Nặng trĩu những ân tình
Những ngày này Sài Gòn mưa vẫn rơi nhưng lòng người không những không lạnh lẽo, mà lại càng ấm hơn bởi những hoạt động bác ái của Thiện nguyện vẫn đều đặn tìm đến những mảnh đời thiếu thốn. Mời các bạn nghe câu chuyện của chúng tôi, nhé!
1. CUỘC ĐỜI TRÔI DẠT CỦA ANH CHÀNG 20 TUỔI HỌC MỚI LỚP 3
Con đường lắt léo qua 3 cái “cua” khiến những bước chân ngày một chậm dần. Con ngõ nhỏ hẹp ở một góc dân cư quận 6 chỉ đủ 1 xe máy đi lọt. Những người thiện nguyện dù đã quen “chinh chiến” trên những con đường đất đỏ bé tí hin trơn trượt ở những vùng Tây Nguyên trong những chuyến công tác bác ái dài ngày, nay đổ mồ hôi hột khi từng bước dò dẫm – dù là mặt đường bê tông - tìm đến nhà một hoàn cảnh rất đáng thương mà chúng tôi dự định giúp đỡ. Lòng thầm mong đừng có một chiếc xe nào đi ngược chiều, không thì cả đoàn…phải đi lùi mà ra mất.
Căn phòng trọ lấp ló trong dãy nhà lụp xụp, những người thiện nguyện hồ hởi khi biết mình đã đến nơi. Tiếp chúng tôi anh Trần Văn Tuấn – người chủ gia đình – tay bắt mặt mừng chào đón những con người ngày đêm chỉ đi tìm người nghèo để giúp đỡ. Trong lúc anh Tuấn trò chuyện với đoàn thiện nguyện viên, ánh mắt chúng tôi đổ dồn về một cậu trai mặt mũi sáng láng, dáng người mảnh khảnh, nước da xanh xao và đặc biệt em nói chuyện rất dễ thương – bẽn lẽn và rụt rè. Nhưng câu chuyện của cuộc đời em làm hết thảy chúng tôi phải sửng sốt.
Em tên là An – con của bố Tuấn – Sinh ra trong gia đình có 10 anh chị em, tuổi thơ của em sớm phải nếm trải những mưu sinh vất vả. 12 tuổi em đã biết đi bán vé số phụ bố mẹ nuôi các em mình. Rong ruổi trên những con đường bán những tờ vé số, An lớn lên, hoang dã như một chú mèo nhỏ.
Một ngày mấy bạn xấu rủ rê em đi chơi net, đi ăn uống đánh bài theo chân mấy lão choai choai tập tành ăn chơi. Sau một ngày đi bán cực khổ, sẵn có tiền, tuổi 12 dại dột và thơ dại. Em nghe lời chúng bạn rủ rê. Chơi hết một buổi tối thì tiền nhẵn túi và đám bạn cũng bốc hơi theo. Em không dám về nhà, em sợ nếu biết em đã tiêu hết tiền vé số cả vốn lẫn lãi, mẹ em sẽ giận mà đánh em.
Đêm đó em không ở nhà, và thêm nhiều đêm nữa. An nhập bọn với nhóm trẻ vô gia cư và sống lang thang. Ai biết được những ngày sau, liệu những cơn gió độc có cuốn thằng bé 12 tuổi không gia đình vào những trò ma quỷ, nghiện ngập, chôn vùi em trong những tệ nạn xã hội mà ít người tránh được cám dỗ của nó?
Nhưng bước chân em đã không bị lầm lạc bởi một sự kiện vừa hên vừa rủi. Có lẽ Chúa vẫn còn muốn gìn giữ linh hồn trẻ nhỏ không bị vẩn đục, không bị phá hủy bởi ma quỷ Satan. Nên Ngài cho em một ngày, em bị mấy anh Công an bắt vào trường Giáo dưỡng.
Thế là hết những ngày tự do! Ôi nhưng đó cũng là một bước ngoặt cần thiết, một dấu chỉ để em biết rằng nếu em chỉ tung tẩy ngoài đó thêm một thời gian ngắn nữa thôi, đời em sẽ không thể cứu vãn. Trong trường, em được người ta dạy chữ, và dạy phải tránh xa những thứ xấu xa làm băng hoại con người. Em lại được học hành, học đến lớp ba cơ đấy!
6 năm sau, cậu thanh niên An 18 tuổi, tạm biệt trường Giáo dưỡng, trở về nhà trong sự ngỡ ngàng của gia đình, lúc đi em chỉ là một cậu nhóc 12 tuổi, nay em đã là chàng thanh niên 18. Thử hỏi không sửng sốt sao được.
2. NHỮNG MẢNH ĐỜI CHẮP VÁ TRONG NGÔI NHÀ NHỎ
Anh Tuấn năm nay 55 tuổi, ngặt nỗi đang bị bệnh ung thư bao tử (dạ dày) hành hạ. Thu nhập chính của anh đến từ việc chạy xe ôm, nhưng mà với bệnh tật hành hạ đớn đau như thế, thì anh cũng chỉ chạy cầm chừng mà thôi. Ngày nào có cuốc xe ôm thì nhà còn có hạt gạo, miếng rau sống qua ngày. Ngày nào bệnh đổ vật xuống, thì đành nằm bẹp đó mà cắn răng chịu đựng.
Người phụ nữ nhỏ thó ngồi cạnh anh nãy giờ không nói nhiều lắm về bản thân mình. Chị tên là Tình – vợ anh Tuấn – để phụ giúp chồng mình thêm phần tiền nhỏ nhoi nuôi con, chị cũng cố gắng đi bán vé số mưu sinh. Cách đây mấy tháng một lần bán vé số chị bị ngất xỉu giữa đường, bà con đi đường đưa chị vào BV cấp cứu. Bác sĩ phán một câu rụng rời: có một khối u giữa não của chị! Mà tiền chữa u não với những con người nghèo khổ chạy ăn từng bữa thế này thật là một điều gì đó lạ lẫm lắm. Chị cắn răng quên đi lời cảnh báo của bác sĩ, lại lao mình vào những cuộc mưu sinh đầy chênh vênh.
Từ đấy, những bước chân bán vé số của chị Tình thêm xiêu vẹo, chị đã quen lắm với việc cứ đi được nửa chừng đột ngột lại xây xẩm mặt mày, phải ngồi thụp xuống vệ đường trấn tĩnh một lúc. Người phụ nữ mang trong đầu khối u ngày càng lớn dần như thế, cơ thể ngày một gầy teo như thế, vẫn qua ngày bán từng tờ vé số nuôi đàn con nheo nhóc cùng chồng mình.
Những đứa trẻ cứ lần lượt ra đời mà không có một mảnh giấy khai sinh lận lưng, tiền không có, cứ đẻ xong là trốn viện bế con về. Cuộc sống thuê mướn nay chỗ này, mai chỗ khác khiến mấy đứa nhỏ chẳng thể có nơi chốn cố định mà làm mảnh giấy khai sinh cho mình, và cũng chẳng có cháu nào được học hành. Chỉ có mỗi An là học được đến lớp ba, nhờ biến cố bị đưa vào trường giáo dưỡng.
Hai con lớn nhất của anh chị đã có gia đình và ra riêng, chúng cũng nghèo. “Lo được cho gia đình nhỏ của riêng mình là đã vất vả lắm, sao nỡ bắt chúng nó lo ngược lại cho mình được”. Còn lại 8 người con, trong đó An là con lớn nhất, tá túc trong căn nhà trọ thuê một triệu một tháng, 10 con người chui rúc trong căn phòng trọ bé tí teo!
3. ĐÂU CHỈ LÀ CHIẾC XE, ĐÓ LÀ CẢ MỘT NHIỆM MÀU!
Nặng lòng lắm khi thấy chàng thanh niên 20 tuổi đau đáu muốn tìm cho mình một việc làm ổn định để phụ giúp mẹ cha. An kể, sau thời điểm ở trường giáo dưỡng ra, em có đi làm phụ hồ với mấy bác hàng xóm. Nhưng mà sức yếu quá, cứ làm được một bữa lại nghỉ mất ba bữa, công trình thì thay đổi hết nhà này tìm nhà khác. Xe cộ đi lại chẳng có, thành ra An đi làm cố lắm cũng chỉ đủ mình ăn ngày hai bữa, và hiếm hoi lắm mới có dư chút đỉnh gửi gia đình.
Giật mình thay, thanh niên mà không có việc thì dễ sinh hư người. Nhóm thiện nguyện hiểu điều đó hơn ai hết, những gương tày liếp về những con người chỉ vì cái nghèo, cái đói không có công ăn việc làm ổn định mà sinh hư, sa đà vào tệ nạn thì khổ hơn cái chết.
Vậy thì tìm công việc cho An là ưu tiên lớn nhất của đoàn thiện nguyện, thật may là một người thân của một thiện nguyện viên đã liên hệ với nhóm và cho biết đang có một công việc cần người làm là phụ bán đồ chơi trẻ em, công việc này không tốn quá nhiều sức, cách nhà anh Tuấn chỉ 10 cây số và có lẽ sẽ phù hợp với An. Nghe tin có việc làm, An vui mừng khôn xiết, em ôm chúng tôi chặt lắm, tưởng con trai không biết khóc là lầm nhé! Trên khóe mắt chàng trai 20 có chút gì đó rưng rưng. Thiện nguyện chúc em sớm nhận được việc và hẹn có dịp sẽ ghé thăm ngay.
Tuần sau, tìm đến nhà em để trò chuyện và hỏi thăm về công việc của An. An kể, công việc em làm rất tốt nhưng lời nói của em có đôi chút ngập ngừng. Chúng tôi gặn hỏi, em mới thật thà kể lại nỗi băn khoăn của mình.
Ấy là chuyện đi lại đến chỗ làm khá vất vả. Nguyên tuần nay đi làm là cứ sáng ra em đón xe buýt đến nơi. Nhưng khi đến tối, chẳng còn chuyến xe bus nào thì em phải đi xe ôm về đến bến nơi ba em đang chạy xe ở đó, rồi hai cha con lại đèo nhau về. Tiền xe ôm chắc cũng lậm vào tiền lương nhiều rồi. Em rụt rè, xin thiện nguyện tìm cách giúp em có một phương tiện di chuyển để đi làm đỡ vất vả trở ngại.
Nỗi băn khoăn của đeo nặng trĩu những người trong đoàn trên đường về. Lời nói của An làm những người thiện nguyện suy nghĩ hồi lâu. Sức người mỏng dòn, kiếm làm sao ra được một chiếc xe để tặng em như phương tiện đi làm thật là một câu hỏi khó khăn.
]Những lời cầu nguyện của cũng đã được Chúa đoái thương đến, thật là một phép màu! Những ân nhân biết nỗi băn khoăn của đã gom góp người một chút, thêm sự hy sinh dè sẻn của thiện nguyện viên, cuối cùng cũng mua được cho em một con xe máy ngon lành cành đào, dù là hơi cũ kỹ một chút.
Hôm nay chúng tôi đã mang chiếc xe đến trao tận tay An. Nhìn thấy con mình mân mê con xe dù có đôi chỗ sờn xước theo màu thời gian với tấm lòng đầy trân quý, anh Tuấn – chị Tình không khỏi cảm động. Chiếc xe dù cũ kỹ, dù giá trị của nó không thể so sánh với nhiều chiếc xe đời mới hôm nay với giá trị có thể bằng cả đời người tích góp, nhưng nó là thành quả của những người thiện nguyện, là tấm lòng của những ân nhân tốt lành.
Những bước chân thiện nguyện lại ra đi với muôn phần nặng trĩu, nhưng đã không còn những nặng trĩu của ưu tư và lo lắng, chỉ còn lại nặng trĩu những ân tình nơi ánh mắt của gia đình anh Tuấn – chị Tình, là khuôn mặt rạng rỡ của An khi từ nay công việc của em sẽ được tiếp sức bởi những vòng quay từ chiếc xe có được do sự đồng lòng chung tay của cả cộng đoàn LCTX. Thật kỳ diệu!