Thông báo

Một đám cưới đặc biệt ý nghĩa ngày cuối năm

Cuối năm - Ai ai cũng tăng tốc để kiếm tiền, những gương mặt vội vã trên đường chẳng kịp nhìn nhau, những ngã tư với dòng người khựng lại vì thắng gấp.

Cuối năm, những lối quen cũ kỹ sáo mòn, người trả nợ miệng người thông qua cánh thiệp hồng, những nụ cười gượng và những thở dài ngấm ngầm : mùa cưới.

Mệt mỏi và nản tới mức có độc giả đã phải thốt lên trên báo Người Lao Động: “Đừng mời cưới xin chi nữa!” Quả thật là mệt quá thôi, những đám cưới chầu chực giờ dây thun, xanh đỏ và ồn ào, ăn một bữa tiệc, trả nợ khéo nhau bằng một cái phong bì và thế là... hết chuyện!

Bao đêm tân hôn động phòng hoa chúc trở thành ám ảnh kinh hoàng khi cô dâu chú rể chúi cổ đếm tiền, đủ trả nợ là may, thiếu thì mặt buồn so, hạnh phúc tắt ngấm theo thiệp hồng giờ thành ra lòe loẹt rũ rượi...

Trong cái nền ngán đến tận cổ về một văn hóa cưới xin thời hiện đại, thật bất ngờ, ngày chuẩn bị đón xuân này, chúng tôi đã được nghỉ ngơi, tận hưởng một không khí đám cưới hoàn toàn mới mẻ.

Hai bạn trẻ là tín đồ đạo Công Giáo đồng thời là thiện nguyện viên rất tích cực trong các hoạt động yêu thương đồng bào nghèo, đã chọn cho mình một nghi thức cưới xin hoàn toàn mới mẻ.

Bạn Vương vốn con nhà đạo gốc, yêu thương bạn Thảo là tân tòng. Sau khi tìm hiểu kỹ càng Vương dành thời gian đưa người yêu tới giáo đường để Thảo học giáo lý tân tòng để theo Đạo, sau đó học giáo lý hôn nhân để cử hành bí tích Hôn Phối.

Ngày Chúa Nhật 11-01-2015, Vương + Thảo tay trong tay đưa nhau đến thánh đường để cử hành bí tích hôn phối trước sự chứng kiến của cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè… cả Công Giáo lẫn không Công Giáo, vì gia đình Thảo theo đạo Phật. Trong thánh lễ Hôn Phối trang nghiêm sốt sắng đầm ấm, trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn, hai bạn đã nói lên lời cam kết “chung thủy, tôn trọng, yêu thương nhau mọi ngày trong suốt cuộc đời”. Trong thánh lễ ấy, cô dâu không chạy theo mốt soirê dài luộm thuộm kéo lê cả thước vải dưới đất, nhưng lại hết sức “tiết kiệm” những miếng vải phía trên để che những thứ cần che. Chỗ thì quá dư, chỗ thì quá thiếu, một sự hở hang, hớ hênh như thế trong nơi linh thánh ở nhà thờ là điều tuyệt đối nên tránh. Được sự nhắc nhở và khuyến khích của gia đình, cô dâu đã chọn cho mình trang phục áo dài Việt Nam truyền thống mầu trắng tinh tuyền thật trang nhã. Áo dài Việt Nam trong những buổi lễ như vậy làm tăng thêm tính trang trọng và cũng là cách bảo vệ duy trì những giá trị truyền thống của nền văn hóa Việt Nam. Đâu phải cứ chạy theo Tây theo Mỹ theo mốt mới là đẹp? Đâu phải cứ mặc đầm, mặc váy mới là sang? Đâu phải giữ lại giá trị truyền thống là “quê” ? Một gia đình trẻ công giáo đã được hình thành trong sự giản dị và ấm cúng.

Không đua chen theo mốt thời thượng chọn những khách sạn đẳng cấp sao nọ sao kia, bữa tiệc tình yêu cũng được hai bạn xin phép gia đình tổ chức trong hội trường (chứ không phải Hoa Viên) của một giáo xứ bình yên nơi con hẻm nhỏ tránh sự ồn ào náo nhiệt. Nói là hội trường vì nó chỉ là một miếng đất rộng nằm trong khuôn viên nhà thờ, khung sắt lợp tôn, nền nhà tráng xi măng, bốn bề trống không, với mấy miếng gỗ dựng lên làm sân khấu dã chiến. Chỉ có thế! Cha xứ cũng chủ trương như thế. Bởi vì ngài không muốn bị Chúa Giêsu khiển trách là đã “biến Nhà Cha Ta thành nơi buôn bán, thành hang trộm cướp” với những Hoa Viên nằm ngay trong khuôn viên nhà thờ như “Trung Tâm Nhà Hàng Tiệc Cưới” kinh doanh kiếm tiền. Hỏi ngài sao không sơn sửa hội trường cho đẹp. Ngài mỉm cười nói cứ để vậy để gia đình nào khó khăn mà cần thì cho mượn để dùng, chứ không có ý cho thuê kinh doanh, kéo bị mang tiếng là kinh doanh, “tục hóa”.

Đôi Tân Hôn chọn hội trường đơn giản dân giã này vì họ được tự do trang trí sân khấu, được thực hiện nghi thức theo ý mình, không bị bó buộc theo quy địnnh cứng ngắc máy móc nặng hình thức của các Nhà Hàng Tiệc Cưới. Họ đã đi nhiều Hoa Viên, Trung Tâm Tiệc Cưới xin đặt trên sân khấu hình Chúa Thương Xót đang giang tay chúc lành cho đôi tân hôn và thực khách, thế mà ở đâu cũng bị từ chối. Chỉ có nơi bình dân giản dị này, Chúa mới được ngự trị! Chốn xa hoa lộng lẫy Chúa không có chỗ đứng trong đó! Ở đây đôi bạn trẻ được tự do tổ chức theo ý mình sao cho có ý nghĩa nhất. Họ không phải theo quy định nào, cũng chẳng phải mướn MC, mướn ban nhạc, mướn ca sĩ, để vừa mất tiền vừa mua lấy cái bực mình, vì hát hay hét điếc lỗ tai, bạn bè anh em bà con gặp nhau ăn tiệc chẳng nói chuyện gì được, chẳng hỏi thăm nhau được một câu, cứ ăn cho nhanh kẻo nhà hàng thu đồ ăn đi, ăn xong mạnh ai nấy về với tâm trạng mệt mỏi chán chường.

Trước tiệc cưới, bạn hữu đã rỉ tai nhau, Vương và Thảo ý mà, các bạn ấy sẽ có một bí mật mà chỉ đến khi mọi người nâng cốc mừng tiệc cưới chúng ta mới biết !

Ai cũng tò mò, nhưng không đoán ra bí mật của hai bạn. Rồi giờ để “bật mí” cũng tới. Khi mở màn tiệc cưới không có lời giới thiệu khách mời chức trọng ngôi cao, ngoài thân hữu quen thuộc, hai bạn đã mời tới đây những vị khách đặc biệt có 6 bàn dành riêng. Đó là các thành viên của 6 Mái Ấm.

Quả là xúc động khi tới chung vui với hai người trẻ là những trẻ thơ bụi đời mồ côi, những người khiếm thị, khuyết tật và cả những người neo đơn không nơi nương tựa. Hỏi ra mới hay, cô dâu chú rể đi làm thiện nguyện lòng cứ vấn vương hoài những mảnh đời bất hạnh. Biết mình hạn hẹp khó giúp gì cho những mảnh đời như vậy, đôi tân hôn đã xin cha mẹ chấp nhận nguyện vọng của họ là mời các bạn ở các Mái Ấm tới với tiệc cưới của mình, biến ngày vui riêng của bản thân thành bữa tiệc vui chung cho những phận đời thua thiệt. Họ cố thực hiện Lời Chúa dạy: “Khi làm tiệc, các con hãy mời những người nghèo khó, mù què câm điếc… họ không có gì trả lại cho con… sau này họ sẽ đón các con vao Nước Trời!”

Sân khấu tiệc cưới trở thành nơi cho trẻ em mồ côi và người khuyết tật giao lưu, tiếng đàn sáo, tiếng hát ca vang lên đầy hào hứng, rộn rã.

Lại thêm một bất ngờ nữa cho khách dự tiệc : Vương và Thảo đã cắt bỏ mọi nghi thức trần gian tốn kém rườm rà, không sâm-banh nổ tung bốc khói, không vòng tay nhau uống rượu, không cắt bánh cưới nhiều tầng. Đôi tân hôn chỉ thực hiện nghi lễ thắp nến Tạ Ơn Lòng Thương Xót hải hà của Thiên Chúa tình yêu và tri ơn đấng sinh thành của hai bên nội ngoại. Kế tiếp cả hai đổ 2 ly cát mầu đỏ và mầu trắng vào một trái tim, tượng trưng máu và nước từ trái tim giầu lòng thương xót của Chúa Giêsu đã đổ ra vì yêu thương nhân loại. Máu và Nước. Tình Yêu đòi phải có Hy Sinh. Nhân loại ngày nay chỉ được bình an hạnh phúc đích thực khi họ biết chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa. Đôi Tân Hôn xác tín điều đó, và họ xin các vị linh mục đến tham dự tiệc cưới lên đặt lên đầu chúc lành và cầu nguyện cho họ trong lúc cả hai trang nghiêm quỳ xuống lãnh nhận phép lành. Sau đó vị linh mục ban phép lành cho của ăn để khai tiệc. Nghi thức mới mẻ, xúc động, và gây nhiều ấn tượng.

Cũng lại một lần nữa đầy bất ngờ, khi hai em xin phép dành số tiền mà ba mẹ đôi bên tặng các con làm chút vốn vào đời xin trích ra để lo toàn bộ chi phí đón đưa các bạn bè thiệt thòi của sáu mái ấm về đây, và chuẩn bị cho họ chút quà xuân nho nhỏ...

Đấy các bạn ạ, lâu lắm rồi chúng tôi mới được kể cho các bạn nghe một đám cưới không ngán ngẩm, đầy lạ lùng và đầy niềm vui như thế. Mái Ấm Giữa Đời kể lại câu chuyện nho nhỏ mà vui này ngày cuối năm với một hi vọng : Các bạn trẻ ơi! Hãy biến đời mình thành bữa tiệc thật vui của tình yêu, hiến dâng đầy sáng tạo, đừng để đời mình chìm trong lối sống mòn mỏi nặng nề. Hãy yêu nhau trong tình yêu Thiên Chúa, yêu như Thiên Chúa yêu chúng ta. Hãy xót thương người để được Chúa xót thương. Càng biết trao ban, chia sẻ, cho đi bao nhiêu, thì niềm vui nhận lại cũng sâu đậm lớn lao bấy nhiêu.

Cảm ơn hai bạn Vương và Thảo, chính các em đang góp phần kiến tạo cuộc sống đẹp đẽ hơn, bằng cách dám phá bỏ nếp cũ mòn vô nghĩa nặng tính vật chất trần gian, dâng Chúa và tặng tha nhân một tiệc cưới vui vẻ và ý nghĩa như vậy.

TRUYỀN THÔNG MÁI ẤM GIỮA ĐỜI

Có thể bạn quan tâm