Tin ở con người
Cuối năm, ngồi nghĩ lẩn thẩn. Giá như ở quê thời điểm này chắc vui lắm nhỉ? Rồi nhớ về ngày xưa, nhà đầu làng cuối xóm đều biết nhau. Láng giềng như ruột thịt, tối lửa tắt đèn gọi nhau. Chợt nghe lòng quặn thắt. Tình bà con xóm giềng xin đừng để mất.
1. Bài học từ chiếc xe chết máy.
Cơn mưa nặng hạt buổi chiều biến con đường thành sông. Hơn mười giờ tối mới rời cơ quan về nhà. Xe chết máy trên đường. Giờ này đâu còn ai sửa xe. Dắt bộ chừng trăm mét đã cảm thấy mệt nhoài.
- “Anh ngồi lên xe đi, em đẩy cho. Nhà anh ở đâu?”.
Quay lại nhìn. Một thanh niên khoảng ba mươi tuổi. Không quen biết sao lại mở lòng giúp nhau đêm hôm thế này? Một chút cảnh giác, nghi ngại. Nhưng lại nghĩ nếu không nhờ anh ta thì dắt bộ xe về nhà chắc chết. Vội ngồi lên xe, không chờ cậu ta nói lần thứ hai.
- “Phiền em đẩy về ngã tư Bình Hòa, Lê Quang Định”.
Người thanh niên đưa chân đẩy chiếc xe chết máy chạy băng băng. Tới ngã tư, người thanh niên nói:
- “Nhà anh ở đâu để em đưa về tận nhà luôn”.
Người đâu nhiệt tình quá vậy. Bụng nghi hoặc. Cuối cùng, xe cũng được đẩy tới nơi. Lúc này, sự nghi ngờ không còn. Nhưng chưa kịp nói cảm ơn thì người thanh niên đã biến mất.
Mọi việc diễn ra bất ngờ và quá nhanh. Giấc mơ chăng? Không, chuyện có thật. Một chút thẹn với lòng. Giả dụ là mình, mình có dám đêm hôm đưa người lạ hoắc cùng chiếc xe hỏng máy về đến tận nhà như anh thanh niên kia? Tự vấn rồi tự an ủi rằng xã hội bây giờ phức tạp lắm, ra đường luôn phải cảnh giác, đề phòng. Nhưng nghĩ tới người thanh niên xa lạ lại thêm thẹn với lòng.
2. Tình xóm giềng, nếu mất.
Trong chuyến công tác miền Tây, trên đường về cùng 3 người bạn ghé thăm chú Sáu. Nhà chú Sáu ở Cai Lậy, Tiền Giang. Chú Sáu là nông dân rặt, từ nhỏ tới lớn chỉ biết đánh vật với ruộng vườn, ao cá.
Định ghé thăm, hỏi sức khỏe chú dạo này thế nào, uống ly nước rồi đi. Ai ngờ chú Sáu vớt cá dưới ao, bắt gà ngoài vườn làm bữa cơm thịnh soạn đãi khách, muốn từ chối cũng không đành. Ăn xong, ra xe thấy chất đầy trái dâu với mít. Thì ra, trong khi ăn cơm, thím Sáu gọi cậu em hái một đống trái cây chất lên xe từ hồi nào.
- “Chú Sáu hái chi nhiều dữ vậy. Ăn gì hết?”.
- “Ở quê chẳng có gì. Chỉ cây nhà lá vườn...”.
Trời đổ mưa. Xe chuyển bánh một lúc mà vẫn thấy chú Sáu đứng đó trong mưa, ngó theo.
Những người bạn đi cùng rất cảm kích trước sự hiếu khách của gia đình chủ nhà. Trên đường về, lấy dâu ra ăn. Đầu mùa, dâu còn hơi chua mà lưỡi ai cũng nghe vị ngọt của lòng mến khách.
Chợt hào hứng bàn về tình làng nghĩa xóm. Tập quán tốt đẹp này vẫn còn ở nhiều nơi, nhất là các vùng quê. Vậy ở thành phố thì sao? Một người bạn than bây giờ nhà ai cũng kín cổng cao tường, ra đường thiếu vắng nụ cười với láng giềng hàng xóm. Nghe chợt giật mình. Rồi tự biện hộ ở thành phố bây giờ người ta sống thế cả, đèn nhà ai nấy sáng.
Cuối năm, ngồi nghĩ lẩn thẩn. Giá như ở quê thời điểm này chắc vui lắm nhỉ? Rồi nhớ về ngày xưa, nhà đầu làng cuối xóm đều biết nhau. Láng giềng như ruột thịt, tối lửa tắt đèn gọi nhau. Chợt nghe lòng quặn thắt. Tình bà con xóm giềng xin đừng để mất.
3. Bà cụ bán vé số, sự bàng quan và vô vị.
Bà cụ qua đường. Dòng xe cộ đông nghịt không nhường bước. Bên cạnh có nhiều người nhưng ai cũng vội, không ai quan tâm tới bà cụ.
Luống cuống thế nào từ tay cụ rơi xấp vé số, tung bay giữa đường. Chợt ở đâu xuất hiện nhiều người lao ra đường. Họ tranh nhau hôi những tờ vé số.
Bà cụ đứng như trời trồng. Miệng bà lắp bắp:
- “Xin đừng lấy, đừng lấy, tội nghiệp già này…”.
Đám người kia dường như không có tai.
Chợt một nhóm cô cậu học trò từ đâu ào tới. Một đứa cầm tay bà cụ dắt qua đường. Những đứa còn lại phân nhau nhặt vé số. Chúng còn nói rõ to:
- “Chú bác ơi, xin đừng lấy vé số của bà cụ”.
Đám người không tai bây giờ mới ngừng nhặt. Có người trả lại, có người lủi mất. Nhận xấp vé số từ tay một học sinh, bà cụ cười mếu máo:
- “Cảm ơn các cháu nhiều lắm”.
Đám học trò lại bước nhanh cho kịp giờ học.
Mình đứng ở góc này đường. Đáng lẽ mình có thể dắt bà cụ qua đường, có thể nhặt giùm bà cụ vé số, có thể ngăn người ta hôi... Nhưng sao mình không làm gì? Lại thẹn với lòng. Cả ngày hôm đó mình như người vô hồn. Chợt nhận ra một điều: Khi mình bàng quan với mọi người thì cuộc đời sẽ vô vị, nhạt nhẽo lắm.
4. Câu chuyện ly nước và giọt mực.
Ở xứ nọ, một hôm nhà vua cho gọi nhà hiền triết đến hỏi:
- “Trong đất nước của ta, người tốt nhiều hơn hay người xấu nhiều hơn?”.
Nhà hiền triết trả lời:
- “Người tốt nhiều hơn”.
Vua không hài lòng, cho rằng nhà hiền triết nói để lấy lòng ngài.
- “Nhà ngươi nói người tốt nhiều sao ta chỉ nghe toàn chuyện chỗ này trộm cắp, chỗ kia giết người cướp của…”.
Thay vì trả lời, nhà hiền triết lấy ra một ly nước đầy và một giọt mực.
- “Người tốt nhiều như ly nước. Kẻ xấu chỉ như giọt mực” - nhà hiền triết nói và cho giọt mực vào ly nước. Một lát, ly nước biến thành màu xám đen.
- “Người xấu tuy ít nhưng cũng đủ làm cho xứ sở của ngài biến thành màu xám”.
- “Vậy làm thế nào để hết người xấu?”.
Bây giờ nhà hiền triết nhỏ một giọt mực vào thùng nước to. Thùng nước không đổi màu.
- “Ta hiểu ý ngươi. Người xấu thời nào cũng có. Vấn đề là làm sao để người tốt ngày càng nhiều hơn”.
Kể ra chuyện này để khẳng định người tốt quanh ta vẫn nhiều. Và mỗi người hãy là người tốt để biến cuộc đời thành ly nước trong lành.