Những niềm trăn trở không bao giờ nguôi
Tết đến xuân về, không chỉ là tận hưởng những niềm vui thường thấy của ngày lễ hội. Đâu đó nơi những góc xóm nghèo, phảng phất hương vị buồn của những mảnh người, phận đời quanh năm lam lũ với miếng cơm manh áo, chẳng còn nhớ, chẳng còn dám nghĩ đến việc sắm sửa Tết nhất cho tươm tất.
Quà Tết Cho Người Xa Quê
Mối lương duyên chúng tôi gặp chị cũng thật bất ngờ, khi mà thiện nguyện viên gặp chị Phụng đang bán vé số trong một quán café nhẹ xinh xinh ở giữa lòng Sài Gòn, và ngay khi nghe chất giọng Quảng Ngãi khàn khàn, lại có đôi chút ngập ngừng của chị khi kể về mình. Lòng thương xót thúc đẩy, thiện nguyện viên biết rằng mình sẽ phải làm gì đó, để góp một niềm vui nhỏ cho người đàn bà này, cho những người lao động xa quê. Họ không dám và cũng không thể nghĩ nhiều về Tết, dù hơi thở của nàng Xuân đến gần lắm rồi!
Níu chị lại hỏi vội về hoàn cảnh, được biết chị Phụng bán vé số, hiện ở trọ trong trong một xóm nghèo thuộc ấp 4 – xã Đông Thạnh – Hóc Môn. Cùng tá túc với chị còn có 3 người đồng hương khác cũng sáng tối mưu sinh đủ nghề. Vậy là 4 người trong một căn nhà trọ. Tất cả đều cùng quê ở xã Nghĩa Thư – Tư Nghĩa – Quảng Ngãi. Chỉ biết là vậy, chúng tôi dặn chị đợi khi đến ngày giáp Tết cúng Ông Táo, sẽ có những món quà thật bất ngờ cho cụm gia đình của các chị.
Chia tay chị Phụng, về nhà là nhiều câu hỏi đặt ra với thiện nguyện viên lắm. Đồng bào xa quê ước ao điều gì ? Lòng Chúa thương xót muốn thành viên Mái Ấm Giữa Đời làm gì cho họ đây? Thôi thì sắm sửa cho họ một cái Tết đơn giản, tươm tất, đúng ý nghĩa truyền thống dân tộc, cho vơi đi nỗi buồn kẻ mưu sinh xa xứ.
Người linh mục lãng tử sau khi nghe thiện nguyện viên trình bày về những hoàn cảnh này, ông cũng suy tư. Không chỉ là những hình thức hào nhoáng bên ngoài, những mầu mè xanh đỏ rồi cũng trôi qua nhạt nhẽo, cái ông muốn phải là những phần quà Tết nêu bật được ý nghĩa và đơn giản, đúng với nhu cầu thực sự của những người cần đến nó.
Và quan trọng nhất là những món quà trao tay đến người nghèo phải thật chất lượng, chứ không hẳn là những thùng hàng hóa to cộ nhưng bên trong lại là những món hàng kém chất lượng như vụ việc gần 6000 gói bột ngọt giả đem cho công nhân như trên báo lùm xùm đã mấy ngày qua.
Vậy nên thành viên Mái Ấm Giữa Đời đã tìm đến siêu thị có uy tín của thành phố để chọn hàng hóa làm quà. Chúng tôi quan tâm nhiều đến tính ý nghĩa, và trong những ngày Tết còn gì ý nghĩa hơn với mỗi gia đình là nồi thịt kho trứng ngon lành, mâm ngũ quả đầy đặn dâng lên tổ tiên. Quả thật là một ý tưởng dễ thương, nhờ ơn Chúa soi sáng. Sau nửa buổi ngược xuôi, chúng tôi cũng đã sắm sửa đầy đủ quà cần thiết cho đại gia đình của chị Phụng. Chỉ đợi lên đường mà thôi.
Chút Quà Cho Xuân Đầm ấm
Thiện nguyện viên lên đường và chợt nghĩ : Quả thực trong xã hội này, khi mà con người ta vẫn đang đắm chìm trong những thú vui tầm thường nơi thế tục, người giàu đến mấy vẫn ki bo, tranh giành chém giết nhau vì những đồng tiền nhơ nhuốc, thì con cái của lòng Chúa thương xót phải chịu khó ra đi, chịu khó ngẫm nghĩ về cuộc đời, và tìm cách thực hành lòng thương xót trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường, với đủ mọi loại người. Có đi, có trải nghiệm, mới thấy bản thân mình nếu không biết chia sẻ cho người nghèo, người khổ, mà chỉ biết ki cóp cho bản thân, thì lòng Chúa thương xót chưa thể chạm đến tâm hồn được đâu!
Lại nghĩ ngợi thẩn thơ rằng, có những người giàu quần áo hàng hiệu, bạc vàng là lượt, đi đường chỉ va quệt chút xíu vào người nghèo, người khổ đã vội gắt gỏng vì sợ áo mình bị vấy bẩn! Những con người “chảnh chọe” đó nên một lần đồng hành công tác bác ái với thiện nguyện, để biết rằng trong cuộc đời có những đứa trẻ còn chẳng có nổi manh áo lành lặn đón tết, chưa nói đến hàng hiệu, quần là áo lượt, để họ thấy những gì họ đang có là ơn Chúa ban cho cần phải chia sẻ với tha nhân.
Chiều chủ nhật ngày giáp Tết, chuông nhà thờ kêu rền vang khi thiện nguyện viên tìm đến nhà trọ của chị Phụng. Vừa đến cổng nhà thờ thì người đàn bà có mái tóc bạc, dáng nhỏ thó và bước chân lanh lẹ như chú chim chích đã đợi sẵn từ khi nào. Đi cùng chị là một đứa nhỏ chừng 11 tuổi, nhìn cũng rất lanh lẹ. Sao lúc đầu không nghe chị nói gì là nhà có trẻ nhỏ hết? Người đàn bà đạo Phật nghèo khó ấy lại hẹn gặp chúng tôi nơi cổng giáo đường !
Từ cổng nhà thờ vào được đến nhà chị là một chặng đường dài với nhiều ngã rẽ, nhiều khúc quanh, đường cứ nhỏ dần, nhỏ dần…cho đến khi chỉ nhìn thấy đất trống, có căn nhà cuối dãy trơ trọi. Thì ra căn nhà chị ở trọ nằm cuối tít tắp con hẻm. Hết nhà là cũng…hết khu dân cư đó luôn!
Thằng bé được thiện nguyện viên chở đi đã đến đó trước tự bao giờ, nó tự hào khoe: “Em chỉ cô này đi đường tắt, thành ra anh và cô kia đi trước em, mà cuối cùng lại đến đây sau cùng!”
Căn nhà nhỏ tối hù hù, xiêu vẹo, đổ nát. Không có ai khác ở nhà.
Chị Phụng cho biết những người khác còn mải mê với ngày lao động kiếm sống, tối mịt mới về. Hôm nay riêng chị nghỉ bán một buổi chiều để đón chúng tôi.
Thiện nguyện viên khiêng hàng hóa vào, bày biện sắm sửa bàn thờ, và xếp quà tặng, là trái cây làm mâm ngũ quả, bánh, kẹo, mứt, thịt tươi, trứng, nước ngọt… gọn gàng nơi góc nhà. Tiếng cười nói rộn ràng và những lời chia sẻ làm không khí ấm áp hơn.
Căn nhà tối tăm ấy sáng hơn một chút, khi có màu đỏ tươi rực rỡ của những hàng hóa dành cho ngày Tết. Thiện nguyện viên nhìn nhau cười mỉm, nghĩ rằng niềm vui đã trọn vẹn, những gia đình này đã có một cái Tết dù không quá dư giả như những nhà đại gia, nhưng cũng không còn cảnh đêm 30, sáng Mồng Một, nhà đìu hiu khói lạnh.
Thằng bé vẫn lanh lẹ giúp đỡ thiện nguyện viên xếp quà. Ban đầu chúng tôi tưởng bé là con của chị Phụng, nhưng gần lúc ra về, nghe được câu chuyện thì mới vỡ lẽ ra những nỗi niềm, mà khi biết, lòng chúng tôi lại chùng xuống.
Vẫn Còn Những Niềm Trăn Trở
“Mẹ nó chết rồi! Chết rồi cô ạ! Thương lắm nên tôi đem về nuôi, xem như con vậy” Chị Phụng nói với chúng tôi khi thằng bé líu ríu sau lưng.
Bày những gói thèo lèo cúng táo quân, chị Phụng thủ thỉ kể cho chúng tôi hay: bố mẹ cháu bé mướn nhà này sinh sống, dè đâu người vợ bỗng đột quị mất hồi tháng sáu vừa qua. Mấy chị em cùng làng quyết định kéo tới ở chung cho anh đỡ tốn tiền nhà, giúp anh khói nhang người vợ, và cùng nhau chăm thằng bé. Toàn người làng xã, họ xa, họ gần, nên cũng thương và cùng nhau đùm bọc.
- “Thằng bé còn đi học không chị?”
- “Nó đang học lớp 4. Mẹ nó mất thì nó cũng nghỉ ngang… Cũng gần 1 năm rồi. À bố nó về kia kìa!”
Người đàn ông vóc dáng cao lớn, mái tóc bạc và gương mặt khắc khổ, lầm lũi đi vào, rồi lại lầm lũi đi ra như đang bận công việc gì đó. Chúng tôi níu anh lại và xin phép anh trò chuyện một chút về vấn đề học hành của thằng bé.
- “Mẹ nó mất hồi tháng 6 năm rồi… Nó nghỉ ngang từ lúc ấy. Giờ thì nó cũng bán vé số phụ kiếm thêm với tôi”.
Thiện nguyện viên ngỏ ý đề nghị anh tìm phương cách giúp cháu đi học, dù là học bổ túc để khỏi tốn tiền.
Người đàn ông ngập ngừng khi nói về trời tối, rồi tìm trường khó khăn, rồi mất một buổi bán vé số ban tối… Chúng tôi nói anh an tâm, cố gắng chuẩn bị học bạ, giấy khai sinh, thành viên Mái Ấm Giữa Đời sẽ lo giúp phần còn lại cho cháu được đến trường.
- “Lúc nó đi học tôi cũng sắm sửa sách vở cho nó không thiếu thứ gì mà… tại mẹ nó mất, nó buồn, gia cảnh khó khăn rồi học hành cũng lỡ dở”.
Hỏi em có muốn đi học không – Sau phút giây ngập ngừng, rồi em cũng hào hứng nói: “Con muốn đi học lại lắm!”
Nhìn manh áo rách tả tơi, đen đúa thằng bé đang mặc, thiện nguyện viên thêm ngay một món quà đột xuất. Sau khi bỏ nhỏ tai nhau góp những đồng tiền dằn túi dành để đổ xăng, được một món tiền nhỏ và trao tận tay bố em, “đề nghị” dễ thương rằng phải nhanh nhanh sắm cho em một bộ quần áo mới thật đẹp đón Tết ngay tắp lự!
Vậy là ai cũng vui. Ai cũng có quà. Chia tay chị Phụng, chia tay 2 bố con bé Hiệp, thiện nguyện viên ra về mà lòng thoáng gợn buồn. Vậy là với em, đây là lần đầu tiên em đón Tết mà không có hơi ấm bàn tay dịu dàng của mẹ, dù bố em đã ráng bù đắp cho em rất nhiều. Thằng bé có vài món món đồ chơi khá “độc lạ” do bố nó sắm cho, nhưng đó vẫn không thể bù đắp vết hổng khuyết trong tâm hồn mất mẹ của con gà con xơ xác ấy. Mắt em vẫn sáng trong của tuổi mười một, nhưng ẩn sau đó là niềm u tối nao lòng. Trò chuyện với em, thiện nguyện viên thấy em ăn nói rất lanh lợi, nhưng là cái lanh lợi, cánh ranh mãnh của một người lớn, của ngôn ngữ phố phường chứ không còn là cái ngây thơ của trẻ nhỏ. Thật đáng lo!
Chúng tôi chạnh lòng! Tự nhiên một đứa trẻ mất mẹ, bị đẩy ra đời mưu sinh, tự nó sẽ tiêm nhiễm những gì gọi là trần tục của thế giới người lớn tăm tối. Tâm hồn em như tờ giấy trắng sắp có nguy cơ bị nhuộm bất cứ lúc nào nếu không được sớm trở lại trường học. Chúng tôi nghĩ đến tương lai, chỉ hai ba năm nữa, có lẽ tâm hồn em sẽ già dặn đến mức không thể nhận ra được nữa.
Vậy đó, ngày ngày những thành viên Mái Ấm Giữa Đời âm thầm dấn thân vào đời thực hành lòng thương xót, đến với những mảnh đời thiệt thòi nghèo khó. Làm mãi làm hoài mà không xuể, vì cuộc sống lại có những câu chuyện khác, khó khăn hơn, day dứt hơn, đòi hỏi những thiện nguyện viên luôn phải trăn trở, như một cơn đau không bao giờ dứt, khi nghĩ về những nỗi thống khổ nơi thế gian.