Thông báo

Có những người cha biết xót thương

Mấy hôm rày ít thấy ông đi lễ nhà thờ, anh em trong ban mục vụ vẫn thi thoảng trao đổi hỏi thăm ông. Người đàn ông ấy vẫn giữ trên môi nụ cười vui vẻ chan hòa, nhưng ai cũng biết là ông đang gặp những thử thách khó khăn. Đã có những người cha như thế…

Nỗi Đau Mất Người Thân 

Ông Nguyễn Văn Thông là con trai trưởng trong một gia đình có tới 11 người con. Cuộc sống với khó khăn gánh nặng của mưu sinh khiến anh em ông phải xé bầy mỗi người mỗi ngả.

Nhưng các em của ông rất quý trọng anh mình. Dẫu nghèo, người anh luôn thương yêu các em, một tình yêu thương đong đầy, độ lượng.

Trong dàn em út, ông Thông có một người em trai mà ông rất mực thương. Cuộc sống khó khăn đưa đẩy anh ấy đi làm ăn mãi miệt biên giới Campuchia, và đã nên vợ nên chồng với một cô gái gốc Miên nơi xa lạ đó. Tình yêu và nghĩa vợ chồng quấn quýt, họ có với nhau một đứa con trai. Đến đứa thứ hai, đột nhiên sức khỏe của người vợ suy sụp.

Thương em, vợ chồng ông Thông nhất mực yêu cầu em trai đưa người em dâu về thành phố sinh nở cho an toàn. "Sét đánh giữa trời quang", bác sĩ báo hung tin người em dâu mang trong mình căn bệnh thế kỷ! Có lẽ cái mầm sống nhỏ bé mà chị mang trong bụng giúp chị luớt thắng tử thần. Thương em dâu, xót đứa cháu, nhưng không nỡ làm đau em trai, ông bà Thông gọi em trai về nhẹ nhàng "tra vấn ":

- Thím nó mang bệnh, thật là thương! Chú phải xét mình xem có làm gì sai quấy khiến vợ con lâm trọng bệnh như thế ?

Người em trai thề sống thề chết không làm gì lỗi đạo với vợ hiền. Ông Thông lặng đi vì đớn đau, căn dặn em:

- Thôi bây giờ sự đã thế, cũng không truy xét cho rõ kẻo thím ấy buồn. Còn sống với nhau được ngày nào, chú phải thương yêu chăm sóc thím và cháu bé.

Sau ngày sinh nở chẳng bao lâu, chị phụ nữ bạc mệnh ra đi, bỏ lại chồng, con thơ và tấm lòng thương xót của vợ chồng người anh. Lúc đó tất cả họ đều nghèo, nghèo tới xác xơ ...

Nghèo thì nghèo, không nỡ để em dâu nằm nơi đất khách quê người và em trai u sầu xót vợ vì người em dâu lìa đời ở vùng biên giới Châu Đốc giáp xứ Miên, ông bà Thông đã vét tới những đồng bạc còm sau cùng (thậm chí cái cà vẹt xe máy ông Thông cũng đem cầm mấy trăm ngàn) cùng em trai đưa em dâu về thành phố làm ma chay cho tươm tất. 

Bà Thông lại thay em dâu làm mẹ, bồng cháu bé về nhà chăm sóc như con ruột. Xót thương thay! Tám tháng sau em bé qua đời. Lại thêm một lần mất người và tốn của.

Lúc này thì ông bà Thông đều đã biết đứa em trai của mình và thằng con cả của nó cũng đều mang bệnh trong mình. Bệnh thì bệnh, vẫn phải làm phải ăn. Anh em vẫn phải kẻ xứ Đoài, kẻ xứ Đông. Cái nghèo khiến người ta vẫn phải xa nhau dẫu lòng nặng tình yêu thương máu thịt.

Chia tay, ông bà Thông bùi ngùi dặn em :

- Chú mang bệnh trong người, phải biết thương lấy thân, ráng gìn giữ sức khỏe để sống mà nuôi con. Nghe trở bệnh trong mình thì phải về với anh. Dứt khoát phải về với anh nhé!

Người em tiếp tục bôn ba với cuộc mưu sinh. Cuộc sống của anh ấy cũng thêm được tám năm. Thằng cu lớn của anh giờ cũng 14 tuổi. Lúc này căn bệnh quật ngã anh.

Thương lắm khi một ngày đầu xuân năm 2012 mấy ngôi nhà lá ven kênh xóm nhỏ xứ nghèo bãi rác Đông Thạnh có thêm một thành viên tới nhập xóm trong tình trạng nằm thở oxy bất tỉnh nhân sự.

Đó là người em trai ông Thông theo ước hẹn đã trở về. Anh ấy về để được nằm âu yếm trong tay anh trai. Con đường trước nhà ông Thông xuôi xuống một bờ sông lớn và mát mẻ. Bà con tối tối thường đi dạo bờ sông qua lại, rất xúc động khi thấy ông Thông ngồi túc trực cạnh em trai mình suốt đêm, lau cho em mỗi khi lên cơn khó thở trào đờm dãi, bón cho em từng muỗng nước cầm hơi. Và rồi trong thương yêu ấy người em về với Chúa.

Không thể nói hết lời cảm phục khi ngày đám tang, một thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời tới chia buồn với gia đình. Khi ra về, ông Thông bỗng rưng rưng lệ sẻ chia: "Nó mất thì tôi lo, chứ tôi mà đi thì không biết lấy ai lo đây?"

Cảm phục hơn nữa khi hai tháng sau thành viên Mái Ấm Giữa Đời ghé thăm gia đình này, vợ chồng ông rạng rỡ reo mừng báo tin: 

"Mừng lắm cô ạ! Tôi đã mua cạnh bố nó một cái huyệt mả rồi, để sau này cháu có đi thì nó được gần gũi bố nó !"

Những thiện nguyện viên thành viên Mái Ấm Giữa Đời đã từng đi công tác bác ái nơi góc cùng ngõ hẻm, từng thấy người ta vui khi tậu nhà, sắm xe, khi thăng chức đổi đời, chứ chưa bao giờ thấy một niềm vui nào đẹp lạ lùng, đẹp tới xót xa đến thế, vui vì mua được huyệt mả cho đứa cháu thân yêu. Và niềm vui của ông bà mới chính đáng làm sao, cao quý làm sao khi được biết gia đình ông bà ấy đang thực sự khánh kiệt.

Đối Mặt Với Sự Khánh Kiệt

Các em và cháu chết vì bệnh đã đành, đứa con trai cũng mất vì một căn bệnh hiểm ác, bỏ lại hai đứa cháu thơ dại.

Tài sản duy nhất là một ngôi nhà lá ven kênh, loại nhà tạm bợ sẽ chẳng bao giờ được cấp chủ quyền, và che vá bằng những tấm tôn, tấm bìa chắp vá.

Nguồn sống duy nhất của họ là một giỏ hàng xôn gồm những nơ ghim kẹp tóc. Chiều chiều hai vợ chồng chở nhau đi bán dạo ở những chợ vùng ven. Mấy hôm nay buôn bán khó quá ông quay qua nấu nồi cháo lòng đẩy đi bán sớm ở cổng một xí nghiệp.

Chưa hết sự bĩ cực !

Có nguời bạn thân ở mãi Vũng Tàu chạy tới khóc than, họ gặp sự xui rủi nào đó cần vay giật gấp một món tiền. Họ năn nỉ ỉ ôi, mềm lòng ông bà đứng ra vay giúp của người cho vay bạc lãi.

Thế là thêm một cái tròng vào cổ vợ chồng con người tốt bụng và hào hiệp ấy. Bạc lãi ba mươi phân, vợ chồng ông bảo lãnh thì giờ đây phải gánh !

Không thể tả hết sự cơ cực.

Lạ lùng thay, hai vợ chồng ấy tịnh không than thở bi thương. Họ vẫn tin và rất tin Thiên Chúa giầu lòng thương xót sẽ giang tay che chở họ.

Lạ lùng hơn nữa họ vui và rất vui, niềm vui trẻ thơ khi mua được cho đứa cháu thơ dại nhiễm bệnh thế kỷ thời kỳ cuối cái lỗ huyệt.

Lạ lùng hơn nữa, ông ấy chỉ tiếc là không còn cơ hội cống hiến tiếp cho công việc của nhà thờ, bởi suốt sáu năm qua ông là một thành viên rất tích cực của giáo xứ, là người đọc lịch thánh lễ mỗi chiều chủ nhật, và sốt sắng trong phong trào đọc kinh nguyện tại gia. Giờ đây gia cảnh héo hon, dù cha xứ và bạn bè trong các hội đoàn nâng đỡ rất nhiều trong việc tang ma, giúp đỡ vật chất, cũng như đỡ nâng tinh thần, song gia cảnh ngặt quá ông đành phải ngưng công việc nhà Chúa mà ông yêu thích.

Và ông ấy quyết định sang nhượng lại nửa căn nhà lá ọp ẹp của mình để nhẹ đi gánh nặng cho người vợ hiền đảm đang cả đời héo hon vì chồng con, em út. Người vợ cũng đồng ý để chồng được thanh thản đầu óc mà lo toan. Ông bà ấy bảo nếu hết nợ thì thong dong, lại cày cuốc tiếp thì sẽ có. Song le kinh tế suy thoái, ô nhà đã ngăn, kêu mấy chục triệu đồng mà chưa có ai mua, thành ra vợ chồng nhà ấy vẫn cứ còn lận đận.

Và Mơ Ước 

Thật lạ lùng khi được hỏi, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thông đã nói lên mơ ước của mình : Mong những gia đình có con em nhiễm căn bệnh thế kỷ, dù bởi bất cứ lý do nào kể cả lý do nghiện ma túy chăng nữa, thì hãy cảm thông và dành cho họ niềm thương yêu chứ đừng kỳ thị, khinh chê. Chính tình thương yêu sẽ khiến người bệnh sống vui và sống lâu thêm nữa. 

Khi hỏi về vấn đề khó khăn của gia đình, thì ông bà đều vững tin và kiên tâm phó thác cho lòng thương xót của Chúa. Hóa ra trong cái cơ khổ, đức tin vẫn cứ cháy lên, và đức tin trong cảnh cơ hàn thì thực sự đã biến thành nguồn vui sống, nếu không sẽ rất khó lý giải vì sao con người ta có thể vui được, sống được trong quá đỗi ngặt nghèo. 

Tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa và biết xót thương nhau. Đó quả thật là hoa trái lòng xót thương mà không phải ai cũng có !

TRUYỀN THÔNG MÁI ẤM GIỮA ĐỜI
Ngày Của Cha 2015


Có thể bạn quan tâm