Thông báo

Bức thư không gửi từ BV Phục hồi chức năng TPHCM

Em thân yêu! Nhớ lại khoảnh khắc em thở dài và quay đi trong bàng hoàng, lòng anh cũng nhói đau. Nhưng anh lại thấy nhẹ lòng, vì sau đó em sẽ dễ dàng quên anh đi, sau khi nhìn thấy anh trong bộ dạng tàn phế, 2 chân không còn cảm giác, và nhất là nhìn thấy bộ mặt ngây dại như người mất trí lâu năm mà anh dày công diễn tạo, thì em sẽ không phải day dứt, không phải sợ anh đau khổ, vì lời chia tay nghiệt ngã ấy. Vì anh muốn như vậy, anh không muốn làm khổ em. Anh không còn là chàng trai cường tráng, là người đàn ông mạnh mẽ của đời em như gần một năm trước.

Một năm trước đây, anh cũng như bao chàng trai khác, hôn tạm biệt em trước cổng trường đại học, về nhà và tận hưởng một buổi tối yên bình. Đường Sài Gòn tối sao mà rực rỡ, anh đi trên đường và nghĩ về những điều chúng ta hò hẹn, những ước mơ sau khi ra trường. Và cái kết đẹp khi tiếng chuông nhà thờ vang lên, có Chúa và có mọi người ghi dấu cho đám cưới tuyệt đẹp của chúng ta…

Ước mơ của anh dừng lại khi ánh đèn từ phía đối diện lảo đảo đâm sầm vào anh, trong khoảnh khắc ấy, anh không ngờ đời mình về sau cũng tối tăm dài dằng dặc y như lúc anh ngã xuống vậy…. Mở mắt. anh nằm trong bệnh viện với nỗi đớn đau vô hạn, anh nghe loáng thoáng những tiếng của y bác sĩ: “Ca này bị tông xe, nhân chứng nói do mấy thằng cha say rượu đâm phải” - “Chúng nó bỏ chạy rồi” – “Chụp X-Quang cột sống đi…”. Anh thều thào mấy tiếng “Chúa ơi cứu con” rồi lại thiếp đi.

Rồi thì anh cũng tỉnh, nhưng thân thể ra tàn phế, một mảnh sọ phải gọt bỏ, và cột sống tổn thương làm chân liệt vĩnh viễn, vệ sinh nhiều khi mất tự chủ…Các BS về sau chuyển anh về Bệnh viện BV Phục Hồi Chức Năng- Điều Trị Bệnh Nghề Nghiệp để tập vật lý trị liệu, anh cứ nghĩ ở đây chỉ một hai tháng rồi sẽ khỏe, sẽ về với em và gia đình. Vậy mà, thời gian ở đây đã tính bằng năm...

Hằng ngày anh chứng kiến không biết bao mảnh đời tan nát trong BV này, những thanh niên to cao trẻ khỏe, vì một phút bốc đồng hơn thua với bạn bè, một khoảnh khắc sa đà bia rượu không làm chủ tay lái, hay lúc làm việc bất cẩn bị máy móc nghiến vào…hóa ra tàn phế. Lúc đánh nhau, lúc uống bia rượu, họ có nghĩ đến ngày này? Hậu quả thì cũng đã rõ : Nhẹ thì tay cụt chân què, nặng hơn thì liệt lào bán thân bất toại, hay đỉnh điểm khổ đau là chấn thương sọ não rồi ra ngơ ngẩn…Những con người ấy ngày đêm vật vờ trong đau đớn – có người ở đây đã 10 năm – tức là gần 4 ngàn ngày đêm! Âm thanh quen thuộc anh nghe mỗi ngày là tiếng la hét của bệnh nhân khi phải tập những bài vật lý trị liệu…Nhưng không thế thì làm sao có hy vọng phục hồi, làm sao có hy vọng rời khỏi nơi toàn đau khổ thế trần này?

Gia đình lên thăm anh cũng ngày một thưa thớt, cũng phải thôi, chăm nuôi một đứa con liệt lào chẳng thấy đâu cơ hội phục hồi khỏe mạnh như xưa, cũng là một gánh nặng. Chỉ có em là đều đều đến thăm anh, và mỗi lần về là em lại khóc rất nhiều. Nên cuối cùng anh phải diễn vở kịch giả điên giả khùng đuổi em đi…để mong em quên anh, quên hẳn anh mà không phải đau khổ, khỏi phải tổn hao tuổi xuân cho thân thể tàn phế là anh đây.

Sau ngày em về, anh trở nên hận người và hận đời, anh hận kẻ tông vào anh ra nông nỗi này rồi bỏ chạy không một lời xin lỗi, anh giận gia đình anh vì không thương yêu anh như trước, anh sợ thấy bóng bác sĩ, anh ghê sợ những mảnh đời tàn phế - anh sợ anh sẽ trở thành giống như họ. Anh ghét bản thân mình vì hèn yếu. Riết rồi anh đã từng chợt nghĩ quẩn – rằng Chúa đã bỏ rơi anh, Ngài đã quên mất anh ở đâu đó nơi cuộc đời này rồi – thế thì anh chẳng còn lý do gì để kéo dài cuộc sống đau khổ nơi trần thế này nữa… cho đến một ngày.

Một ngày nọ phòng bệnh nhân nơi anh điều trị bất ngờ rộn rã hẳn lên, có một nhóm tình nguyện viên mang áo đỏ, trên áo thêu hình trái tim trắng trẻo tinh khôi cùng dòng chữ “thành viên Mái Ấm Giữa Đời”. Họ mang đến những phần quà nhỏ, những hộp sữa dinh dưỡng, phong bao lì xì đỏ, và nơi góc hành lang những con người mang chiếc áo đỏ nhiệt huyết ấy đang hì hụi bơm những quả bóng sắc màu, tặng cho những bệnh nhân quanh đó…Những bệnh nhân toàn thân bại liệt thì đầu giường của họ cũng được cắm quả bóng nhiều màu, bừng sáng lên góc phòng lạnh lẽo, xám xịt, trước giờ toàn để những bông băng, xô châu, bô vệ sinh…

Sau những giờ phút rộn ràng thăm hỏi tặng quà, ai nấy đều hớn hở. Những gương mặt trước giờ dúm dó lại vì đau đớn và sầu đời, nay giãn hẳn ra trong mừng vui. Vui vì còn có người quan tâm đến mình, vui vì những bệnh nhân có Đức tin nhưng vì hoàn cảnh bệnh ngặt mà đành bỏ qua việc đạo lễ, thì nay đã có những kinh sách bên mình, và bức ảnh Chúa từ nhân được tặng từ nhóm thiện nguyện ấy, giúp soi sáng những tâm hồn đau khổ. Nơi đầu giường những bệnh nhân nặng - thiện nguyện viên lại tập trung lại, có những lời kinh nhỏ nhẹ thiết tha cất lên, bổ sức cho những linh hồn yếu đuối.

Chia tay những con người bác ái ấy, anh bần thần một lúc. Hóa ra Chúa không bỏ rơi anh. Ngài hóa thân vào những dáng áo đỏ thướt tha ấy, để hóa giải đau khổ của những bệnh nhân nơi đây, để đem lại cho họ chút niềm vui nơi quà tặng, sữa bánh. Và Chúa ở lại với mọi người, với chính anh – trong sách kinh, tranh ảnh. Những chiếc radio nằm trong phần quà mà thiện nguyện để lại, có lời giảng của một vị linh mục mà anh nghĩ là ông hẳn phải rất đặc biệt – lời giảng của ông tự nhiên và hào sảng giống như ta đang nghe một người Lãng tử kể lại chính hành trình của mình vậy. Trong hành trình ấy phủ bóng Chúa nhân từ, lòng thương xót của Đấng sẵn sàng tha thứ và chở che cho những đứa con lầm đường lạc lối.

Anh thấy mình đúng là đứa con lầm đường lạc lối ấy thật. Anh đang cố gắng thay đổi những thứ không thể thay đổi và quên mất bản thân mình đang có những gì. Anh vui mừng rằng những lời giảng trong chiếc radio nhỏ bé kia đã đem anh trở về gần với Lòng Chúa xót thương. Để từ nay anh sẽ suy nghĩ, và sống lại một cuộc đời mới. Sống tích cực hơn, quên đi khổ đau bản thân và cống hiến những gì mình còn lại cho cuộc đời. Anh sẽ tập và uống thuốc đều đặn, mong là sớm được xuất viện, tìm một công việc nhỏ nhoi và nói cho những thanh niên hôm nay biết rằng: “Đừng ham rượu bia, cũng đừng hơn tranh hơn thua bằng mọi cách để rồi trả giá bằng chính thân thể, sức khỏe của mình – hay tệ hơn là làm những người vô tội bị gánh họa oan uổng…Hãy nhìn vào câu chuyện của tôi”

Anh sẽ cất bức thư này đi, và suy nghĩ nhiều hơn về chính bản thân mình. 2 chữ “thành viên Mái Ấm Giữa Đời” ẩn hiện trước mắt như một dấu chỉ tốt lành. Phải, anh sẽ sống tín thác, và yêu thương, trọn cuộc đời còn lại.

8/4/2015


Có thể bạn quan tâm