Thông báo

Viết cho ngày của cha - Father's day

Những người cha trong câu chuyện dưới đây, họ đều có những người con yêu dấu và rất đặc biệt. Dù mỗi câu chuyện đều có những kết thúc lạ thường, có những kết thúc sầu bi đến buồn thảm. Nhưng qua đó, vẫn bật lên thông điệp tuyệt vời mà thánh cả Giuse hai ngàn năm trước đã truyền tải: “Người cha, người chồng luôn là hy sinh cho người mình yêu được hạnh phúc”.

Trên bước đường loan truyền lòng Chúa thương xót mà nhóm thiện nguyện Tín Thác đã đi qua, mỗi số phận, mỗi cuộc đời, đều hằn lên bóng dáng người cha. Bóng dáng ấy khắc khổ, âm thầm, có đôi chút cộc cằn và khô khan. Nhưng sau tất cả những vẻ bề ngoài ấy, hiện lên nguyên vẹn trái tim đầy lòng thương xót dành cho những người thân của mình, không thua kém gì những người mẹ…

"Ước Gì Tôi Chịu Hết Những Đớn Đau Thay Cho Con Tôi..."

Đằng sau cánh cửa cách ly của Khoa Nhi Bệnh Viện Ung Bướu – bé Phan Minh Trường nằm thiêm thiếp với một đống dây nhợ trên người. Thằng bé mới chín tuổi đầu mà đã mắc bệnh ung thư xương hết tám năm, mổ xẻ không biết bao nhiêu lần. Nay thì em đang bước vào đợt hóa trị mới đầy may rủi, quyết định chuyện sinh tử của em sau này...

... Mấy tháng trước, nhà một thiện nguyện viên có việc cần sửa chữa lại, một người hàng xóm nói nhỏ: "Gọi ba bé Trường làm đi. Con nó bệnh ngặt, gọi nó làm cho nó có đồng ra đồng vào mà mua thuốc cho thằng nhỏ!..."

 Sáng sớm người đàn ông ấy xuất hiện, lầm lũi với bộ dạng bê bết mồ hôi. Chắc hẳn anh cũng vừa chạy từ một công trình nào đó gần đây. Người thiện nguyện muốn hỏi thăm về bệnh tình của đứa trẻ mà thấy anh lúi húi làm chẳng nói câu gì, nên đành thôi.

Tín Thác thiện nguyện hỏi thăm hàng xóm mới biết nhà bé Trường. Tìm đến thăm, trò chuyện hồi lâu được biết em bị ung thư xương từ hồi một tuổi. Đi học qua được lớp một thì bệnh trở nặng. Thế là từ đó em chỉ còn biết bốn bức tường nhà, bốn bức tường phòng bệnh, và những cơn đau của bệnh ung thư dai dẳng... 

Cha em làm thợ hồ miệt mài. Ai kêu gì làm nấy, bất kể việc gì, miễn có thể vắt sức lao động ra để đổi cho con mình lốc sữa, hộp thuốc, người cha ấy không nề quản. Nhà cửa gia sản có bao nhiêu, người cha ấy cũng đã bán hết để lo chạy thầy chạy thuốc cho con. Thằng bé cứ vật vờ mỗi tháng ghé bệnh viện một lần. Mẹ em phải nghỉ làm ở nhà chăm con, thành ra chỉ còn cha em phải lao động cật lực để nuôi vợ, nuôi con, nuôi thuốc, nuôi bác sĩ...

Người cha đau khổ ấy gặp thiện nguyện viên nói chuyện một hồi là nước mắt muốn chảy ra, anh bảo: "Ước gì tôi có thể chịu hết những đớn đau của con mình. Nhìn nó oằn người đau đớn trong vòng tay mình, thấy xót xa, đau thắt lòng thắt dạ!..."

Hôm sau thiện nguyện viên ghé lại thì biết em vừa nhập viện để truyền một đợt hóa chất mới. Sữa bánh, quà thiện nguyện viên đem tới phải gửi lại cho bà nội, "Con ơi! mau khỏe để về nhận quà nhé!"

... Bé Trường vẫn nằm thiêm thiếp đó với đống dây dợ. Đợt truyền hóa chất lần này bác sĩ bảo sẽ truyền thuốc mới, cơ hội qua được chỉ 50-50. Hai vợ chồng nghe tin mà rụng rời. Người vợ ngất lịm trong vòng tay chồng. Anh cứ lầm bầm cầu khấn: "Xin bất cứ Đấng nào quyền năng ngự trên trời dưới đất, hãy cứu con tôi!..."

Đêm đó, bé Trường ra đi. Em không còn phải chịu thêm một ngày đau đớn nào nữa. Chúa Thương Xót đã cất em về với Ngài, cất đi mọi khổ đau, mọi bất hạnh mà em đã gánh chịu bởi bệnh tật trong suốt 8 năm qua.

CON CÓ THỂ QUÊN CHA, NHƯNG CHA THÌ KHÔNG BAO GIỜ

“Xảy cha ăn cơm với cá, xảy mẹ liếm lá gặm xương”. Câu nói của người xưa làm người cha giật mình khi nhìn thấy bốn đứa con gái của mình nheo nhóc. Mẹ mấy đứa nhỏ đã qua đời từ lâu. Bà nội của chúng thì tật nguyền. Là người đàn ông duy nhất trong nhà, anh chọn con đường về thành phố làm thuê làm mướn để có tiền nuôi mấy đứa con ăn học, tránh khỏi thảm cảnh “liếm lá gặm xương” khi không có bóng dáng mẹ hiền bên cạnh. Gửi lại con cho bà nội chỉ còn một chân tập tễnh ở Bình Dương. Xót lòng lắm nhưng phải chịu, anh về Sài Gòn đi làm.

Mấy đứa cháu lớn lên nhờ bàn tay chăm sóc của bà nội, lâu lắm chẳng thấy mặt cha mình. Chỉ có mỗi tháng cha gửi tiền đều cho bà nuôi mấy đứa ăn học. Hình bóng người cha trong chúng cũng dần phai nhòa. Nhiều khi hỏi đến, tâm hồn non nớt của chúng chẳng biết tả về cha như thế nào. Nhưng mỗi ngày, chúng vẫn lớn khôn trưởng thành nhờ những đồng tiền mà cha mình cày cuốc ngày đêm chắt chiu mỗi tháng. 

Nhiều lần Tín Thác tìm đến nhà anh để hỏi thăm về việc học hành của bốn đứa cháu nhưng đều không gặp được. Với anh chắc cả đời không có khái niệm ngày nghỉ. Những khi không có công trình, không còn việc làm hồ, làm thợ xây cho nhà người ta thì anh lại tất tả tìm những công việc làm thuê làm mướn khác, chỉ cần mỗi tháng có tiền nuôi con ăn học thì anh không từ nan.

Cây chăm bẵm tươi tốt rồi cũng có ngày sinh trái ngọt. Con gái lớn nhất của anh năm nay đã biết đi làm, đã có những đồng lương đầu tiên phụ bà, phụ cha nuôi 3 em nhỏ. Chặng đường của anh nay đã bớt chông gai hơn. Sẽ có những tia hy vọng đầu tiên. Như ngày xưa, thánh Giuse chỉ cho Chúa Giêsu những bước bào gỗ đầu tiên, để một ngày Chúa Giêsu trưởng thành lớn khôn, bắt đầu cuộc đời đầy huyền nhiệm của mình với một hình ảnh đơn giản nhất, một hình ảnh chân thực nhất của người dân cần lao: một anh thợ mộc.

Và Hành Trình Của Những Người Cha Mang Trên Mình Mầu Áo Tín Thác...

Trong những thành viên của nhóm thiện nguyện Tín Thác, hẳn có nhiều người đã làm chồng, làm cha. Những người cha mang trên mình màu áo Tín Thác, với trái tim thêu nơi ngực, hẳn cũng thấy tự hào khi mang trên mình sứ vụ cao cả là nuôi dạy những đứa con lớn khôn nên người. Nhận thức được sứ mệnh đó, mỗi người cha Tín Thác thấy trước mắt hiển hiện hành trình mà Thánh cả Giuse đã đi qua. Hành trình ấy lắm chông gai và đau đớn. Hành trình ấy hẳn đơn độc, vì mấy ai thấu hiểu mà sẻ chia. Hành trình ấy vất vả vì gánh vác những công việc nặng nề. Hành trình ấy từ đầu đến tận điểm cuối cùng, chẳng bao giờ có lấy một nụ hoa hồng rải dưới chân. Nhưng đấy là hành trình mà mỗi người đàn ông hằng ao ước, khi mà điểm hẹn cuối cùng, bên cạnh họ, chính là những người con lớn khôn và trưởng thành. 

Niềm hạnh phúc của những người cha chỉ là bình dị vậy thôi. 

Nhân ngày của cha, thiện nguyện Tín Thác cùng nhớ lại những người cha mà mình đã gặp trên đường loan truyền lòng Chúa thương xót, chứng kiến và sẻ chia cùng họ nỗi vất vả, nỗi khổ đau và những thập giá gai góc họ đang phải oằn lưng gánh vác. Nhưng sâu thẳm trong bóng dáng ngày càng còng rạp theo thời gian, là trái tim đầy lòng thương xót, là ý chí mãnh liệt đến khôn cùng, âm thầm và thinh lặng, vực dậy những đứa con không toàn vẹn của mình vượt lên những khổ đau thể xác và nỗi đau tinh thần. 

Hãy tiếp tục chu toàn sứ vụ cao cả của mình, với niềm tín thác vào lòng Chúa xót thương, những người cha nhé!

MÁI ẤM GIỮA ĐỜI
SÀI GÒN MƯA
CN 21-6-2015


Có thể bạn quan tâm