Nâng dậy cánh hoa đời
Thỉnh thoảng ti vi lại đưa tin những nhà bảo tàng danh tiếng mở cửa triển lãm và bán đấu giá những bức tranh giá cả chục triệu đô. Lời đồn rằng tranh ấy đêp mê ly, vi diệu người bình thường chẳng thể tưởng tượng ra, và người bình thường mạt kiếp cùng đời cũng chẳng bao giờ chạm vào ngưỡng cửa chứa những bức tranh thần tiên đó.
Ôi thế ra Chúa bất công quá chăng, ngài ưu tiên kẻ ưu tuyển sang giàu, còn dân bần hàn khổ đau, khả năng xem tranh vi diệu tuyệt vời chắc đợi khi thiên đàng mở cửa họa may. . . Đời nghe sao mà buồn quá sức.
Đời chẳng buồn và chẳng u ám chút nào, Thiên Chúa của tình yêu và xót thương công bằng và công bằng vượt lẽ trí khôn con người phàm, Chúa ban cho kẻ bé mọn không chỉ là xem tranh, mà được cùng Ngài kiến tạo những bức tranh rất khác thường, chúng ta khoan kết luận và cùng nhau xem nhé.
Trong một ngôi nhà nhỏ người đàn bà luống tuổi nằm trên giường bố đơn sơ, bây giờ thì chị là bé thơ, rất thơ bé trong vòng tay của mẹ của em, đầu giường cái cát xét nhỏ vang lời giảng đầm ấm về lòng Chúa xót thương, chị mỉm cười trong cơn đau vẻ hài lòng hạnh phúc.
Và có tiếng bước chân khẽ bên giường, là em trai chị về, đó là một linh mục.
Tiếng người đàn bà nhỏ và rất khó nghe, làm sao có thể rộn ràng, bởi chị là bệnh nhân vướng vào căn bệnh khó khăn : u não.
- Ráng tới xóm Chùa…cái Hoa. . .
Và chị lần xuống gối, dúi vào tay người em, món tiền bà con xóm giềng tới thăm biếu chị mấy hôm rày, chị vẫn để đó.
Người linh mục chợt hiểu, và cười để chị an lòng, câu chuyện từ một trang xã hội nào đó vẫn ấm áp truyền qua ra đi ô: cô Hoa ấy giờ đã vui…mà vẫn yếu lắm.
Hãy tạm gọi đây là mảnh ghép thứ nhất.
Lại tới một không gian khác là xóm Chùa, trong căn nhà đầu cổng chùa có công năng là quán tạp hóa bình dân, người đàn bà bối rối mời khách nồi xuống băng ghế đá:
- Đúng rồi con Hoa ở trong đó, cứ bỏ xe đây tôi đưa vào, năm giờ sáng nó ghé tôi, cứ xông vào đòi phụ dọn cho tôi một tay rồi lật đật đi, giờ này nó chưa về đâu lên đèn nó mới về, chút nữa là bày con chạy ra đây đó mà, ba đứa dễ thương lắm.
À Hoa trong câu chuyện cái cát-xét đọc trên đầu giường người đàn bà luống tuổi nằm bất động kể trên, theo gia đình chị tổ trưởng nhân dân, Hoa giờ bệnh nhưng rất vững vàng, cô làm tất cả những gì có thể để nuôi con, bán vé số, trưa tạt vô chợ phụ quán cơm, tối thì quay về rửa bát cho quán phở và vẫn bán kèm dăm tờ vé số.
Gia đình chị tổ trưởng tổ nhân dân trong khả năng mình cố gắng cưu mang ba trẻ một bữa cơm, có lẽ việc Hoa cứ lăng xăng dậy sớm ra phụ chị dọn quán hàng như một cách đáp đền cái ơn chị đã sớt cơm cho ba cháu : Trung, Hiếu, Thảo.
Còn những người khách, không có xa lạ gì chính là học trò người linh mục, họ tới đây mang món quà của người linh mục ủy thác. Xét về lời hứa ông đành có lỗi với chị mình, ông không thể cứ muốn là chạy tới thăm cô Hoa như ý chị mong đợi. Nhưng ông rèn mình trong cầu nguyện, để có thể tìm phương thế tiếp xúc với con người cách khác hơn, sự hiệp thông trong nguyện cầu cũng sinh ơn ích lớn lao, nếu ý Chúa muốn như vậy…
Mảnh ghép nhỏ khác có lẽ phải ngược về trước đó khoảng năm năm, khi bước chân loan truyền Lòng Chúa Xót Thương của người linh mục vô danh rảo khắp nơi, thì đã có những học trò bé nhỏ chấp nhận từ bỏ nhiều thú vui của cuộc đời, lặng lẽ lắng nghe, lặng lẽ vâng lời chỉ dạy của thầy, hãy ra đi, hãy chui rúc trong mọi ngõ ngách đời, moi quét tìm tòi những mảnh vỡ te tua đau khổ của đời, vận dụng cái trí huệ Chúa cho mà nghĩ ra cách giúp những bể nát rớm máu thương đau nguôi ngoai và dần lành lặn.
Hoa chính là cái mảnh vụn trong ngõ chuột chui không số không tên ở ngách Chùa, em rất trẻ, rất xinh, mười bảy tuổi làm vợ và khăn gói theo chồng, sanh ba đứa con, chịu mọi không may của đời làm vợ : chồng Hoa thì không biết cách làm ăn, đôi khi lại cộc cằn, Hoa hay bị đòn và không nhận được sự chia sớt lo toan từ chồng, người phụ nữ oằn vai bởi mọi lo toan cơm áo, không may vì không được nhờ chồng chưa đủ, em còn vướng vào bệnh suy tim và tiểu đường, nhưng Hoa rất yêu con yêu tới mức dù khổ nhưng hoa đặt trên con rất trau chuốt rất đẹp như là Hoa mơ ước : Trung, Hiếu, Thảo.
Và thế rồi câu chuyện về Hoa lặng lẽ được tải lên các trang mạng trên intrenét, hình ảnh Hoa xuất hiện trong câu chuyện chứng nhân nơi những bài giảng trong nhà thờ và Hội Đoàn, vị linh mục thi thoảng nhận lời ký thác từ ai đó không danh tính chút quà nhờ gửi cho Hoa, và suốt năm năm qua tiền sách vở tiền học của ba trẻ nhà Hoa được duy trì từ những quà nhỏ xinh như thế.
- Thương bọn trẻ lắm, biết làm sao, giờ có lẽ phải nghĩ tới cách nhập khẩu cho nó về đây, tuy là miệt ngoại thành, song địa phương mới có cơ sở mà trợ cấp. Mấy cô chú cho gởi lời với ngài linh mục, thôi thì chúng mình ráng cầm cự không để ba trẻ nó thất học nha. Chữ chúng mình chị tổ trưởng nhân dân nói nghe êm dịu thấy mà mê quá.
Nào, ghép lại những mảnh ghép, bạn có thấy hiện lên một bức tranh, mà mọi gam màu trong đó sao mà dễ thương, cái bệnh, cái nghèo cái khốc liệt của đời thường hóa ra thành cái nền để tôn cái rạng rỡ tràn yêu thương của những con người cụ thể.
- Ha-lê-lui-a tạ ơn Chúa - người linh mục vô danh thì thầm - Cha quả là thượng trí vô cùng, kẻ khốn quẩn chẳng có phải lo không có tiền để xem tranh vi diệu.
Chưa, bức tranh này còn thô lắm con, Chúa mỉm cười, bởi vì nếu chỉ thế, thì vẫn chỉ là những mảng ghép tuy đẹp mà rã rời, chính con đấy, chính con phải dùng sợi chỉ là cầu nguyện không ngừng để các mảnh ghép liền lạc lại và sống động, sinh ích, bức tranh mà tĩnh, chỉ là vô nghĩa mà thôi. Vô nghĩa lắm. Con phải làm sao để qua lời giảng và câu nguyện người ta nhận ra, người đàn bà nằm bất động trên giường kia, rồi cô Hoa, rồi cả gia đình chị tổ trưởng nhân dân, và cả các học trò của con, đâu có xa cách, đâu có xa lạ gì nào, là anh em, chính là anh em cả đấy.
Anh em thịt máu, sống với nhau trong một mái nhà, bởi có huyết mạch thương yêu của tình đệ huynh liên kết.
- Một ông linh mục Công Giáo, lại ở chung với cư dân xóm Chùa dưới mái nhà, ta đố con có bức tranh nào lạ đời thế không, tranh này lung linh, ngàn tỉ triệu đô thì nghĩa lý gì, bởi đâu phải là thứ đem rao bán.
Quả là lạ lùng!
Mời các bạn xem clip:
Truyền thông Mái Ấm Giữa Đời