Thiện nguyện viên kể chuyện tình yêu
Lời của Trung: Con tên Nguyễn Công Trung sinh 1993, quê con ở huyện Tân Thuận - Tỉnh Đồng Tháp. Như mọi con nhà nghèo khác nơi xứ quê miền Tây, con lên Sài Gòn, đơn giản là để mưu sinh, chữ nghĩa không nhiều, con xin vào công ty Nam Sài Gòn. Một lần bạn chở con qua Lái Thiêu, vô tình gặp vợ con bây giờ , đứng bán vé số ngang đường, con lập tức cảm thấy yêu, cảm thấy quá thương, con dứt khoát đòi lấy em, dù cho bạn bè ra sức khuyên can. Gia đình hồi đầu cũng bất ngờ, nhưng cũng đồng ý, và thế là vợ con cũng được mặc áo cô dâu như mọi người con gái...
Lời của Thúy An: Con tên Phan Thị Thúy An, con sinh năm 1995. Con ở mãi Kiên Lương - Kiên Giang, nhà con rất nghèo, đông anh em, bản thân con lại thế này...Con không bao giờ tin mình còn có phúc phận như thế...Con chỉ nghĩ, sống được là tốt rồi, có cái bỏ vô miệng hàng ngày là tốt rồi...Cho dù đôi khi ngắm gương mặt mình trong gương, con vẫn ý thức mình là thiếu nữ...Con chỉ dám ngắm gương mặt mỉnh mà thôi... (Thúy An nói câu này trong nước mắt)
Lời thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời: Khi có mặt trong ô nhà trọ tí xíu này chúng tôi không ngạc nhiên vì chúng tôi đã bỏ cả một tháng trời quan sát tìm hiểu về em, một cô gái mà ban đầu chúng tôi chỉ tưởng là một đứa nhỏ chừng mười tuổi. Những đêm trường quan sát em nép mình bên vệ đường nơi cái chợ xí nghiệp ở khu công nghiệp Quận 12, lê đôi chân không bao giờ đi dép trên mặt đường nhựa. Có những gã say xỉn đi xe vút qua nhìn mái tóc thề còn ngoái lại, nhưng ánh mắt chạm đôi nạng, đôi chân khòng khèo, một bên tay cũng hỏng, chúng lắc đầu và bỏ đi...Chúng tôi rất lo lắng và xếp em vào nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại trên đường phố, song khi chạm mặt và tiếp cận, chúng tôi thảng thốt khi em bảo rằng : Không, con không là trẻ thơ, con là một người phụ nữ và là một người mẹ.
Em cũng không biết rằng chúng tôi đã lo lắng dường bao khi đêm khuya, có một thanh niên tới đón em trên cái xe cà khổ, cậu ta trẻ, ánh mắt đẹp và diệu vợi đa tình. Vâng sao không lo, biết đâu em là một nạn nhân của một đường dây chăn dắt những con người tàn tật khổ đau...Chúng tôi bám theo, tìm hiểu. Tạ ơn Chúa, một bản tình ca đã được khai mở ngay giữa lòng Sài Gòn phù hoa, một lương duyên của Thiên Chúa tình yêu, một minh chứng cho cổ tích thời @ là có thật.
1 - CHỈ VÌ ĐÓ LÀ YÊU LÀ XÓT THƯƠNG, LÀ THẤY KHÔNG THỂ KHÁC:
“Từ Kiên Giang về ngang Đồng Tháp.
Anh bồng em lưu lạc Sài Gòn”
Cũng lạ, chỉ còn duy nhất cơ vai là bình thường, Thúy An di chuyển bằng cách kẹp hai nạng gỗ và biến nó thành chân. Hai cái chân hỏng không bao giờ di dép rê trên mặt đường vô hình lại thành cái trụ đỡ không cảm giác cho hai cây nạng.
Tàn tật thì đi bán vé số, đi bán tăm. Em cũng không nhớ nổi tuổi thơ của mình nó đã dài, đã đau đớn ra sao, tốt nhất là không nhớ để khỏi hãi hùng. Chỉ biết em đã lên được tới Lái Thiêu, ven đô Sài Gòn, hằng ngày nhờ người quen đặt mình ra nơi một cung đường, tự nuôi mình bang những tờ vé số. Nửa bên xương sống liệt dẫn đến nửa người em không cảm giác gì, cái mà em cảm giác nhất thích nhất là nuôi một mái tóc thề thon thả. Vậy thôi.
Mười tám tuổi như một trẻ lên mười quá đổi mỏng manh và xanh xao, đó là Thúy An.
Hai mươi tuổi.
Cái tuổi chưa biết suy nghĩ sâu xa như người ta, Trung đi làm công nhân ở công ty Nam Sài Gòn quận mười một, một ngày chủ nhật, Trung theo bạn về vùng ven Lái Thiêu chơi, chỉ vậy thôi vô tình chạm mặt một con bé có mái tóc thề xanh xao như một trẻ lên mười, chuyến đi hoàn toàn không có gì cuốn hút Trung ngoài cái lá nhỏ xanh xao, xo dụi.
Trung lập tức thấy cô gái đó là của mình, là phải thuộc về mình. Trung kể với thiện nguyện viên : cho đến bây giờ Trung vẫn không thể cắt nghĩa đó là vì sao, chỉ biết rằng Trung sinh ra là để gắn với cái lá xanh sao so dụi đó.
Bạn bè la ó, có đứa chửi Trung bị điên, Trung khùng, kệ, bất chấp tất cả, Trung quay lại Lái thiêu, tìm cái lá xanh xao, tỏ tình cho bằng được .
Thúy An lại càng ngạc nhiên và thảng thốt, làm sao lại như vậy cho được, một anh chàng trẻ măng quê mãi Đồng Tháp mà cô chẳng biết tung tích ngọn ngành, hoàn toàn kẻng trai, hoàn toàn không bị thần kinh, mà một mực làm thân, một mực đòi là nửa thế giới của một cô gái mãi quê Kiên Giang, gần như hỏng toàn thân như em, Thúy An rất hoảng hốt.
Chỉ có thể là Thiên Chúa đấy, thiện nguyện viên gật gù, như xưa ông Ađam bảo là : Nàng xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi, cái nàng eò uột và bé như đứa trẻ lên mười, Chúa sinh ra là để trao vào vòng tay anh chàng Trung, đang như một trẻ ranh bỗng đột ngột trở thành một nam tử hán !
Và có một đám cưới, cô dâu từ Kiên Giang, không thể đứng bình thường, bé tí và gày xanh, được một chú rể như tài tử đón về Đồng Tháp. Trung chẳng ngán cái nghèo, cũng chẳng ngán eo xèo vợ mình chẳng giống ai, em mướn một bộ đồ chú rể trắng tinh khôi, một cái soa -rê phồng rất là Tây để cô vợ bé tí teo có thể xêm xêm như người lớn. Cái soare trắng trùm mọi khuyết thiếu thân thể của Thúy An, Trung bồng vợ ngồi trên ghế và đứng kế bên rạng rỡ như mọi tân lang, tân nương cõi thế gian. Trong đời Thúy An, suốt 18 năm tật nguyền đớn đau, Thúy An hóa cô tiên trong ngày cưới.
Trung nhắc đi nhắc lại : em không chơi ngông, em lúc ấy dù mọi người bảo là trẻ con, bảo bị điên, em vẫn ý thức rõ ràng : em sẽ cố gắng dành mọi sự cho An được hạnh phúc và rạng rỡ !
Em không ngông cuồng đâu Trung ạ, quả là Thiên Chúa của xót thương đã đến ngự trong em, để em làm được sự phi thường mà thế gian lại cho là khùng, là ngu dại.
2 - HUYỀN NHIỆM VÀ GIAN KHÓ:
Một đứa trai hai mươi tuổi và nàng Công chúa ốm o sau ngày cưới bắt đầu ráp lại xây đời ở đất Sài Gòn. Trung muốn vợ nghỉ ngơi còn mình đi làm, bù đắp cho An. Song An cho rằng mình không hề tàn phế và đời sống phố thị là khó khăn, em dứt khoát đòi chồng cho đi làm. Thế là sáng Trung bồng vợ lên xe kèm đôi nạng, em để vợ ở một khu chợ vùng ven, Thúy An sẽ tự xoay xở bán vé số và sẽ đợi chồng tan ca đêm chàng công nhân sẽ đón vợ về mãi ngọai thành, dù cực nhưng sao mà êm ấm.
Song cuộc sống có những khúc quanh rất bất ngờ.
Thúy An đổ ốm, đã xanh xao lại càng xanh xao. Trước đám cưới bạn bè người thân chỉ nghĩ là thôi Trung thích vậy thì tùy Trung, con bé An may phước có người mà dựa...Không ai có thể tin cái thân hình so dụi hỏng cả một hệ thần kinh vận động lại hồi sinh, và kỳ diệu hơn, cái thân xác đấy lại nảy chồi.... Thúy An có thai, quả là kinh ngạc cho tất cả mọi người, quả là thử thách cho cậu thanh niên 20 tuổi là Trung...Vì Thúy An có bầu có nghĩa là đau bệnh triền miên, là bất động, là mọi sinh hoạt lệ thuộc vào Trung mọi sự.
Trung đã tập và dần dần quen bế An trên tay như đứa trẻ, trong ô trọ tồi tàn không tài sản quí giá, từng ngày từng ngày, một mầm sống lớn lên, Và Trời không phụ lòng, Thúy An đã sinh nở vuông tròn, một cô Công chúa nhỏ ra đời trong sự nín thở vì lo lắng của tất cả những ai quen biết các em...Trong ô trọ, có Trung là người lớn thôi, còn An và đứa trẻ sơ sinh đều là..em bé.
“Khó khăn lắm, khi vượt qua lằn ranh sinh tử, mẹ tròn con vuông là chúng em kiệt sức...An xanh xao võ vàng, còn em công việc bấp bênh, xí nghiệp khủng hoảng họ báo cho công nhân nghỉ chờ việc mấy tháng nay”. Trung cho biết như thế.
Còn An, vượt qua nguy tử ngày sanh nở, em quyết định, mà với em là rất khó khăn, gửi con về quê nhờ ngooại nuôi dùm. Em quay trở lại lề phố chợ với xấp vé số mưu sinh, quyết không là gánh nặng cho chồng, em bảo hai vợ chồng lúc này phải nương vào nhau, mới có thể tồn tại nổi và có chút đỉnh gửi về quê phụ má nuôi con, em nhớ con...An bật khóc và Trung ôm An vào lòng. Thiện nguyện viên chúng tôi không dám nhìn vào các em, những gì các em vừa trải qua là quá sức.
Có duyên mới có gặp, khi nghe biết về các em, người linh mục đã yêu cầu các học trò tức tốc đến với đôi vợ chồng trẻ lắng nghe nguyện vọng và tâm tư, tìm ra định hướng giúp các em vực dậy cuộc sống.
Thứ nhất, phải xác định ngay là An đã quá kiệt sức sau sinh nở, em có dấu hiệu của bệnh thiếu máu trầm trọng sau sinh. Trung tuy rất can đảm song cũng có dấu hiệu của sự bối rối, em dấu vợ cầm chiếc điện thoại có tấm hình đứa con, An biết mà giả vờ như không để chồng đỡ lo lắng.
Chúng tôi đã lắng nghe, và còn phải tư vấn cho các em những vấn đề tế nhị vô cùng : Quá thương nhau, quấn quýt nhau, vì trong cái nghèo, hai người trẻ này có gì đâu ngoài tình yêu, vậy phải bày cho các em biện pháp phòng tránh thai, hợp ý thiên Chúa, và các em có thể giữ gìn sức khỏe.
Quan sát phòng trọ thấy ngoài tình yêu nơi hai trẻ thì đời song tinh thần quả thật là bằng không. Chẳng lẽ chỉ cắm đầu vào làm rồi nuôi nhau bằng tình yêu, bằng nỗi nhớ con vật vã và khắc khoải. Chúng tôi trang bị cho các em một máy nghe nhỏ, để khi về bên nhau các em được nghe lời của Đấng xót thương, những giảng thuyết của bậc giảng dạy đã được ơn Chúa thánh thần để các em vững tin hơn vào cuộc sống.
Và một việc thiết thực là trợ cấp khẩn cấp cho hai em một khoản tiền, giúp An mua vài toa thuốc nâng sức khỏe lên, trang trải tháng tiền nhà mà các em còn nợ.
Chúng tôi cũng tư vấn để bà ngoại giúp hai em thêm một thời gian chăm bé, sau đó sắp xếp để vợ chồng con cái sum vầy, bởi đứa con là dây buộc ràng và cũng là nguồn động viên cực to lớn.
Cuộc sống là vậy cần sự nâng đỡ lẫn nhau, một cái mầm cây dù xinh xẻo song trong bão tố không có nơi tựa nâng cũng rất có thể bị gãy ngang đầy chua xót.
Tình yêu của Trung và An rất đẹp, song tình thương ấy sẽ đẹp và khỏe mạnh nếu có sự chung tay của cộng đồng. Và trên hết là sự bảo trợ của chính đấng là tình yêu : một Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Tạ ơn Ngài đã đẩy thành viên Mái Ấm Giữa Đời tới với anh em của chúng con!
Haleluia! Tạ ơn Chúa.
TRUYỀN THÔNG MÁI ẤM GIỮA ĐỜI