Thầy cô, phụ huynh cùng vào bếp
Chứng kiến một số học sinh ăn mì, khoai, thậm chí nhịn cơm đến mức ngất xỉu, thầy cô giáo Trường tiểu học 2 xã Thới Quản (H.Gò Quao, Kiên Giang) cùng ban phụ huynh mở bếp ăn từ thiện.
Bữa cơm trưa nghĩa tình của các em học sinh Trường tiểu học 2 xã Thới Quản - Ảnh: Diệu Ngọc |
Trường tiểu học 2 xã Thới Quản thuộc vùng sâu của huyện Gò Quao. Trường hiện có năm điểm, gồm một điểm chính và bốn điểm lẻ.
Điểm lẻ gần nhất cách điểm chính 5km, điểm xa nhất cách 8km. Nơi đây đi lại rất khó khăn vì sông ngòi chằng chịt. Đa số học sinh của trường đến trường bằng đò, đi bộ hoặc phải lội tắt đồng.
Tôi nhiều lần thắt lòng khi chứng kiến học sinh của mình phải ăn mì, ăn khoai, thậm chí chỉ ngậm vài cái kẹo cho qua cơn đói buổi trưa. Có em không kiếm được nước nóng đành bóc mì gói ăn sống. Xót xa lắm, vì với bữa trưa thiếu thốn như vậy sao đòi hỏi các em học tốt buổi chiều được!” |
Thầy HUỲNH VĂN TÁM (hiệu trưởng nhà trường) |
Để học sinh không thiếu bữa cơm trưa
Năm học 2012-2013, từ khi tham gia Chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP), 165 học sinh khó khăn nhất của trường được hỗ trợ ăn trưa hai buổi/tuần. Nhưng học sinh nơi đây phần lớn gia đình nghèo, nhà xa, ngoài 165 học sinh nói trên còn không ít em cũng rất cần được hỗ trợ ăn trưa để có sức khỏe học tốt buổi chiều.
Ý tưởng thành lập bếp ăn từ thiện tại trường bắt đầu từ đó. Thầy Huỳnh Văn Tám và các giáo viên trong trường nhanh chóng khảo sát rồi bàn bạc với phụ huynh, xin chủ trương từ chính quyền địa phương xây dựng bếp ăn từ thiện tại điểm chính bằng cách vận động xã hội hóa. Bếp tổ chức nấu ăn hai buổi trong tuần, chéo với các buổi nấu ăn do Chương trình SEQAP hỗ trợ.
Thầy Tám nhớ lại: “Vui và bất ngờ nhất là ngay trong buổi họp phụ huynh điểm chính để triển khai kế hoạch, nhà trường đã nhận được 3,5 triệu đồng hỗ trợ của cha mẹ học sinh cùng hai bếp gas đôi, một bình gas, trên 100kg gạo, nước mắm và các vật dụng khác. Một số phụ huynh đưa con đi học hằng ngày đăng ký luôn phục vụ cho nhà bếp”.
Đầu tháng 3-2014, cứ hai buổi trong tuần bếp ăn từ thiện của nhà trường lại đỏ lửa với sự hỗ trợ và đóng góp vô cùng nhiệt tình của mọi người. Đến trung tuần tháng 4-2015 bếp đã vận động hỗ trợ tiền, ngày công và vật chất lên tới trên 100 triệu đồng.
Không có con học cũng ủng hộ gạo
Cho đến thời điểm này, thầy Huỳnh Văn Tám đã tự tin tuyên bố bếp ăn từ thiện của trường không lo thiếu gạo: “Gạo dân ủng hộ nhiều lắm, giờ trong bếp vẫn còn trên 100kg!”. Bản thân thầy cũng đi vận động người dân, bạn bè giúp đỡ.
Và đặc biệt là những người cho gạo hầu hết không có con học tại trường, vì phụ huynh ở đây đa số còn rất khó khăn. Có thể kể đến chị chủ tiệm tạp hóa ở chợ Thới An gần trường, lần nào trường kêu gọi ủng hộ chị cũng đóng góp 50kg gạo, lại còn thường xuyên mang cho bếp rau củ quả. Thầy Lê Thanh Hải là giáo viên trong trường cũng đã 3-4 lần ủng hộ gạo, mỗi lần đều 50kg...
Là một trong những người nhiệt tình nhất đi vận động, kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trần Thanh Hưởng không nhắc đến mình mà luôn xúc động nhớ đến hình ảnh phụ huynh học sinh dù đường xa nhưng khi đưa con đến trường vẫn mang theo bọc rau, ký cá, bịch gạo cho bếp hằng ngày.
“Vui nhất là chương trình văn nghệ trường tổ chức ngày 20-11 năm trước, bếp đã nhận được số tiền ủng hộ lên tới 25 triệu đồng. Bếp ăn đã cải thiện rất nhiều rồi. Chỉ một điều tôi trăn trở là hiện do thiếu bàn ăn nên chín cháu phải cùng ngồi một bàn ăn rất nhỏ. Rất mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng để các cháu có chỗ ăn rộng rãi, thoải mái hơn” - ông Trần Thanh Hưởng bày tỏ.
Ban giám hiệu cũng tham gia dọn cơm! Hôm nào cũng vậy, hơn 4g khi trời còn tờ mờ sáng, anh Danh Dần - bảo vệ Trường tiểu học 2 xã Thới Quản - đã thức dậy để chuẩn bị cắm hai nồi cơm lớn. Anh Dần cho biết: “Nơi đây vùng xa điện yếu lắm. Nếu không cắm cơm sớm, trưa các con sẽ không có cơm chín để ăn. Thường đúng 4g30 sáng tôi bắt đầu vo gạo, nồi lớn nên có hôm mãi 9g sáng cơm mới chín”. Vợ anh Dần cũng tham gia công việc này. Chị chịu trách nhiệm đi chợ mua đồ ăn và thường hoàn thành công việc của mình trước 6g sáng. Phải chuẩn bị từ sớm vì để nấu được bữa cơm cho trên dưới 100 học sinh với đủ món canh rau, món mặn mất khá nhiều thời gian. Vợ chồng anh Dần đảm nhiệm công việc này từ đầu tháng 3-2014 khi bếp ăn từ thiện của trường bắt đầu hoạt động. “Thêm việc vất vả hơn nhưng cứ nhìn học sinh rộn ràng, tíu tít với bữa cơm ngon, cực nhọc nào cũng tan biến” - anh Dần tâm sự. Tham gia nấu ăn còn có nhiều phụ huynh trong trường. Do nhà xa, đường sá đi lại quá khó khăn, nhiều phụ huynh đưa con đi học rồi đợi đến tận chiều để đưa con về. Những phụ huynh này ở luôn tại trường tham gia làm bếp. Anh Dần kể không chỉ có vợ chồng anh và phụ huynh, giáo viên trong trường trống tiết cũng xuống phụ nhặt rau, thái thịt. Thậm chí khi dọn cơm, cả ban giám hiệu nhà trường cũng xuống làm cùng để các em ăn kịp bữa, có thời gian nghỉ ngơi chút buổi trưa trước khi vào học giờ chiều. |