Chú Chín Bê-tông
Trong một buổi sinh hoạt cộng đồng của một nhóm tình nguyện với bà con vùng ngoại ô ở Hóc Môn, đến phần giao lưu có sự góp mặt của một chú lớn tuổi, chú cứ lóng ngóng nhưng nụ cười rất là tươi, khi vị dẫn chương trình mời chú chia sẻ về bản thân chú lại càng lúng túng. Vị dẫn chương trình liền mời phu nhân của chú hỗ trợ , thế là bà con vỗ tay rần rần cổ vũ cặp vợ chồng dễ mến. Vợ chú mới tỏ bày : Thưa bà con ,ông nhà tôi đây, là một bệnh nhân ung thư đã chín năm rồi, ổng cắt ba phần cái bao tử, còn có một phần thôi, hồi đầu tôi sợ lắm canh ông ăn chút chút thôi, sợ bay mất nốt cái phần bao tử, nhưng bây giờ ổng ăn uống bằng tui rồi, mọi việc ông làm gọn rơ. Bà con lại một lần nữa vỗ tay rền vang cổ vũ.
Ông chủ đấy, chẳng phải tầm thường đâu !
Sáng sớm, theo chân người quen tới thăm ông, mênh mông bãi xưởng là những ống cống tròn, ống cống chịu lực, và các trụ bê tông, Người thanh niên đang lui cui làm việc giữa bãi ngoắc tay trỏ vào phía xa : Chú Chín đang ở bãi trong đó,Tới nơi, thấy ông đang lăn thoăn thoắt một ống cống to đùng, bước chân ông xoải theo những vòng tròn nhịp nhàng, cứ như là một vũ công với một vũ điệu rất lạ mắt,
Khi đám cống đã xếp ngăn nắp, ông leo lên ca bin chiếc xe vận tải, ngoái lại bảo chúng tôi : Đợi chút, chú cho xe vô bãi, và ông đánh vòng tay vô lăng, cũng rất là điêu luyện,Ôi ngạc nhiên quá sức, chẳng thể tin được đó là người đàn ông lớn tuổi bối rối và ngượng ngập giữa đám đông hôm trước, Nhưng mà chính là ông, nụ cười ấy, và ánh mắt vui tươi ấy,Ông nhảy ra khỏi cabin, nheo mắt nhìn chúng tôi : Sớm thế này, chưa ăn sáng phải không, chú mời, Hồi sáng vừa giao được chuyến hàng, khách gọi sớm quá, chú cũng chưa ăn gì cả,
Đưa chúng tôi sang quán bình dân ngay ven đường, chưa kịp dùng bữa, có tiếng mời vé số sau lưng, lại một ngạc nhiên, chú bảo : Mày đấy à, con Năm, cái chân sao rồi ?
- Dạ, chú Chín, con đi được rồi, toa thuốc chú mua cho con thật là hay, con uống lần đó là dứt luôn,
-Ừ, hễ có chuyện gì khẩn, thì ghé chú, chứ đi bán dạo vé số, mà đau chân thì nguy đó,Ông rút xấp vé mua ủng hộ cô gái và tặng chúng tôi mỗi người một tờ,Chú ấy đích thị là một ông chủ, một ông chú ở một xưởng đúc những sản phẩm bê tông có cái tên rất dễ thương là cơ sở sản xuất bê tông Minh Hải, chú là chú Chín Siêng, tức ông Hồ Văn Siêng, bà con ấp năm Đông thạnh thương mến gọi là ông Chín ống cống, hay ông chín Trụ rào, thì cũng chính là chú đấy !
Khởi nghiệp là một người bán vé số
Quê ông Chín Siêng ở mãi Phú hòa đông -Củ chi chứ không phải là Đông thạnh, Hồi trẻ nghèo lắm, nghèo tới mức chẳng có một mái chòi che đầu, hai vợ chồng làm thuê mướn kiếm từng bữa qua ngày, năm 1984 là một năm túng quẫn nhất của vợ chồng ông, Tài sản vợ chồng mỗi người chỉ là hai bộ đồ đựng trong bao xốp đen, sống tá túc với người bà con, vợ ông, cô Nguyễn Thị Thu Vân nhớ lại thời đó mà rùng mình : hai vợ chồng sức dài vai rộng muốn làm chẳng có việc mà làm, Cả ngày ngồi đợi mong có ai đó gọi làm mướn làm công là mừng hết sức, Trước cảnh ngèo khổ túng quẫn ông bà đành chọn nghiệp bán vé số nuôi thân, dù đang tuổi thanh niên, chồng một xấp vợ một sấp rảo khắp làng trên xóm dưới, Tối lại về sum họp dưới một chái nhà, do một người thương tình cho tá túc,
Một ngày nọ đang ngu ngơ buồn bã với xấp vé số ế trên tay, thì có một người đàn ông gọi chú lại và bảo chú : thanh niên, thôi đừng bán vé số nữa, về làm công cho ông ấy,Và thế là cuộc sống mở ra một bước ngoặt, Người thanh niên tên Siêng ấy chăm chỉ như chính cái tên mình, ông luôn nhớ lời cha dặn : cha nghèo lắm, chỉ cho con cái tên, cứ theo đó chăm chỉ làm ăn, may ra có ngày đỡ cực, Anh Siêng được lòng chủ vì chăm lam chăm làm, và không những chăm, ông bắt đầu để ý học từng chi tiết nhỏ nhất một cái nghề với ông là rất mới : sản xuất những sản phẩm bê tông cốt thép !
Thời gian làm công làm mướn đủ để ông Chín chín chắn tay nghề, ông xin phép người chủ cũng là người thầy, xin ra riêng, dắt vợ về Đông thạnh khởi nghiệp,ban đầu khó khăn lắm, vợ ông Chín kể lại, đừng mong gì người ta mua mấy cái cống bê tông, chỉ mong có người đứng lại ngó cái việc kỳ cục mình làm là đã đỡ tủi,
Nhưng thế thời thay đổi, Đông thạnh heo hút dần dần chuyển mình đô thị hóa, bán một miếng đất người ta cũng cần bốn cái cọc trụ, rỡ nhà tranh xây lại cái nhà lai người ta cần vài cái ống cống lớn làm hầm cầu, Tiến bộ hơn, bà con còn biết đặt sẵn cống trước nhà, đợi ngày nhà nước làm đường, nối vô là có cống thoát, Thế là ông bà Chín bắt đầu bán được sản phẩm, bắt đầu có đồng ra, đồng vô, nhà có thêm tiếng khóc trẻ thơ, còn khó khăn nhưng đã nhìn thấy đằng trước là một tương lai rạng rỡ,
Năm 1999 ông chính thức thành lập "trại", tức là cơ sở Minh Hải bây giờ, dù phải đối diện với nhiều sự cạnh tranh, song ông dặn chính mình và tất cả người làm một câu kim chỉ mam : "ăn ít no dai ", dù thời thế biến động thế nào, nguồn lợi khi thấp khi cao, dứt khoát chất lượng cống "Chín ống cống " của bà con nghèo phải được đảm bảo,
Và ông học, học thêm tri thức cho cứng tay nghề, học lái xe, học cách điều hành quản trị doanh nghiệp,Khi sự nghiệp vào hồi rạng rỡ nhất, lại một biến cố rất bất ngờ : ông Chín đổ bệnh, và bệnh rất là nặng, ông bị những cơn đau hành hạ đêm ngày, chẳng ăn uống được gì, Bác sỹ bệnh viện Triều an, với những danh y có tên tuổi chuẩn đoán cho ông, Cái án được ký : ông bị ung thư bao tử,Ca phẫu thuật lấy đi ba phần tư cái dạ dày, chín lần xạ trị lấy đi gần như toàn bộ sức khỏe của ông Chín ống cống ! Thân thể ông lúc ấy lúc suy sụp nhất còn dưới 40 kg, dù rất muốn điều trị đủ mười tám toa xạ trị theo phác đồ, nhưng chỉ đến lần thứ chín, là đành dừng lại,
Những ngày tháng sau mổ rất dài, ông nằm đó, nhìn bóng vợ liêu xiêu thay ông cầm cự xưởng, nghe tiếng cuộc sống dội vào từ những số phận bà con nghèo sống quanh mình, ông Chín bắt đầu lên kế hoạch phục hồi sức khỏe bằng tập thể dục, , , Và bằng chính lao động trên một tinh thần vui vẻ lạc quan, ông dứt khoát cấm cửa nỗi buồn, không cho nó len lỏi quấy phá đời ông nữa, , , từ những việc nho nhỏ như quét tước nhà xưởng, phụ vợ nấu cơm cho công nhân, ông lặng lẽ làm như một thợ tập sự buổi ban đầu, và từ từ, từ từ ông gượng lại, Mùi thơm của mẻ bê tông mới trộn gọi ông, những vòng cống tiếp tục lăn, và ông trở lại một Chín ông cống của một thời huy hoàng từ lúc nào cũng chẳng rõ,
Và vẫn là ông Chín đó, nhưng lại có một ông Chín mới nữa ở trong ông, những ngày vật vả với cơn đau của ung thư, ông bắt đầu cảm nhận và rất thương những người đau đớn,Cô Thúy bán vé số đau cái chân khập khiễng, ông đi tả bệnh cho dược sỹ để họ kê toa lấy thuốc về cho cô, Bà Năm cô đơn ở nhà tình thương Tân đông bị đau dạ dày, đích thân ông cũng đi mua thuốc cho bà cụ,Có một chuyện rất thú vị, bà Chín cho tôi biết, người chủ ngày xưa, cũng là người thày của ông, khi công việc làm ăn gặp lúc không may, ghé nhà, thì đã ba lần ông Chín ứng vốn cứu thày, Bà cười : "tính ổng là vậy đó! "
Đoạn đường ngay đầu cổng ấp năm , mấy cơn mưa thành hố trâu hố bò, đêm có tiếng trẻ thanh niên đi chơi về té xe cái rầm, sáng lại thấy ông lui cụi gọi mấy xe đá xanh vào san cho bằng phẳng, Ngày tư ngày tết, ông tham gia cùng bà con khu phố đóng góp giúp người còn khó nghèo, như một lẽ đương nhiên là như vậy,Hỏi ông bà về việc đó, ông bà chỉ cười, bà Chín còn e thẹn bảo, có chi đâu, ông ấy được Trời thương ưu ái cho bệnh tình ngặt nghèo lướt qua mau, mấy chút đóng góp nhỏ nhoi thế kể ra mắc cỡ chết, Ngắm nghía những bằng khen ghi nhận của xã, huyện tặng, hỏi thì ông khiêm nhu bảo là : các cô chú ấy quý hóa ghi nhận thế, chứ có chi đâu mà dám kể lể,
Khi chúng tôi tới thăm ông sớm mai này, là ông vừa trở về từ Cà mau, ông theo một nhóm bạn hữu đi về dưới đó vừa là thăm thú vừa là úy lạo bà con nghèo, chẳng thấy ông tỏ ra mệt mỏi, dù bà cho biết, mới đây bệnh viện Vũ Anh thăm khám và điều trị bệnh cho ông, lại thêm cái chứng sỏi thận, và phì đại tiền liệt tuyến ! Kệ chứ, bệnh tật thì ai khi lớn tuổi mà chả có, nhưng mà khi người ta sống vui, yêu thương mọi người, mọi sự vẫn rất là vui vẻ khí thế, Hỏi nhỏ ông sao hôm giao lưu chú lại bối rối thế, chú cũng thì thầm bật mý là : Bao tử chú giờ còn có bằng cái ly nhỏ này con ơi, đứng mà nói là chú hụt hơi, bởi thế nên thôi, để bả trình bày hộ !
Có khách hàng điện thoại, và chú Chín ống cống chuẩn bị điều khiển vô lăng, bán hàng, kiếm tiền, lo lắng cho mình, và chia sẽ chút đỉnh cho người khó quanh mình, Hoan hô chú Chín bê tông ở Đông thạnh !
Bằng ghi nhận gương người tốt việc tốt & tham gia các công tác xã hội mà xã Đông Thạnh và huyện Hóc Môn tặng ông Siêng
Ông Siêng & cô Thúy người đã được ông Siêng giúp đỡ thuốc thang cho cái chân đau
TRUYỀN THÔNG MÁI ẤM GIỮA ĐỜI
Bản quyền bài viết thuộc về Maiamgiuadoi.com, vui lòng không sao chép qua các trang mạng khác.