Hoàn cảnh

Những phận rau răm chua xót

Chúng tôi chia tay nhau ở rìa con đường vắng của một khu xóm Gò Vấp, mà ai cũng thấy xao lòng, bởi chuyến đi trong đêm cuối năm này sao nặng quá, nặng thương, nặng buồn, nặng xót xa cho những thân phận rau răm đau khổ trong bùn lầy nước đọng.

Ầu... Ơ...

Gió đưa cây cải...Về trời... 

Ầu ơ...Rau răm ở lại...

Rau răm ở lại...Chịu đời...Đắng cay... 

Làm sao không nghẹn ngào, khi mà trong đêm cuối năm chúng tôi thấy bà cụ còng rạp lưng lom khom chui ra từ đáy cái bồn nước to khổng lồ trong khoảng sân trước căn nhà tối với cái bô cũng rất to, bà cứ lắp bắp : “Các bác thông cảm, đợi em xả nước kẻo khai, khổ quá cơ Lan nhà em lớp rày sảng rồi em phải đổ bô cho nó…”

Lọm cọm bò xuống bậc thang gỗ bọc vải, tụt xuống cái nền nhà cũ thấp hơn mặt đường, bà cứ ríu lưỡi: “Lan, Lan, các bác các chị tới này”, và một bà cụ khác lại còng rạp lưng bò ra, mắt ngán ngơ không nói gì cả. 

Và khi chúng tôi viết và đưa lại hình ảnh hai cụ này chắc bạn đọc hay xem chuyên mục Chứng nhân giữa đời thường của một số tạp chí Công giáo, cũng như bạn đọc yêu chuyên mục người tốt việc tốt cũng không quá ngạc nhiên, bởi chúng ta gặp lại nhân vật trong năm qua dành được mến yêu, thương cảm của nhiều người, dù câu chuyện rất buồn và xa xót. 

Chuyện tóm tắt về một căn nhà không có đàn ông nơi giáo xứ Hoàng Mai, có hai bà cụ còng rạp lưng là hai chị em cụ Lan và cụ Sen, ở cùng cô con dâu quá đỗi ngoan hiền, là chị Phương, người đã bỏ lỡ tuổi xuân thời ở giá nuôi hai người đàn bà xét cặn kẽ thì không là ruột thịt. 

Chị Phương, cụ Sen, cụ Lan

Chị Phương về làm dâu bà Lan chẳng bao lâu thì chồng chết, nhà còn lại chị hai cụ già là mẹ chồng và chị của mẹ chồng, rồi lúc đó cũng có người bác chồng cũng độc thân, người cháu mất, ông bác buồn cũng về thiên đường, thế là nhà còn lại ba người đàn bà cùng cô chiếc. 

Bà cụ Sen thì xinh đẹp, xong ở giá thờ Đức Mẹ đồng trinh. Bà mẹ chồng góa chồng từ lúc đầu xanh, con chết bà cụ lăn ra bệnh mấy cơn và thế là thành ra lẩn thẩn. 

Cô dâu cứ đẹp cứ ngời ngời, đã có người đánh tiếng xin hỏi cưới lúc xinh xắn xuân thời, nhưng bà cụ Sen cứ réo rắt véo von : “Cháu dâu tôi tân tòng nhưng đẹp nết đẹp người, nó là người nhà chúng tôi rồi, nó không có lấy chồng, xin đừng bước thêm mà tội.” 

Chính là tội cho hai bà cụ còng rạp mà chị nguyện ở vậy luôn, bởi vì đi bước nữa thì hai cụ ở với ai, bàn thờ hương khói ai lo, thôi ở quen tính quen nết rồi, và mới đó mà đã hai mươi năm trời người phụ nữ trẻ đẹp tóc đã điểm sương. Chúng tôi đến chị chưa về, cụ Sen bảo : “Nó đi làm thêm lau nhà cho người ta, lấy tiền đó trang trải tiền nhà, tết đến nơi, chủ nhà muốn lấy lại nhà để sửa sang rồi, lo quá…”

Vâng hóa ra ngôi nhà không có đàn ông ấy cũng là nhà mướn mà thôi, người con dâu thảo hiền ráng cố làm thêm, níu kéo người chủ để mẹ và dì có một nơi ở khả dĩ là tạm ổn. 

Nếu chú ý, bạn sẽ rất nghẹn ngào, cái bậc cửa để bò ra ngoài, chị đã cẩn thận bọc một miếng vải dầy để người dì có thể bò ra ngoài mà không bị đau, từ nhà xuống bếp thì xa, chị dặn dì, nếu cần thì cứ sử dụng đỡ cái sàn nước cửa nhà, tiện hơn, rồi tối khuya về, chị sẽ tranh thủ dọn… 

Ôi một rau răm cay đắng mà thảo hiếu dường bao, cái bậc cửa bọc vải trước cửa nhà của chị phương có sức thuyết phục tình nguyện với chúng tôi gấp rất nhiều lần những lời một người quen biết trước đó từng ngợi ca về chị. 

Cô đơn với bốn vách tường hẹp 

Một nơi khác tình nguyện viên ghé trong đêm cuối năm này là nhà cụ Chí phường 13 Gò Vấp, đây là địa điểm được quan tâm nhiều trong năm qua, một bà cụ già, độc thân, sợ nỗi cô đơn bà cụ cứ đi lang thang cho qua ngày, người bạn già sát vách là bác Quý có chia sẻ trường hợp này với tình nguyện viên và kể từ đầy bà cụ bớt hiu hắt...

Hôm nay quay lại thăm cụ, bà cụ cũng đã có dấu hiệu mất trí nhớ của căn bệnh tuổi già, bà cứ giữ khư khư tờ đơn ai đó viết dùm có đóng mộc của địa phương, hi vọng tìm tới một tổ chức nào đó mong họ giúp...

Khi chúng tôi đến, cùng ngồi với bà, nhắc lại kỷ niệm của một năm qua, cụ cứ ngác ngơ: 

- À thế à, hóa ra những người ra vô tìm bà là các cháu đó à. À, thế à lại có ông linh mục tít xa mà lại biết bà ở cái xó này ư... Ôi bây giờ có tiếng người sao mà vui, tí nữa các cháu đi rồi, bà chỉ còn biết ngó bốn bức tường thôi... Buồn quá. 

Được biết, chính quyền địa phương những ngày cuối năm này cũng rất quan tâm, sửa lại cho cụ cái nóc nhà, sơn lại bức tường và giải quyết cho cụ một suất trợ cấp tháng, nên cũng đỡ. 

Chú Quý, người hàng xóm tốt bụng rất vui khi thấy tình nguyện viên tới thăm, theo chú vật chất giúp đỡ rất là cần, song đáng quí là có người đến quan tâm như thế thì cụ Chí vui, và vui thì cụ bớt đi lang thang, tuổi già rồi, đi thế lỡ xảy ra điều không may thì đến khổ...

Khi thiện nguyện viên chuẩn bị chia tay, nước mắt cụ Chí ứa ra: các cháu đi ngay ư, còn sớm mà, trời đã tối đâu... Dù ngoài đường các dây đèn còn sót lại của giáng sinh đã bật lên, cụ vẫn một hai bảo là trời chưa tối. 

Đã có một thiện nguyên viên ra về mà không có áo lạnh khoác đêm cuối năm, chị đã cố tình để quên áo khoác nhà cụ Chí. Sau này ngồi lại với nhau bàn về công tác tình nguyện, chị cho hay : bà cụ Chí đã tranh thủ lúc không ai để ý thì thầm vào tai của chị ấy rằng : cháu sao giống con gái của bà quá đi, bà nhớ là bà từng sinh một đứa con gái... 

Cuộc sống của một người phụ nữ khôn chồng và chỉ có con nuôi, bà cụ vẫn khát khao và hoang tưởng ra một lần sinh nở... Nghĩ mà thương, mong đêm nay cụ Chí khoác tấm áo của con gái Lòng Chúa xót thương và thỏa mãn sự hoang đường của tuổi già lẫn thẩn ràng mình từng làm mẹ... Ôi ôi rau răm cằn cỗi và cô đơn, đêm đêm chỉ biết làm bạn với bốn bức tường trong ô nhà được một người quen cho ở tạm... 

Và lại trong một ô nhà khác chừng tám mét vuông, tài sản có giá trị nhất là chiếc giường tầng, đêm cuối năm chúng tôi lại biết một rau răm chật vật bởi cơ hàn mưu sinh, lúc chúng tôi đến chị đang lên cơn sốt. 

Chị Trần Thị Kim Huệ ở khu phố 11 phường mười sáu, người đàn bà đi làm thuê cho các gia đình nhưng chỉ ước ao ba dứa con được học. Chị lấy chồng và gia cảnh nhà chồng rất khó khăn, ba thế hệ ở hug ctrong căn nhà nhỏ của người bà nội, bà cụ hơn chín chục tuổi cũng chỉ dám dành cho mình một cái chõng trong góc bếp, con thì dành chỗ ở cho các cháu các con, gia đình chị Huệ năm người được ưu ái được khoanh một ô chòi chừng tám mét. Ba đứa con chia nhau cái giường tầng, khách tới nhà chỉ có còn cách chen vai nhau đứng.

Không ai biết rằng người phụ nữ quả cảm này đang bị mắc nhiều căn bệnh ngặt nghèo: bệnh suyễn (hen suyễn), bệnh tim mạch, rối loạn não, u bướu...

Người chồng chị đi làm phụ hồ và đành chọn giải pháp ở lại công trình, lâu lâu đảo về dúi cho vợ món tiền mọn. 

Trong cái chặt chội khốn quẫn, chị Huệ nuôi duy nhất một giấc mơ con cái được học hành, cháu lớn của chị đã trúng tuyển và trở thành sinh viên cao đẳng Hải quan, hai cháu nhỏ học lớp năm, lớp chín. 

Chị Huệ luôn dạy con nhớ hai điều : giữ gìn gia giáo gia đình yêu kính bà nội và các thành viên khác ở chung. Giữ gìn nề nếp kinh kệ của con nhà có đạo, không thấy cái nghèo cái hạn hẹp làm cơn cớ bi quan, và điều thứ hai là phải học.

Nhận quà của thiện nguyện viên chị mừng, vui nước mắt hai hàng, chị nói : hoàn cảnh quá khó khăn đôi khi chị cũng thấy đuối, thấy nản như kẻ bơi ngược dòng, song cứ lúc tưởng gục ngã thì chị lại nhận được sự quan tâm và yêu thương của cộng đoàn lòng Chúa xót thương, tưởng nước lã người dưng, mà còn xót còn thương chị, thì chị sẽ ráng cố, dù nhọc nhằn, để thương để lo cho các con, mong chúng có một tương lai tốt đẹp... 

Thường dịp cuối năm sau những công việc hoạt động miệt mài, thiện nguyện viên chúng tôi sẽ ngồi lại tổng kết những thu hái trong chặng đường công tác, sau khi nghe kết quả đợt công tác thăm những hoàn cảnh neo ngặt này, vị mục tử đã chỉ cho chúng tôi thấy bài học quý báu : nghèo khó, hoạn nạn, và nghịch cảnh là một phần tồn tại của đời sống hôm nay, song từ trong nghịch cảnh đấy con người luôn tồn tại một khả năng chịu đựng, thậm chí là vươn tới. Phải khai thác khơi dậy và khuyến khích khả năng đó bật lên, người tình nguyện không phải là chỉ đi khuân vác tiếp tế vật chất đơn thuần, mà phải dùng mọi khả năng, thời gian, tấm lòng khơi mở phẩm giá nơi những phận đời khốn khổ. 

Hãy thấm, hãy cảm, và rồi các con sẽ nhận ra cái trị giá của xót thương, xót thương như một sự thương hại thì sẽ rất bình thường, nhưng xót thương nhau khi các con cảm nhận từ lòng thương xót Chúa dành và ban cho các con bao ân huệ lớn lao, thì các con sẽ nhận ra trong ái xót thương nhau sự ấm áp, sự đồng cảm, và kể cả chiều kích tích cực là tác động vào chính tâm hồn các con cái khao khát được sống tốt.

TRUYỀN THÔNG MÁI ẤM GIỮA ĐỜI

Có thể bạn quan tâm