gặp là mắng chửi, gặp là đuổi đánh. Thế là anh cũng lại hiện nguyên hình là một gã hèn nhát, bỏ đi lập tình mới mất dạng, bỏ lại hai con bơ vơ cùng người vợ quanh năm ốm yếu. 

Trơ lại một mình, lại phải đèo bòng thêm hai đứa con giờ không còn một bóng tùng quân nào mà dựa dẫm. Chị Cúc trải thân là làm hết nghề này đến nghề khác mưu sinh, cốt nuôi được hai con còn được ăn, còn được học. Thời gian đầu chị đi bán vé số, ròng rã bước chân tập tễnh hết con đường này đến con đường khác, cố gắng mời chào bán từng tờ vé số nuôi con. Biết bao cạm bẫy, biết bao hiểm nguy rình rập người phụ nữ cô thân đơn chiếc như thế! Mưu sinh đã muôn phần gian khó, những sự họa tai rình rập lại càng làm con người ta thêm khốn khổ. Bán vé số đã chẳng được mấy đồng mà chị lại còn bị bọn bất lương giật vé số mấy lần. Táng tận lương tâm hơn, chúng đã đạp ngã người đàn bà vốn đã quá yếu ớt đó, chỉ để giật cho được mấy tờ vé số!

Sau nhiều lần bị giật như thế thì vốn liếng cũng đã cạn kiệt hết cả, chị đành chuyển qua làm công nhân may. Nhưng sức lực người đàn bà bệnh tật nhiều như thế, đi làm công nhân làm sao trụ nổi như thanh niên trai tráng, thế là cứ một bữa làm lại hai bữa nghỉ vì bệnh, làm công được công mất, lương tháng tom góp mãi chẳng qua nổi ba triệu. Gần ba triệu đồng giữa lòng phố thị, giữaa năm hai không mười lăm vật giá đắt đỏ này, ba triệu cho ba con người: hai con nhỏ dại cần ăn học, mẹ thì đau yếu. Than ôi!

Ba triệu đối với người giàu sang có khi chỉ đáng giá bằng một nửa của một bàn tiệc xa hoa cao lương mỹ vị. Ba triệu không đủ cho một thiếu gia ăn chơi phá phách ở một quán Bar sang trọng nào đó, ba triệu chắc chẳng thể đủ cho một quý cô ưa thích shopping. Nhiều trai xinh gái đẹp cầm ba triệu đi dạo phố còn trách ba mẹ: Sao đưa tôi ít thế! Dòng xoáy đồng tiền quả là khôn lường, không bao giờ là đủ, không bao giờ là dừng lại đối với những phàm nhân chỉ biết bạc vàng trong con mắt. Thuở đời nhìn nhau bằng vật chất, quen nhau bằng quyền lực, đối xử với nhau bằng địa vị. 

Tất cả đều đã chìm đắm vào cái bẫy mà Satan bày ra, một cái bẫy vô cùng hào rực rỡ nhưng cũng rất dễ dàng, đánh gục lương tâm, nhân phẩm con người. Cần lắm, cần lắm những phút giây sống chậm lại, nghĩ suy về tâm tình với Thiên Chúa, với tha nhân, với trái tim vô cùng của Chúa Giêsu thương xót, hãy nghĩ về mồ hôi lao động, về giá trị của đồng tiền, về giá trị của ba–triệu–bạc mà vào tay mình, chắc chẳng thể đủ cho một cuộc vui tốn kém. 

Vậy mà ở xóm nghèo, một góc nghèo nơi rìa thành phố, gạt qua những đèn màu phố thị. Có một người mẹ gạt qua ốm đau thể xác, để miệt mài đi làm một công nhân may, kiếm ba triệu bạc tiền lương, nuôi con ăn học, nuôi con lớn khôn. 

Cuộc đời nghiệt ngã, khó khăn như thế nhưng khi thiện nguyện viên hỏi về gia đình hay người chồng, tuyệt nhiên gương mặt chị không gợn lên nét nhíu mày hay nổi giận. Trong đôi mắt ấy không còn nét hận thù, tất cả chỉ là một nét quên: quên đi những con người tưởng là rất thương yêu, nhưng lại hóa ra vô cùng bội bạc. 

MÓN QUÀ QUÝ GIÁ

Thằng bé con trai của chị năm nay lên lớp bốn. Nhìn nom rất lanh lợi và tinh anh. Tất cả niềm tự hào của Cúc khi nói chuyện, đều là vì con cái. Hai con của chị ngoan, đặc biệt là cậu con trai năm nay vào lớp bốn, các năm trước cháu đều đạt học sinh giỏi. Thấm được nỗi vất vả của mẹ, cháu luôn cố gắng học hành giỏi giang để mẹ Cúc khỏi phải buồn. 

Tự nhiên kể về niềm vui học hành của con. Chị Cúc thở dài, chị lo vì những điều trái ngang bất công nơi cuộc sống trần tục sẽ làm hỏng cái sự ham học nơi thằng bé. Chuyện buồn của chị lại tiếp nối bởi một tai nạn cách đây mấy tháng làm chị bị đứt gân chân, nằm liệt giường cả tháng trời, không đi làm gì được. Tiền học của con, tiền ăn, tiền sinh hoạt kéo đến sát đầu giường nơi người mẹ đau chân đang nằm liệt giường. Chị Cúc liều mạng đi vay bạc “nóng” (vay tiền lãi suất cao của xã hội đen) để có chi phí lo cho con học hành. Cứ một triệu trả thành triệu hai, lãi một tháng hai trăm. Vay ba bốn triệu chi đó để lo việc học hành cho con, lo cái ăn cái uống qua được cơn đau bệnh. Lãi cao, về sau chị gượng dậy được đi làm nhưng lương cũng chỉ vừa đủ chi tiêu, không có để trả lãi. Thế là lãi mẹ gom vào lãi con, tự nhiên số nợ nảy nòi thành năm sáu triệu. Mấy ngày nay chủ nợ đến đòi sát rượt, cứ nhè chiều tối lúc mấy mẹ con túm tụm là tìm đến mạt sát chửi rủa. 

Nỗi sợ hãi hằn lên trong ánh mắt thằng bé và đứa em gái khi nghe mẹ kể về những khoảnh khắc chủ nợ tìm đến đòi tiền. Là những lời chửi rủa không thể tục tằn hơn, là những lời đe dọa xiết nhà, xiết bếp (bếp mà cũng xiết nợ!), xiết xe đạp. Nhà có gì sẽ tịch thu bằng hết. Là những khoảnh khắc ba mẹ con ôm cứng trong nhà vì sợ, chịu những trận mưa đá gạch, chai lọ từ chủ nợ ném vào bể cửa, bể đồ…

Chị Cúc nhìn con trai thở dài, những sự ác nghiệt như thế làm thằng bé sợ hãi chắc chẳng còn tâm trí nào mà học cho nổi. Hỏi tương lai con thích làm gì nào, thằng bé cười bẽn lẽn, bảo con chưa biết được nữa…Con gái nhỏ của chị năm nay cũng vừa vào lớp một. Trẻ con như tờ giấy trắng. Chị lo lắm không biết những bất hạnh, bất công đang bủa vây quanh mẹ con chị đầy rẫy như thế. Liệu các con chị có còn được một cửa sống bình an?

Người thiện nguyện cảm thông và chẳng biết nói gì hơn khi trao phần quà từ thành viên Mái Ấm Giữa Đời và cộng đoàn lòng thương xót Chúa, là một chục gạo để mấy mẹ con có cái ăn trong mấy tháng hè. Và một phần tiền để lo sách giáo khoa, lo bút tập, và đồng phục mới cho hai cháu. Chị vui miệng nói, cháu lớn – Bé Nguyễn Công Hậu – mấy năm nay toàn mặc quần áo đồng phục xin từ các anh chị lớn, năm nay thế là con có áo mới rồi! 

GIEO TIN YÊU VÀO CUỘC ĐỜI

Những người thiện nguyện viên âm thầm đã theo sát bước chân chị Cúc đã trọn vẹn 4 năm ròng, từ lúc hai đứa con của chị đứa thì thò lò mũi xanh, đứa thì nhỏ xíu còn bồng trên tay. Tình thương không nằm chật hẹp trong 1 lần trao quà, 1 lần cứu trợ. Tình yêu thương âm thầm và nhẹ nhàng len lỏi, kết nối những người mang trái tim bác ái và những phận người khó nghèo, đã trải qua sợi dây thời gian không quàn gian khó…

Chào chị Cúc, chia tay nơi góc xóm nghèo nàn, dáng người đàn bà tập tễnh đẩy chiếc xe đạp cà tàng, mấy cháu nhỏ líu ríu sau chân mẹ. Mới nhận ra hạnh phúc không nằm ở việc người khác đối xử với mình ra sao, mà chỉ cần mình tỏ lòng với người khác cũng là quá dư đầy. Nhìn vào cuộc đời chị Cúc, ai nói là không bất hạnh? Chị Cúc hoàn toàn có thể lựa chọn đối đầu với cha mẹ nuôi, đối đầu với chồng mình để tìm lại lẽ công bằng được không? Được chứ! Nhưng chị không chọn như thế, đơn giản là chị đã làm tất cả những gì mà một người mẹ có thể làm, lao động lương thiện, không bán linh hồn mình cho quỷ dữ để đánh đổi chút vật chất tầm thường. Hạnh phúc đối với người phụ nữ tật nguyền ấy, là năm học mới các con đã có sách, có quần áo mới đi học, nhờ tình thương từ Cộng đoàn LTXC, từ các ân nhân, thế là đã quá đủ.

Cảm ơn người linh mục Lãng tử, người cha linh hướng âm thầm của cộng đoàn lòng thương xót Chúa, người đã luôn lắng nghe những tâm tình từ Chúa thương xót, những thanh âm của cuộc đời khốn khổ. Cảm và nghiệm được những thiếu sót mà chính con người còn đang đối xử với nhau. 

Khi nghe và biết đến những câu chuyện về những phận người nghèo hèn mà thiện nguyện kể lại, cha đã luôn sốt sắng và luôn đưa ra một “chỉ huấn” cao nhất dành cho đội thiện nguyện: Lấy tình yêu thương con người, lấy niềm tin và niềm cậy trông trọn vẹn từ Lòng thương xót Chúa. Hoa sẽ trổ bông, cây sẽ sinh trái ngọt, người với người sẽ nảy nở trái Tình Yêu, tình sốt mết, tình anh chị em đồng cam cộng khổ đẹp nhất trên đời.

Con trai chị Cúc – bé Công Hậu

 

Ba năm học cháu đều đạt học sinh giỏi

 

Thiện nguyện viên tặng gạo đến chị Cúc

 

Thiện nguyện viên tặng phần quà là phần tiền mặt để mua 2 bộ sách giáo khoa và sắm sửa đầu năm học mới cho 2 cháu

 

Chị Cúc kể về hoàn cảnh đáng thương của mình

TRUYỀN THÔNG MÁI ẤM GIỮA ĐỜI

Có thể bạn quan tâm