Vì cuộc sống của một người trẻ...
TT - Nếu không được phẫu thuật kéo giãn cơ, dây thần kinh, người thanh niên bị phỏng ấy sẽ sống trong nỗi đau tàn phế và lệ thuộc người khác suốt đời. Nhưng sau một cuộc gặp đầy tình cờ, hi vọng dần lóe lên từng ngày..
Bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Q.2 (TP.HCM), mỗi ngày vẫn đều đặn đến kiểm tra, thăm hỏi tình trạng của anh Phùng Thanh Liêm - bệnh nhân đặc biệt tại đây Ảnh: Q.L. |
Liêm còn trẻ quá, mới 29 tuổi mà nằm một chỗ thì không chỉ mình Liêm khổ mà lúc nào cũng phải có một người chăm sóc, còn tâm trí đâu mà làm ăn gì được. Nên tụi mình cùng nhau cố giúp một thanh niên không sống cuộc đời tàn phế. Trước mắt mấy anh em quen thân trong Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM tự bỏ tiền túi và đang tìm thêm nguồn hỗ trợ từ các mối quan hệ, cũng được vài chục triệu rồi và tiếp tục tìm kiếm. Nếu có thêm những nhà hảo tâm cùng chung tay thì quá tốt |
Bác sĩ Trần Văn Khanh (giám đốc Bệnh viện Q.2, TP.HCM) |
Tai họa bất ngờ
Tại phòng B6, khoa ngoại Bệnh viện quận 2 (TP.HCM), chàng trai Phùng Thanh Liêm đã có thể ngồi dậy được. Năm tháng trước, anh hầu như chỉ nằm bất động một chỗ. Ký ức của buổi chiều tối 23-9-2014 kinh hoàng ấy chưa thể nào nguôi ngoai, như “cháy” lên trong mắt đôi vợ chồng trẻ.
Sau một ngày làm việc mệt nhoài, về đến nhà Liêm nói với vợ trời còn sáng nên chạy xe đi mua mấy lít xăng mai chạy máy tưới cà phê.
Trời Đắk Nông những ngày này đã chớm lạnh, chị Đỗ Thị Thúy Vân - vợ Liêm - vào bếp đun ấm nước nóng để tắm. Đang mùa mưa nên sau khi nhóm bếp và đặt ấm nước lên, Vân tranh thủ xếp luôn mớ củi còn ẩm xung quanh bếp rồi đi ra vườn làm nốt đám cỏ, đợi chồng về.
Liêm về để can xăng 3 lít mới mua vào trong bếp rồi ra vườn tìm vợ. Lửa lớn bén luôn vào đám củi đang hong. Hai vợ chồng chạy vào đã thấy khói bốc cao một góc bếp được làm bằng mấy tấm ván ép và mái lá.
Thấy tấm bạt trùm chiếc lồng nhốt mấy con gà, Liêm quýnh quá rút vội với hi vọng có thể trùm lên đám cháy. Đám gà nháo nhác nhảy ra làm đổ can xăng xuống nền.
Ngọn lửa bùng lên dữ dội. Ngay lúc ấy Liêm còn kịp đẩy vợ ra nên may mắn Vân chỉ bị cháy sém chân phải. Cả người Liêm như ngọn đuốc. Vân lao lên nhà vớ được tấm riđô trùm lên người chồng nhưng chẳng cứu vãn được gì.
Những ngôi nhà giữa rẫy cà phê cách nhau hàng trăm mét nên tiếng cầu cứu của hai vợ chồng chẳng tới tai ai. Vân vớ chiếc điện thoại gọi cho nhà hàng xóm gần nhất nhờ ứng cứu. Khi những người hàng xóm gần nhất chạy qua, từng mảng da trên người Liêm đã rơi xuống đất...
Giành lại sự sống
Liêm nói lúc nằm trên xe chở lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông vẫn còn tỉnh táo nhưng toàn thân đau nhức không thốt nên lời. Liêm còn nhớ rất may mắn vì ngay thời khắc đó có trận mưa lớn ào xuống, chứ nếu không chưa biết mình có còn sống đến hôm nay.
Ngồi cạnh chồng, Vân vừa khóc vừa giận mình bất cẩn. “Lúc đó chân tôi cũng rát lắm nhưng nhìn chồng cháy hết người như thế tôi chẳng còn biết đau là gì. Chỉ biết cầu mong cho anh ấy” - Vân nhớ lại.
Do vết bỏng quá sâu và phương tiện cứu chữa ở tỉnh có hạn nên sau khi sơ cứu, Liêm được chuyển thẳng vào Bệnh viện Chợ Rẫy ngay trong đêm.
Lúc này Liêm bắt đầu lả dần rồi không còn biết gì nữa. Gần 4g sáng hôm sau xe cứu thương đưa Liêm vào tới TP.HCM. Và hành trình giành lại sự sống lúc này mới thật sự bắt đầu.
Hơn 20 ngày nằm trong phòng cấp cứu, săn sóc đặc biệt Liêm lúc tỉnh lúc mê. Mỗi ngày Vân chỉ được vào với chồng ít phút vì phải cách ly tuyệt đối tránh nhiễm trùng cho bệnh nhân.
Thần may mắn đã mỉm cười khi Liêm vượt qua nguy kịch dù tỉ lệ thương tật đến 65%. Một tháng sau đó, phẫu thuật nối tiếp phẫu thuật.
Cơ thể nham nhở những vết thương vì phải lọc da cấy ghép thay phần da bị bỏng đã hoại tử gần hết.
Khi những phần da cuối cùng vừa ghép xong, vết thương còn chưa kịp liền miệng, hai vợ chồng xin xuất viện. Vườn rẫy đã bán hết rồi. Vay mượn cũng nợ chất chồng. Tính hết chi phí hơn hai tháng tại Bệnh viện Chợ Rẫy gần 300 triệu đồng.
“May nhờ có bảo hiểm y tế, nhiều người biết thương tình giúp cho chứ dốc hết tiền nhà tụi tôi đóng gần 30 triệu là hết sức rồi. Không gồng gánh nổi nữa nên tụi tôi đành phải xin về” - vừa nói Vân vừa đưa tay chùi nước mắt.
Chờ cái kết có hậu
Trong chuyến đi thăm, tặng quà kết hợp khám chữa bệnh cho bà con ở huyện Đắk G’Long (Đắk Nông) dịp Tết Ất Mùi vừa rồi do lãnh đạo Q.2 (TP.HCM) tổ chức, khi nghe kể về trường hợp của Liêm, bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Q.2 - đã nhờ bà con dẫn vào tận nhà. Trước mắt bác sĩ Khanh là người thanh niên nằm co quắp với chằng chịt vết bỏng khắp người.
Anh móc điện thoại chụp hình và gửi ngay về cho một bác sĩ chuyên khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy. Cuộc trao đổi chớp nhoáng, các bác sĩ và đoàn cán bộ Q.2 quyết định đưa Liêm về thành phố chữa trị.
“Nhiều đêm nằm mãi không ngủ được nghĩ đủ thứ chuyện, mình chỉ biết khóc vì với tình trạng này còn làm ăn được gì, rồi lại khổ vợ con chứ nhà còn cái gì để bán nữa đâu mà nghĩ chuyện chạy chữa” - Liêm nói rồi khóc.
Bệnh viện Q.2 đã mời một số bác sĩ chuyên khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy hội chẩn và lên phương án điều trị cho Liêm.
Theo kết quả hội chẩn sơ bộ, thời gian điều trị cho Liêm dự kiến kéo dài sáu tháng. Vì các cơ, dây thần kinh của hai chân và tay trái đã co quắp lại khiến Liêm không thể cử động được nên phải phẫu thuật kéo giãn cơ, dây thần kinh cho Liêm.
“Các khớp của Liêm còn tốt, khả năng phục hồi hoàn toàn có hi vọng. Bây giờ ưu tiên làm từng chân trước, phải phẫu thuật nhiều lần vì còn ghép da, rồi kết hợp tập vật lý trị liệu để hai chân dần hồi phục mới làm tiếp đến tay trái” - bác sĩ Khanh cho biết.
Ngồi bên chồng, Vân chỉ vào vết thương còn rỉ nước vàng trên chân mày mắt trái của chồng kể hôm trước cô đang làm việc sau nhà, Liêm cố tập ngồi dậy một mình và té cắm mặt xuống nền nhà.
“Ước mơ lớn nhất của hai vợ chồng là làm sao anh ấy phục hồi phần nào, tự lo cho các sinh hoạt cá nhân hằng ngày để mình còn yên tâm đi làm.
Hai đứa con thơ từ ngày gia đình gặp nạn phải gửi về ông bà nội ở Lạng Sơn. Xa con xót lắm, nhớ mà chả biết phải làm sao” - Vân nói.
Hiện tại các bác sĩ đã tham gia chữa trị cho Liêm sẽ không tính tiền công trong suốt quá trình điều trị. Chỉ ước tính tiền thuốc, chi phí vật dụng y tế để điều trị cho Liêm trong sáu tháng sắp tới cũng ngót nghét 300 triệu đồng nữa.
Bệnh viện Q.2 “bao” chuyện ăn uống, viện phí hằng ngày cho hai vợ chồng nhưng khoản còn lại cũng khá nặng.
Thậm chí bác sĩ Khanh và một số bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện còn móc tiền túi để giúp Vân có tiền mua ít vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày.