Tham dự kỷ niệm 40 năm tờ báo Tuổi Trẻ: Vẫn luôn là tờ báo tử tế
Mái Ấm Giữa Đời - Xin được lấy lại lời kết của cô Thu An - từ ban bạn đọc của tờ báo Tuổi Trẻ để kết đọng những cảm xúc của chúng tôi khi tham dự buổi họp mặt của những độc giả có những kỷ niệm gắn bó với quý báo.
Sáng thứ tư 26/8 hai người chúng tôi khởi hành từ Hóc Môn lên tòa soạn báo. Đi phải giờ cao điểm nên con đường Cộng Hòa trở nên xa vời và chật chội đến đáng sợ. Hành trình hôm nay của chúng tôi đến để cùng Tuổi Trẻ, cùng những độc giả thân thuộc của Tuổi Trẻ ngồi ôn lại những kỷ niệm và cùng chia sẻ những trăn trở với quý báo.
Sau khi đã gặp mặt đông đủ đại diện quý báo đã dẫn đoàn tham dự cuộc họp giao ban mỗi sáng của tòa soạn. Đây chính là buổi làm việc đầu tiên trong ngày dù chỉ 30 phút nhưng rất quan trọng. Từ phòng họp chính kết nối với các điểm cầu Tuổi Trẻ trên khắp các tỉnh thành thông qua Internet. Từ đó đưa ra các chủ đề để bàn luận và có thể triển khai thành các chủ điểm trên tờ báo. Cá nhân tôi cho rằng đây là một hình thức làm việc có thể là không mới nếu xét trên bình diện quốc tế, nhưng xét qua báo chí VN nói chung thì rất thú vị và mang lại khả năng tương tác cao hơn, nâng cao chất lượng các chủ điểm trên tờ báo.
Dòng người tham quan tòa soạn in dấu qua phòng truyền thống. Nơi trưng bày các hiện vật, cũng như những dấu mốc không thể quên trong hành trình 40 năm tờ Tuổi Trẻ. Tôi đã dừng lại rất lâu trước kỷ vật chiếc máy ảnh mà nhà báo Tự Trung đã sử dụng để ghi lại khoảnh khắc tòa nhà ITC bị cháy năm 2002. Vì lúc khoảnh khắc đó, mẹ tôi đã ở tòa nhà đối diện và chết trân nhìn từng người một hoảng loạn nhảy ra khỏi cửa sổ của tòa nhà đang cháy ngùn ngụt.
Đoàn thăm quan quay trở lại phòng họp và có những giờ phút chia sẻ tâm tình của mình dành cho Tuổi Trẻ. Đó là những giọt nước mắt, những câu nói nghẹn nghào, những kỷ niệm với quý báo, những trăn trở, suy tư về tình hình đất nước và mong muốn dành cho quý báo.
NHỮNG MẶT TỐI CỦA CUỘC SỐNG
Những dòng tâm sự ứa nước mắt của một độc giả kể về hành trình phanh phui của mình khi tìm ra những khoảng tối trong công tác ký hợp đồng với các em khiếm thị của một trường chuyên biệt nổi tiếng. Hay khoảnh khắc ông bốc điện thoại gọi cho Tuổi Trẻ nhờ can thiệp khi chứng kiến cảnh một bệnh nhân rớt ống thở đến nơi mà các y bác sĩ còn đang mải gọt trái cây đã làm nhiều ánh mắt trong phòng họp phải nhíu lại vì sợ hãi. Sự vô cảm còn hiện hữu quá nhiều, hiện hữu trong chính những nơi tưởng chừng như tràn đầy tình yêu thương: bệnh viện phòng khám, trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật…
Hay những tâm sự thật lòng của những độc giả là người đang công tác trong các ngành giao thông, ngân hàng, y dược khi nói về những phi vụ chạy chọt hàng trăm triệu, để rồi sau đó những công chức giao thông, ngân hàng, y dược mẫn cán bù lại số tiền đó bằng cách nhận phong bì, “ngã giá” thuốc men ung thư… Con số 70% chỉ tiêu nghề “dành cho con em trong ngành” hay 60% “tỷ lệ ăn vào chi phí thuốc điều trị” của các bác sĩ, dược sĩ làm tất cả phải hoảng sợ. Và trên hết là sự sợ, sợ đấu tranh, sợ phải chịu hậu quả vì dám đứng lên chống lại cái ác, cái xấu. Vì đơn giản là không có ai bên cạnh để bảo vệ.
VÀ SỰ LO ÂU DÀNH CHO THẾ HỆ TRẺ
Phần lớn thời lượng buổi nói chuyện dành thời gian nói về thế hệ trẻ. Đó là sự lo âu khi nhiều em bây giờ không có định hướng về xã hội, không biết gì về các vấn đề lớn của đất nước, không quan tâm báo chí. Không có định hướng nghề nghiệp và không được trao bất cứ cơ hội nào để có việc làm sau khi ra trường. Câu chuyện của thầy nói về mỗi năm có 1600 cử nhân sư phạm không được nhận vào giảng dạy ở các trường phổ thông chỉ vì…không còn biên chế, các biên chế hiện tại đã được “giữ rịt” từ năm này qua năm khác. Nên những người trẻ đã chọn ngành sư phạm để mài dũa, nay cầm tấm bằng cử nhân cất đi để đi làm…công nhân.
Rất may là vẫn còn điểm sáng trong bức tranh giáo dục nhiều màu sắc buồn. Ví như bài học của thầy Lê Tuấn Anh khi mang các bài báo vào các bài giảng GDCD của mình đã gợi lên một ý tưởng tuyệt vời khi đưa hơi thở cuộc sống vào những bài học tưởng chừng khô khan nguội lạnh.
Kết thúc buổi trò chuyện những người làm báo Tuổi Trẻ đã có lời đúc kết rất chân tình đến các độc giả như một lời cam kết: Luôn đổi mới, luôn sáng tạo theo những đổi thay cuộc sống. Nhưng chất trẻ, chất lửa trong Tuổi Trẻ sẽ luôn được hun đúc, chẳng thể nào để cho tàn lụi.
Và cũng hơn hết, những bài báo Tuổi Trẻ có thể có bài hay, bài chưa hay, những bài có một vài hạt sạn, nhưng những bài báo đó luôn phải là bài báo tử tế.
MINH HỘI
TRUYỀN THÔNG MÁI ẤM GIỮA ĐỜI