Hoàn cảnh

Xin vâng - thật không dễ dàng

Chúng ta thường hân hoan hát vậy, hân hoan trang điểm hân hoan tới giáo đường và hân hoan hát tiếng xin vâng nhẹ nhàng, dễ dãi.

Có khi nào chợt dừng hát, dừng đẹp tươi trên lý thuyết và miệng môi, quan sát cái xin vâng nơi đời thế trần, để thấy đó là một sức nặng, một gian khổ, thậm chí là một kiêu hãnh không bóng hình, bởi để xin vâng người ta phải hủy mình gần như ra không thì có còn gì nữa đâu mà kiêu hãnh.

Đây chính là bài học thiện nguyện viên rút ra sau một chuyến đi, nhớ trước khi ra đi vị mục tử có dặn rằng : Cha sai các con ra đi hôm nay không phải chỉ để trao ban, thăm nom anh em mình, cha muốn các con tự học lấy một bài học...

Chị gật đầu nhè nhẹ chào chúng tôi rồi rút vào góc kệ bếp, dáng to lớn đứng im bất động, xoay bờ vai to lớn che khuất tầm nhìn của chúng tôi...Ba đứa con to cao còn hơn cả mẹ. Sau khi chào khách mang chăn gối vọt lên lầu, à đêm qua chúng nó ngủ quây quần sát bên chân giường bà ngoại.

Còn bà cụ thì rạng rỡ khi có khách, ráng ngồi dậy tựa vào tường, ngồi dậy với bà cũng là khó khăn, một bên chân bà đã bị tháo khớp do di chứng tàn phá của căn bệnh tiểu đường khủng khiếp.

– Cái máy các cô cho mấy bữa trước ngon ha, tôi nghe hoài hà, tôi còn lần chuỗi nữa đấy.

Bà cụ với tay lấy chàng chuỗi, hơi nhăn mặt vì đau, chúng tôi phụ lấy cho bà, bà cho biết di chứng căn bệnh tiểu đường giờ khiến bà suy thận nặng nề : Giờ tuần phải đi chạy thận ba lần, người ta luồn ống nhựa vào ánh tay, và lại biến chứng nhiễm trùng hoại tử từ bên trong, cái tay có lẽ cũng sắp hỏng.

– Gởi hết cho Chúa, trong cậy tất vào Đức Mẹ thôi, mỗi khi đau bà cầu xin, xin mẹ phụ gánh dùm, chứ tự bà bà chịu không nổi nữa.

Chúng tôi đỡ bà nằm xuống.

Tôi nhìn về phía chị, vẫn cái dáng đứng cam chịu chỉ có một chút xíu sự rung nhẹ hai vai, phải thật tinh với nhận ra, chị gần như tuyệt đối chú ý vào công viêc rất tỉ mỉ.

Tôi quyết định tách khỏi các bạn, tiếp xúc với người đàn bà có đôi vai ngang vạm vỡ đầy cam chịu.

– Chị... – Tôi rụt rè – Chị chăm bà cực lắm phải không...

Bàn tay chị chợt dừng lại, à chị đang bóc vỏ tôm, ngẩng lên nhìn tôi, ánh mắt to, nhìn thẳng vào tôi...Có cái gì đó nhìn là xót thương tôi, tôi rụt cổ lại vì một cảm giác chính bản thân mình bé nhỏ, thảm hại.

– Thế em ở đâu đến ? – ý chị hỏi tôi là thuộc nhóm bác ái nào.

– Dạ...Em không có ở nhóm nào, là...là em sinh hoạt ở cộng đoàn lòng thương xót Chúa.

– À... – Chị bỗng cười vui vẻ, khi tôi thật lòng, – à chị biết cộng đoàn đó mà, hồi mấy năm trước lúc còn khá chị vẫn gửi quà phụ tụi bây đi làm thiện nguyện mà, chị còn nhờ em kết nghĩa – nay đã mất do ung thư máu – chú nó khá lắm kìa, cho phụ đám bây xe cộ để mà đi vùng sâu vùng xa nữa.

Vậy là cái khoảng cách vô hình phá vỡ tự khi nào, chị trở về với một chị Liên hào sảng như một đại ca trước mấy em thiện nguyện viên nhỏ bé.

Ngoài giường bệnh bà cụ cũng đã chia sớt nhiều với các bạn tôi, trong góc bếp này, chị Liên cũng đã bộc bạch với tôi chút tấm lòng, để chúng ta hình dung ra một nét đẹp của gia đình Na–gia–rét thế trần, một xin vâng lặng lẽ mà cao quí.

Cụ bà Tê–rê–sa Nguyễn Thị Vi mang trọng bệnh : tiểu đường bị đoạn chi, chồng của cụ tai biến hiện giờ nhập viện 175 cũng trong tình trạng trầm trọng

Niềm tự hào của cụ là những người con gái họ từng là những con người làm ăn giỏi giang chân chính trong xã hội này, song mỗi người cũng có số phận riêng không hẳn suôn sẻ.

Như chị Liên đó, chồng mất 17 năm nay rồi, chị bươn trải nuôi ba cậu con trai cho chúng học hành, dạy chúng thảo hiếu với ông bà, đấy bà bệnh cả ba đứa trùm mền nằm dưới chân giường canh ngoại cả đêm hôm như thế.

Khi khá giả chị Liên âm thầm đóng góp vật chất cho những địa chỉ thiện nguyện mà chị tin yêu, như Cộng đoàn lòng thương xót Chúa. Chị gửi tiền, tìm cách giúp phương tiện, nhưng tuyệt không ham hố công phúc, bảng ghi ơn, chỉ nghĩ đơn giản mình có miềng ăn, lại có dư, thì lên chia sớt ra cho người chưa có. Tự đi không được vì bận rộn thì kiếm nơi tin tưởng mà gửi đi, chỉ đơn giản là vậy.

Khi kinh tế sa sút, không còn được dồi dào gia cảnh lại có nạn to, mẹ bệnh ốm ngặt nghèo, rồi đến cả người bố cũng lâm bệnh, thì với chị sự sống cho người thân là trên hết. Cứ được sống bên nhau là quí nhường nào. Từ kinh nghiệm bản thân khi mất người chồng mà chị yêu thương cách nay 17 năm chị bảo : mất người là đau lắm không thể có gì bù đắp ! Giờ mấy chị em tạm gác việc mưu sinh, chia nhau chăm cha mẹ. Chị Liên ở nhà chăm sóc bà cụ, lo chuẩn bị đồ ăn, tới trưa chia ra, con chị sẽ mang đồ ăn vô viện phụ chăm ông ngoại cùng người bác, còn chị ở nhà chăm bà cụ.

Hiện tại, dù cực nhọc, dù hao hụt của tiền nhưng chị tịnh không cảm thấy phải suy xét thiệt hơn, cứ đơn giản đương nhiên là vậy.

Mọi sự có Chúa, chị cười, của tiền cũng không bằng người, còn thấy mẹ cha dù một ngày cũng vui, bà yếu vậy, nhưng cứ tối tối bà cháu mẹ con lại quay bên giường đọc kinh, hồi rày có cái ra–đi–ô các cô hôm trước tới tặng bà nghe tới khuya, chị Liên bảo len lén ngó thấy bà cụ ngủ thiếp đi thì mới dám tắt.

Nhìn gương mặt chị rạng rỡ, nụ cười hào sảng, nghĩ tới mới chỉ mấy năm trước người đàn bà ấy lăn lóc chốn thương trường giỏi giang như một nữ đại gia, em út cũng là những con người có máu mặt, một người đàn bà 17 năm xốc vác nuôi ba đứa con, thay vai trò một đàn ông, giờ của cải công danh coi như phù du ngày ngày tận tụy bên gường bệnh chăm một cụ già, ngày ngày bên kệ bếp tỉ mỉ bóc vỏ tôm làm nội trợ, phục vụ ba thế hệ : mẹ cha, các chị, và con cái của mình mới thấy tiếng xin vâng mà chị thực hành không hề nhẹ, nó là một sự hủy mình trong tự nguyện của yêu thương, và thực hành được không có là đơn giản.

Chúng tôi rời nhà chị, chia tay vẫn là nụ cười rất bao dung. Chị à, chúng em không dám tới cứ trợ đâu ,mà là sáng nay chúng em đến để học.

– Vâng để học ạ, chính thầy sai chúng em thế mà, thầy dặn chúng em gửi chút quà biếu cụ để cụ vui, còn việc của chúng em là đi học.

– Thầy của các em thật sâu sắc, vì chính ngài từng tới căn nhà này, cầu nguyện cho má tôi. Qua lời giảng của ông tôi cũng đã học được cách an bài, tin tưởng phó thác cho Chúa. Chính qua những giảng thuyết mà tôi được nghe từ mấy năm trước, tôi thấm giá trị của yêu thương, tiền bạc, danh lợi chỉ là thứ phù vân nay còn mai mất. Mà ngay cả cuộc sống là quí nhất thì nó cũng hữu hạn mà thôi, thành ra dù một ngày sống với nhau trên đời yêu thương mới là quan trọng nhất !

Ôi tạ ơn Chúa, lòng thương xót của Ngài thật khôn dò, cuộc gặp gỡ với chị Liên và gia đình chị hôm nay đâu chỉ dừng lại là một chuyến thăm một người già mang trọng bệnh !

TRUYỀN THÔNG MÁI ẤM GIỮA ĐỜI

Có thể bạn quan tâm