Hoàn cảnh

Những mảnh đời phong cùi nơi cù lao đơn độc giữa Trà Vinh

Mái Ấm Giữa đời: Nên chăng có các đoàn thể thiện nguyện đến những vùng này để lo lắng không chỉ là những phần quà cứu trợ mà còn tìm thêm những giải pháp y tế như: mời các đoàn bác sĩ khám miễn phí, phát thuốc miễn phí, dọn vệ sinh khu vực sinh sống cũng như dựng lại cho những hoàn cảnh khó khăn này một nơi ở tươm tất hơn. Bài viết như những lời rút gan rút ruột của một nữ tu nơi dòng Caritas Vĩnh Long.

Trà Vinh, một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tiếp giáp biển Đông thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Đăc trưng, Trà Vinh có rất nhiều ngôi chùa cổ mang đậm lối kiến trúc Khơmer với những cây dầu cao vút quanh năm tỏa bóng mát. Đây cũng là tỉnh có nhiều người Khơmer sinh sống ở miền Tây. Đa số họ đều nghèo! Người ta biết được Trà Vinh là như thế. Nhưng có mấy ai biết được Trà Vinh còn là nơi cưu mang nhiều, rất nhiều những mảnh đời bất hạnh khác.

Vâng! Thật vậy, ở những vùng sâu vùng xa, tận hang cùng ngõ cụt của vùng đất Trà Vinh đến nay vẫn còn có nhiều con người mang chứng bệnh phong cùi mà ai cũng khiếp sợ. 

Đến xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long, theo lối mòn của những bờ ruộng, băng qua những cánh đồng lúa của vùng đất nhiễm mặn hơn 6 tháng/năm, ruộng đất chỉ để phơi nắng sau mùa vụ. Muốn vào thăm hộ bệnh nhân nầy phải đi qua những cây cầu tre lắc lẻo bắc ngang kênh rạch và còn đi vào sâu hơn nữa. 

Dọc theo hàng cây trâm bầu giữa cánh đồng im vắng ban trưa, xa xa có vài nấm mộ chắc không còn người thân nên cỏ xanh đã phủ kín … có một mái chòi lá ọp ẹp, vách phên trống trải. Đây chính là nơi che mưa che nắng quanh năm suốt tháng của bà Sinh.

Bà Sinh năm nay tuổi gần 70. Đôi tay cứng rắn khỏe mạnh của bà ngày nào nay đã bị vi trùng cùi đục khoét, làm rụng đi dần cả mười ngón. Dường như bà đã cam phận. Mỗi lần chúng con đến thăm, nhìn đôi bàn tay bà, trong lòng không khỏi bùi ngùi và không thể nào ngăn được dòng nước mắt. Bệnh phong đã gặm nhấm cuộc đời bà gần 40 năm qua. Ngày ngày bà phải tận dụng đôi tay bị biến dạng nầy để tự lo cho mình.

Do mặc cảm của cơn bệnh quái ác nên mấy chục năm qua bà chưa một lần bước chân sang chơi với lối xóm. Không dám ngẩng đầu nhìn mặt ai, xa dần làng quê, chợ búa. Bà chưa hề biết cuộc đời bên ngoài đã thay đổi thế nào. Bà chấp nhận căn bệnh của mình, ngày ngày chỉ quanh quẩn bên mái chòi lá rách nát với người chồng mù lòa và đứa con tâm thần. Trong mái chòi lá chỉ có duy nhất một chiếc giường tre nhỏ dành cho cậu con trai, phần nền nhà còn lại là nơi ngủ nghỉ của bà Sinh. Chiếc võng phía sau nhà là chỗ nghỉ ngơi quanh năm suốt tháng của ông cụ.

Cách đây chưa được năm, một cơn bạo bệnh đã cướp đi người chồng. Gần đây hơn tháng, người con tâm thần cũng qua đời để lại cho bà một nỗi trống vắng, cô đơn vô tận. Nay bà Sinh đơn côi chỉ sống dựa vào sự giúp đỡ của các ân nhân. Dù cho dòng đời hôm nay có biến chuyển, kiến thức khoa học đã được thông truyền rộng rãi cho mọi tầng lớp, nhưng những con người bất hạnh nầy vẫn chưa thật sự được hòa nhập vào cuộc sống đời thường, dường như họ đã bị gạt ra bên ngoài xã hội. Họ vẫn luôn bị mặc cảm. Chính Ông, Bà, Cô Bác và Qúi Ân Nhân xa gần trong đó có Hội Bạn Người Cùi là những người đem lại niềm vui, sự hy vọng cho họ. Qua ông Bà Cô Bác và Qúi Ân Nhân, những con người bất hạnh nầy họ biết họ còn được yêu thương, nâng đỡ, cảm thông và chia sẻ với nỗi khốn khổ họ đang gánh chịu.

Không phải chỉ có gia đình bà Sinh đáng thương mà thôi, nhưng còn nhiều, còn nữa. Dọc dài ba tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh là nơi các Chi Em Mến Thánh Giá Cái Mơn đang phục vụ công tác Tông Đồ, còn hơn 500 bệnh nhân phong cùi chưa được chăm sóc. Con số không nhỏ. Ở vùng sâu, vùng xa nơi đồng ruộng, hẻo lánh là nơi họ cam phận và chờ mong được đón nhận tình thương!

GIÁO PHẬN VĨNH LONG

Có thể bạn quan tâm